Việt game - Định hướng mới phát triển công nghiệp phần mềm?
Thị trường game online tại Việt Nam vẫn đang phát triển khá sôi động. Tuy nhiên, các game đang thịnh hành đều là của nước ngoài và được đầu tư để Việt hoá. Liệu rằng có thể phát triển một thị trường game online với các trò chơi thuần Việt được sản xuất trong nước?
Trước khi game “Võ lâm truyền kỳ” của Trung Quốc được Việt hoá, “Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân” của tác giả Đinh Bá Trực đã có thể được xem là game online đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên, do còn quá đơn giản nên không đủ sức thu hút người chơi như các game ngoại.
Cách đây 2 năm (2004), một cuộc thi viết game cho ĐTDĐ đã được tổ chức và game “Hà Nội 12 ngày đêm” đã được Sony Ericsson đồng ý cài đặt cho các máy di động P910. Ông Trịnh Bảo, trưởng nhóm viết phần mềm Bút Trẻ nhìn nhận, việc phát triển các dòng game Việt mang cốt truyện lịch sử sẽ giáo dục trực quan và hiệu quả, khơi dậy những truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc. Bên cạnh đó còn là lợi ích kinh tế do việc sản xuất game đem lại. Ông Đàm Đức Anh, người phụ trách game online của công ty Phần Mềm & Truyền Thông (VASC) ước tính tổng giá trị thị trường game tại Việt Nam trong năm nay sẽ vượt con số 10 triệu USD .
Mặc dù vậy, để có thể làm game một cách chuyên nghiệp, ông Trương Gia Bình, chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp Phần Mềm (VINASA) cho rằng khó doanh nghiệp nào có thể có đủ tiềm lực bởi giá cả cho các công cụ là rất đắt, tới khoảng 1 triệu USD cho một hệ thống hoàn chỉnh. Ông Đàm Đức Anh thì cho rằng không nhất thiết phải mày mò làm từ đầu, xu thế của thế giới là tận dụng các game cũ để tạo game mới trên cơ sở bổ sung, thay đổi các thành phần, thay đổi cốt truyện để hình thành các game mới “lạ mà quen”.
Ông Trương Gia Bình cũng cho rằng sự phát triển của thị trường game online chính là động lực để các công ty phần mềm có đơn hàng gia công game cho nước ngoài và từ đó tích luỹ kinh nghiệm để có thể xây dựng, triển khai game online của Việt Nam. Được biết, lãnh đạo VINASA đã chính thức đề xuất trong phương hướng hoạt động giai đoạn 2005 – 2010 để game trở thành khâu thiết yếu trong công nghiệp phần mềm Việt Nam. Ông Trương Gia Bình còn tuyên bố: “Sẽ phải định hướng lại để các doanh nghiệp đầu tư đúng đắn cho công nghiệp game Việt Nam.”
Theo TienPhong