Viettel bất ngờ gia nhập thị trường thương mại điện tử, tham vọng là gì?
(Dân trí) - Viettel dường như đang ngày càng thể hiện rõ quyết tâm kinh doanh ngoài lĩnh vực viễn thông khi bất ngờ tham gia vào các lĩnh vực phát triển nóng là thương mại điện tử và cả “cuộc đua” trên thị trường ứng gọi xe.
Trong những ngày qua liên tiếp xuất hiện các thông tin bất ngờ về việc Viettel âm thầm tung ra ứng dụng gọi xe MyGo và bí mật tham gia vào thị trường thương mại điện tử Voso.vn (Vỏ Sò), đều do công ty Viettel Post vận hành.
Chia sẻ với Dân trí, một nguồn tin từ Viettel Post xác nhận công ty này sẽ chính thức công bố 2 dịch vụ mới nhất của mình trong sự kiện diễn ra vào này 1/7 tới.
Đại diện từ Viettel Post cho hay, Voso.vn là kênh thương mại điện tử đích thực đầu tiên của Viettel khi tham gia vào thị trường này. Mục tiêu của Viettel là trở thành sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam nhưng lại không phải để cạnh tranh hay thay thế các tên tuổi lớn là Shopee, Lazada, Tiki hay Sendo…
“Voso.vn sẽ là kênh thương mại điện tử toàn diện, cũng sẽ là “chợ” mua bán các món hàng từ thiết yếu cho đến xa xỉ. Tuy nhiên, triết lý của Viettel là sàn thương mại này sẽ hỗ trợ tối đa người mua và người bán trong lĩnh vực vận chuyển (logistics). Người dùng sẽ không còn gặp khó khăn trong khâu vận chuyển khi mua và bán hàng”, đại diện Viettel Post tiết lộ. “Trong khi đó, ứng dụng gọi xe MyGo sẽ là kênh tiếp nhận vận chuyển đơn hàng cho khách hàng từ trang thương mại điện tử của Viettel”.
Đại diện Viettel chia sẻ cả 2 dịch vụ mới nhất của nhà mạng này đều tham gia vào các lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt khi MyGo sẽ phải đối mặt với các ứng dụng “sừng sỏ” là Grab, Go Việt, Be, Fastgo… ; và Voso.vn sẽ cạnh tranh với Lazada, Tiki, Sendo…, nhưng mục đích hướng đến của Viettel là hỗ trợ tối đa người dùng dịch vụ, đặc biệt là trong lĩnh vực vận chuyển vốn là thế mạnh của nhà mạng này trong nhiều năm qua.
Nói về kế hoạch kinh doanh của mình, nguồn tin này cho biết sàn thương mại điện tử của Viettel dự kiến sẽ miễn phí dịch vụ cho khách hàng cho đến năm 2020.
“Trong thời gian qua, chúng tôi nhận thấy người dùng Việt Nam bị phụ thuộc quá nhiều vào các kênh bán hàng trên Instagram, Facebook… Và khi những ông lớn này thay đổi chính sách, bị lỗi hệ thống hay bất thình lình khoá trang của người dùng thì việc kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, chúng tôi tham vọng sẽ tạo ra các dịch vụ của người Việt để phục vụ cho chính người Việt”.
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong trong giai đoạn phát triển nóng. Năm 2018 thương mại điện tử Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng trên 30%. Việt Nam đặt mục tiêu thị trường sẽ đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.
Tuy nhiên, Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử 2019 cho thấy vẫn còn nhiều cản trở cho sự bứt phá trong giai đoạn tới. Những cản trở lớn nhất bao gồm lòng tin của người tiêu dùng vào giao dịch mua bán trực tuyến còn thấp, dịch vụ logistics - giao hàng chặng cuối - hoàn tất đơn hàng còn nhiều hạn chế, đặc biệt là chênh lệch khoảng cách số giữa các địa phương còn rất cao.
Có thể thấy, Viettel tham gia vào thị trường thương mại điện tử ở thời điểm này là có thể khai thác được lợi thế của mình, với tập khách hàng lớn, trên 50 triệu thuê bao di động và 12 triệu khách hàng chuyển phát Viettel Post. Trong khi đó, về khâu logistics thì Viettel cũng có thế mạnh khi có thể tiếp cận được các thị trường thành phố hạng 2 và nông thôn, vùng xa.
Khôi Linh