1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Việt Nam đón đầu kỷ nguyên không dây bằng WiMax

Điện thoại di động đang làm giảm doanh thu của hình thức liên lạc cố định tại VN. Máy tính xách tay, PDA, rồi thậm chí cả chuột và bàn phím cũng hoạt động không cần dây dẫn. Và khi WiMax còn chưa chính thức được triển khai trên thế giới, công nghệ băng rộng này đã được thử nghiệm ở tỉnh Lào Cai.

“Hãy hiểu WiMax là WiMax”

Ray Owen, Giám đốc sản phẩm WiMax tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của tập đoàn Motorola, khẳng định, dù có nhiều điểm giống nhau nhưng WiMax hoàn toàn không phải là phiên bản nâng cấp của Wi-Fi, cũng chẳng phải biến thể WiBro và gọi là thế hệ 4G cũng không đúng. Còn nếu so với các công nghệ 3G, WiMax lại có lĩnh vực ứng dụng hoàn toàn khác và không hề cạnh tranh hay loại bỏ chúng.

 

Wi-Fi hay Wireless Fidelity là công nghệ mạng nội bộ không dây (WLAN) dựa trên tiêu chuẩn IEEE 802.11. Trong khi đó, WiMax (Worldwide Interoperability for Microwave) là tập rút gọn của IEEE 802.16 cho việc kết nối Internet băng thông rộng ở khoảng cách lớn.

 

Trong công nghệ Wi-Fi, các trạm đầu cuối (máy tính của người dùng) sẽ cạnh tranh để thu hút "sự chú ý" của điểm truy cập (access point) trên cơ sở ngẫu nhiên. Vì thế, trạm xa điểm truy cập dễ bị đứt kết nối hơn so với trạm ở gần. Điều này hạn chế việc triển khai những dịch vụ chất lượng cao như IPTV, VoIP... Ngược lại, WiMax "lên lịch" cho các trạm đầu cuối kết nối vào hệ thống, duy trì liên tục với những trạm đã đăng ký trong mạng mặc dù thời gian và băng thông dành cho mỗi trạm sẽ được điều chỉnh tăng lên hoặc giảm xuống tuỳ thuộc vào dịch vụ được yêu cầu và khả năng đáp ứng của trạm phát.

 

"Tuy gần gũi nhưng Wi-Fi và WiMax là hai công nghệ khác nhau và không loại bỏ nhau trong ứng dụng", Ray Owen khẳng định. Theo ông, quan điểm cho rằng WiMax khi trở nên phổ biến sẽ thay thế Wi-Fi là không thực, giống như việc nói Internet sẽ loại bỏ mạng nội bộ (LAN).

 

"Thậm chí, WiMax sẽ thúc đẩy nhanh chóng hơn sự phát triển của các điểm truy cập dịch vụ Wi-Fi như tại nhà hàng, sân bay, khu du lịch...", ông Lê Hữu Hiền, Phó giám đốc kỹ thuật Công ty điện thoại đường dài Viettel, nhận xét.

 

Tương tự, những công nghệ truyền dẫn không dây phát triển trên cơ sở mạng thông tin di động, được gọi tắt là 3G, như ED-VO, HSDPA cũng sẽ không bị WiMax lấn át bởi 3G được thiết kế dựa trên dịch vụ thoại (voice) trong khi WiMax định hướng về khả năng truyền dữ liệu (data).

 

"3G được phát triển trên nền công nghệ thông tin di động và thích hợp với những người dùng di chuyển liên tục ở tốc độ lớn. Còn công nghệ cáp khẳng định vị thế ở những nơi không có tính di động nhưng đòi hỏi chất lượng kết nối cao như thoại video, truyền hình Internet", Owen giải thích. "WiMax sẽ phát huy thế mạnh của mình ở vị trí trung gian của 2 công nghệ đó, tức là thích hợp cho người dùng với mức độ di động trung bình".

 

Ngoài ra, phiên bản WiMax di động 802.16e mang đến cho người sử dụng khả năng truy cập dữ liệu khi đang di chuyển với tốc độ dưới 100 km/giờ nhưng cũng chưa phù hợp với những dịch vụ không gián đoạn dù giá cước có thể rẻ hơn. "Nếu chỉ so sánh chất lượng thoại thì VoIP trên WiMax cần nhiều năm phát triển nữa mới có thể đạt được những gì 2G hay 3G đang thể hiện bởi đó là những mạng được thiết kế riêng cho thoại", Owen nói. "Nhưng nếu xét về năng lực truyền tải dữ liệu và chi phí đầu tư thì WiMax nổi trội hơn. Sự khác nhau về thị trường hướng đến khiến những công nghệ này không loại trừ nhau".

 

Thế giới trong giai đoạn thử nghiệm WiMax

 

Công nghệ này hiện mới chỉ được thử nghiệm rải rác ở một số khu vực trên thế giới. Tuy "sinh sau đẻ muộn", WiMax lại hứa hẹn những tiềm năng lớn, đặc biệt khi người ta chứng kiến những khó khăn về mặt kỹ thuật mà các thành phố như Philadelphia (Mỹ) phải đối mặt trong quá trình phủ sóng Wi-Fi trên diện rộng. Bảo mật, sự không phù hợp với các mạng kết nối Internet phạm vi hẹp sẵn có và việc sử dụng băng tần 2,4 GHz chỉ là một vài trong số nhiều vấn đề phát sinh khi triển khai Wi-Fi hiện nay.

 

Tập đoàn Intel đã liên tục vận động và ủng hộ chuẩn WiMax 802.16. Mới đây họ đã đầu tư tới 600 triệu USD cho Clearwire, hãng cung cấp dịch vụ không dây tốc độ cao cho người tiêu dùng tại Mỹ. Chip Intel Rosedale 2, hỗ trợ cả công nghệ di động (Mobile WiMax) và cố định (Fixed WiMax), cũng đã được nhiều tập đoàn sản xuất thiết bị hàng đầu thế giới lựa chọn và dự định tích hợp vào laptop trong năm 2007.

 

Một số tập đoàn truyền thông và dịch vụ Internet lớn trên thế giới như News Corportion hay Yahoo cũng để mắt đến WiMax và coi đây là công nghệ bổ sung cho mạng di động và băng rộng cố định. Tỷ phú Rupert Murdoch tuần trước tiết lộ khả năng ông sẽ đầu tư vào Clearwire.

 

Tại Nhật, liên minh SoftBank - Motorola hiện rục rịch chuẩn bị triển khai WiMax di động trên rải tần 2,5 GHz bắt đầu từ tháng 9/2006. Trong khi đó, một đợt thử nghiệm công nghệ với quy mô lớn cũng đang diễn ra tại Nga. Hai hãng thiết bị công nghệ Avalcom và Aperto ở nước này đã kết hợp với nhiều nhà cung cấp dịch vụ để hiện thực hóa dự án tại nhiều khu vực như Moscow, Siberia...

 

Cuối tháng 6, tập đoàn Samsung tuyên bố sẽ cho ra mắt dòng điện thoại di động tích hợp công nghệ không dây diện rộng. Còn Nokia từ giữa năm ngoái đã phối hợp với Intel để thực hiện ý tưởng tương tự.

 

Riêng tại Hàn Quốc, do không muốn chứng kiến dấu hiệu "Intel Inside" tung hoành trên thị trường băng rộng không dây, Samsung đã tích cực ủng hộ phát triển một công nghệ tương tự mang tên WiBro nhằm gạt bỏ WiMax tại nước này. Các hãng viễn thông ở đây đã bắt đầu kinh doanh dịch vụ WiBro ở khu vực trung tâm, trường đại học và các tuyến giao thông công cộng chính trong Seoul. Khách hàng sẽ mua thẻ trị giá từ 170 USD đến 300 USD để cài vào máy tính xách tay còn thẻ hỗ trợ những thiết bị di động khác như PDA và điện thoại thông minh sẽ có mặt trên thị trường vài tháng nữa.

 

Việt Nam và cơ hội đón đầu

 

Sau khi Công ty điện toán và truyền số liệu VDC triển khai thành công điểm truy cập Wi-Fi tại Đại học Thủy Lợi vào năm 2003, hàng loạt các quán cafe kết nối Internet không dây phạm vi hẹp đã mọc lên ở Hà Nội và TPHCM. Tuy nhiên, do tốc độ truy cập và khả năng phủ sóng còn hạn chế nên khi WiMax được giới thiệu, người sử dụng Việt Nam đã tỏ ra rất quan tâm đến công nghệ mới.

 

Hiện Việt Nam có bốn doanh nghiệp được Bộ Bưu chính Viễn thông cấp phép thử nghiệm dịch vụ WiMax là Tổng công ty bưu chính viễn thông VN (thử nghiệm cả WiMax cố định Fixed và di động Mobile), Tổng công ty truyền thông đa phương tiện VTC (tập trung vào dịch vụ hình, ví dụ IPTV), Tổng công ty viễn thông quân đội Viettel (WiMax di động) và Công ty cổ phần viễn thông FPT Telecom. FPT đăng ký cả Fixed và Mobile WiMax nhưng do chi phí triển khai tốn kém, đối tượng ban đầu của công ty này sẽ là những khách hàng có thu nhập cao.

 

Trong giai đoạn từ tháng 7 đến 12/2006, tập đoàn Intel, VDC và Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) phối hợp thử nghiệm công nghệ băng rộng không dây cố định Fixed WiMax 802.16 - 2004 Rev.d với tần số 3,3 GHz - 3,4 GHz tại 18 điểm ở Lào Cai gồm các trường học, cơ sở y tế, điểm bưu điện văn hoá, ủy ban xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ và một gia đình nông dân chưa từng tiếp xúc với công nghệ hiện đại. Dịch vụ được đưa vào thử nghiệm là thoại và Internet tốc độ cao, có tổng chi phí 500.000 USD - 600.000 USD.

 

Theo ông Vũ Hoàng Liên, Giám đốc công ty VDC, lợi thế lớn nhất của WiMax là khả năng truyền dẫn không dây tốc độ cao đáp ứng được cả thiết bị cố định lẫn di động. WiMax có thể tiếp cận được những dịch vụ xuất phát từ nền tảng IP như hình ảnh, truyền hình, dữ liệu... "Một trong những lợi ích nhìn thấy được của WiMax là đem Internet đến với những vùng nông thôn Việt Nam, nơi có mật độ dân cư không cao dàn trải rộng trên địa hình hiểm trở. Điều kiện như vậy không thích hợp với triển khai hệ thống cáp", ông Liên cho biết.

 

"Chi phí lắp đặt cho một hạ tầng vô tuyến dựa trên WiMax thấp hơn nhiều so với các giải pháp hữu tuyến hiện nay. Chính vì thế, WiMax trở thành giải pháp hấp dẫn trong việc cung cấp kết nối cuối tại các mạng không dây nội thị", ông Lê Hữu Hiền, đại diện công ty Viettel, nhận xét.

 

Tuy nhiên, WiMax là công nghệ hoàn toàn mới ở Việt Nam, hệ thống phải được đầu tư xây dựng mới toàn bộ. Còn mạng thông tin di động lại có sẵn cơ sở hạ tầng để triển khai dịch vụ kết nối Internet không dây. Hiện chưa có số liệu nào so sánh giữa kinh phí thiết lập WiMax với việc nâng cấp mạng di động để triển khai Internet tốc độ cao.

 

Một "điểm yếu" khác của WiMax là giá thiết bị đầu cuối cho người sử dụng còn khá cao, một phần vì số lượng nhà sản xuất không nhiều. Bên cạnh đó, chính khả năng linh hoạt (flexibility) của WiMax khiến cho việc chuẩn hoá thiết bị khó đồng nhất.

 

Theo Hưng Hải – Hải Nguyên

VnExpress