Viet Solutions và cơ hội để các start-up đứng trên vai người khổng lồ

(Dân trí) - Cuộc thi tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số Việt Nam (Viet Solutions) mang lại cho doanh nghiệp công nghệ cơ hội hợp tác cùng các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn như Viettel, đang thu hút đông đảo sự theo dõi từ các start-up trong và ngoài nước.

Cơ hội trăm năm để đất nước vươn lên

Chia sẻ tại lễ khởi động Viet Solutions 2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đại dịch Covid-19 là cơ hội và cú huých trăm năm để đẩy nhanh và toàn diện chuyển đổi số trên bình diện quốc gia, cả về kinh tế, xã hội, nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân.

Viet Solutions và cơ hội để các start-up đứng trên vai người khổng lồ - 1
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Cái mà các doanh nghiệp công nghệ số cần nhất chính là thị trường. Có thị trường sẽ có đầu tư, có công nghệ có con người”.

“Việt Nam có lợi thế so sánh về chuyển đổi số, có lợi thế nhiều doanh nghiệp viễn thông và công nghệ thông tin mạnh. Đây là lúc phát huy để đất nước vươn lên”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Điểm khác biệt của mùa giải năm nay chính là có sự chỉ đạo và tham gia của các Bộ, ngành. Trong đó, Bộ Thông tin & Truyền thông sẽ là cơ quan định hướng, chỉ đạo, tiếp nhận tất cả các vướng mắc của doanh nghiệp công nghệ, kết nối với các Bộ để tháo gỡ. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tạo dựng các vườn ươm công nghệ bằng cách kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ lớn hợp tác với các công ty công nghệ non trẻ để cùng hoàn thiện và phát triển sản phẩm, thúc đẩy các Bộ, ngành tạo lập thị trường.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các ngành cũng cam kết đồng hành với chuyển đổi số quốc gia. “Các bộ ngành cho phép, cấp ‘giấy khai sinh’ cho các mô hình mới, chính là tạo thị trường cho chuyển đổi số. Cái mà các doanh nghiệp công nghệ số cần nhất chính là thị trường. Có thị trường sẽ có đầu tư, có công nghệ có con người”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

100 triệu dân là tài nguyên lớn nhất của Việt Nam. Chuyển đổi số Việt Nam là cái nôi để sinh ra các doanh nghiệp công nghệ số Việt, nhất là khi những lời giải cho Việt Nam cũng là lời giải cho thế giới. Thông qua chuyển đổi số, các doanh nghiệp, các sản phẩm, các giải pháp chuyển đổi số Việt Nam có cơ hội xuất ngoại và làm rạng danh đất nước, vốn đã chậm chân trong 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đây.

Sức mạnh tới từ sự cộng hưởng

Trên thực tế, các cuộc thi tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số dành cho startup cũng có nhiều nhưng chưa có cuộc thi nào chỉ tập trung vào các sản phẩm đã hoàn thiện, có thành quả ban đầu và thông qua cuộc thi được sự hậu thuẫn của các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn để hoàn thiện giải pháp, đồng thời mở rộng thị trường như Viet Solutions.

Tiền thân của cuộc thi này - Viettel Advanced Solution Track 2019 đã cho thấy hiệu quả của việc kết hợp giữa một startup với giải pháp hoàn thiện có hiệu quả và một tập đoàn công nghệ lớn sẽ có kết quả ra sao.

Chia sẻ về sự hợp tác với Viettel sau khi đạt giải trong cuộc thi năm 2019, Nguyễn Hoàng Tùng, Tổng giám đốc VVN AI (startup cung cấp giải pháp định danh khách hàng điện tử), cho biết sự đồng hành với Viettel giúp startup chuyển mình và đạt được những thành tựu đột phá. Ngoài hợp đồng với Viettel như cam kết của cuộc thi, VVN AI còn ký hợp đồng với hàng loạt doanh nghiệp lớn trong ngành Viễn thông, Tài chính – Ngân hàng cho ứng dụng nhận diện thông tin chứng minh thư của mình.

Viet Solutions và cơ hội để các start-up đứng trên vai người khổng lồ - 2
Ông Cao Anh Sơn – CEO Viettel Telecom (người thứ 2 bên trái), ông Nguyễn Hoàng Tùng – CEO VVN AI, ông Đỗ Ngọc Lâm – người sáng lập Vuihoc.vn (ngoài cùng bên phải).

“Khi được Viettel đồng hành, chúng tôi có thể phát triển sản phẩm tốt hơn, phù hợp hơn với khách hàng. Chính vì Viettel là tập đoàn lớn nên họ rất khó tính trong tìm kiếm sản phẩm chất lượng. Nhờ điều này, VVN AI có cơ hội gọt rũa sản phẩm của mình để tốt hơn với thị trường”, Nguyễn Hoàng Tùng chia sẻ.

Ông Cao Anh Sơn, Tổng giám đốc Viettel Telecom – đơn vị tổ chức cuộc thi năm 2019, nhấn mạnh, Viettel tổ chức Viet Solutions với mong muốn tìm kiếm các sản phẩm dịch vụ, mô hình mới có thể đưa vào triển khai ngay lập tức. Năm 2019, có 25 sản phẩm đạt giải và đã được Viettel đồng hành, giúp hoàn thiện sản phẩm.

“Nhiều sản phẩm, giải pháp tham dự cuộc khi không phải vì giải thưởng hay tìm kiếm nhà đầu tư. Các startup tới Viet Solutions với mong muốn được kết nối vào hệ sinh thái của một nền tảng viễn thông và công nghệ thông tin hàng đầu. Với những sản phẩm chưa hoàn chỉnh, sau khi tham gia vào chương trình, chúng sẽ được hoàn thiện và trở nên có ý nghĩa hơn với kinh nghiệm, sự hiểu biết cũng như các hỗ trợ khác từ Viettel”, ông Sơn nhấn mạnh.

Cơ hội sử dụng bệ phóng trên vai những người khổng lồ

Phát biểu tại buổi lễ, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, cho biết: “Quản trị, khách hàng, tài chính là những yếu tố cơ bản ban đầu của startup. Thiếu bất cứ yếu tố nào, các bộ óc công nghệ của chúng ta đều khó có thể cất cánh”.

Viettel cần tới 10 năm mò mẫm tìm lối đi để kinh doanh dịch vụ viễn thông và tích lũy 10 năm làm viễn thông để khai trương thị trường nước ngoài đầu tiên. Tuy nhiên, trong thời đại số, sự thay đổi của công nghệ không thể và không cho phép có nhiều thời gian đến vậy.

Viet Solutions và cơ hội để các start-up đứng trên vai người khổng lồ - 3
Ông Lê Đăng Dũng – Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel: “Viettel cam kết sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ non trẻ để công nghệ Việt, giải pháp Việt sớm cất cánh”.

“Chính vì vậy, Viettel cam kết sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ non trẻ để công nghệ Việt, giải pháp Việt sớm cất cánh”, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng cho biết đồng thời nhấn mạnh thị trường hơn 300 triệu người của Viettel trên 11 quốc gia, chuẩn bị phủ sóng 5G và hạ tầng sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là bàn đạp tốt cho các startup phát triển nền tảng công nghệ chuyển đổi số.

Năm 2020, Viet Solutions sẽ không chỉ dừng lại ở tìm kiếm các ý tưởng công nghệ cho viễn thông mà còn tìm kiếm các giải pháp mà Chính phủ ưu tiên trong chuyển đổi số là Y tế, Giáo dục, Tài chính - Ngân hàng, Nông nghiệp, Giao thông vận tải và logistics, Năng lượng, Tài nguyên và Môi trường, Sản xuất công nghiệp...

Lấy ví dụ với nhu cầu khám bệnh từ xa trong lĩnh vực y tế, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng cho biết bài toán công nghệ ở Việt Nam có rất nhiều và đây chính là cơ hội cho các công ty công nghệ cùng tham gia giải quyết để góp phần xây dựng công dân số, xã hội số và quốc gia số. Việc chia sẻ mục tiêu tạo ra những chia sẻ về nguồn lực và sự cộng hưởng lan tỏa trong cộng đồng.

Trần Long - Trường Thịnh