Vị trí Việt Nam trên bản đồ CNTT thế giới không cải thiện
Trừ lĩnh vực chính phủ điện tử tăng 7 bậc, mọi chỉ số khác đều tụt hạng. 12 tháng qua cũng chứng kiến mức tăng trưởng thị trường CNTT trong nước là 20,9% với tổng giá trị 828 triệu USD. Đây là một trong những kết luận từ Báo cáo toàn cảnh CNTT VN 2006 của TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội Tin học TPHCM.
Năm qua, chỉ số xã hội thông tin (Information Society Index - ISI) của VN đang từ vị trí 52 tụt xuống 53 chót bảng, sau Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Indonesia. Chỉ số sẵn sàng kết nối (Networked Readiness Index - NRI 2005-2006) bị trôi xuống 7 bậc, còn thứ hạng về sẵn sàng cho nền kinh tế điện tử (E-Readiness - EIU Index 2006) cũng bị đẩy lùi tới 5 bậc.
VN tiếp tục dẫn đầu danh sách quốc gia có tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm lớn và là nước có tốc độ phát triển điện thoại cố định cao nhất thế giới. Duy chỉ có lĩnh vực chính phủ điện tử (E-Government Index) là tiến thêm 7 bậc. “Sự thăng hạng của chính phủ điện tử là nhờ chỉ số web và hạ tầng viễn thông tăng”, TS. Lê Trường Tùng lý giải. “Nhưng cũng có thể xuất phát từ nguyên nhân của việc xếp tụt hạng 15 bậc chính phủ điện tử VN năm ngoái là không hoàn toàn chính xác”.
Báo cáo toàn cảnh năm ngoái đã nhận định việc bùng nổ Internet băng rộng và các dịch vụ đi kèm sẽ là điểm nổi bật của bức tranh Internet - viễn thông VN trong 12 tháng sau đó. Điều này đã được hiện thực hoá. Trong năm 2005, số kết nối Internet băng rộng ADSL tăng gần 300% so với 2004, với 227.000 thuê bao. Ba nhà cung cấp VNPT, FPT Telecom và Viettel chiếm 98% thị phần Internet băng thông rộng. Ngành công nghiệp nội dung số với nội dung cho thiết bị di động, báo điện tử, cơ sở dữ liệu trực tuyến… và trò chơi trực tuyến đã trở thành một hiện tượng của năm.
Dù không đạt tỷ lệ phát triển của năm trước, thị trường CNTT VN cũng tăng trưởng ở mức 20,9%, trong đó phần mềm và dịch vụ tăng 41,4%, gấp đôi tỷ lệ chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (với phần cứng tăng 15,6%, phần mềm và dịch vụ tăng 41,4%). Ông Tùng nhận định trong bối cảnh chi tiêu CNTT toàn cầu là 7% mỗi năm thì những con số của VN rất ấn tượng. Bên cạnh đó là dấu ấn kim ngạch xuất và nhập khẩu CNTT đều vượt ngưỡng 1 tỷ USD.
Một điểm đáng lưu ý là sau 3 năm tăng trưởng nhanh, các công ty máy tính thương hiệu nội đã chững lại. Dù doanh nghiệp FPT Elead và CMS năm qua có số lượng PC xuất xưởng lớn, do giá máy tính giảm nên doanh số hầu như không tăng so với 2004. Nhưng giai đoạn 2005-2006 được đánh dấu bởi việc các công ty CNTT đa quốc gia tăng cường đầu tư vào VN mà điển hình là dự án của Intel ở TPHCM với số vốn trên 300 triệu USD và 110 triệu USD của Canon dành cho việc xây dựng nhà máy sản xuất máy in phun lớn nhất thế giới của tập đoàn này tại Bắc Ninh.
Trong khi các doanh nghiệp luôn kêu trời vì thiếu nhân lực thì nhìn lại một năm qua, TS. Lê Trường Tùng đánh giá lĩnh vực đào tạo nhân lực CNTT là sự hỗn độn bởi những chuyển biến về chủ trương, cung không theo kịp cầu. Hiện nay, số lượng trường đại học có đào tạo cử nhân, kỹ sư CNTT lên đến 80 với hơn 10.000 chỉ tiêu tuyển sinh mỗi năm. Nếu tính cả cao đẳng thì con số này là hơn 20.000. Song, những bất cập về nội dung và chất lượng đào tạo thì chưa thể giải quyết. Một trong những vấn đề lớn nhất là sự không rõ ràng giữa hai loại bằng cao đẳng: nghề và không nghề theo Luật Giáo dục mới. “Trên thế giới, không có nước nào dạy cao đẳng CNTT như ở VN”, Chủ tịch Hội tin học TPHCM kết luận.
Theo Nguyễn Hằng
VnExpress