1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Vì sao Việt Nam chưa triển khai 4G?

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Lê Nam Thắng cho rằng các DN viễn thông mới triển khai 3G 3 năm, cần có thời gian khai thác hiệu quả hạ tầng đầu tư. Do đó, sau năm 2015, Việt Nam mới xem xét triển khai cấp phép công nghệ 4G trên cơ sở đấu giá, thi tuyển.

Cần thêm thời gian để thác hiệu quả hạ tầng đầu tư

 

Tại buổi công bố khảo sát Mức độ hài lòng của người dùng 3G tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM năm 2012 diễn ra ngày 9/5, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết sau 3 năm triển khai, từ năm 2009, Việt Nam đã phủ sóng 3G gần như toàn quốc, và số lượng người dùng đã tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt tỷ lệ người dùng 3G trong năm 2012 tăng gấp 5 lần so với năm 2011.

 

Theo đánh giá từ Cục Viễn thông, từ năm 2009, khi tiến hành cấp phép 3G, Bộ TT&TT đã đưa ra yêu cầu cam kết về chất lượng dịch vụ - yêu cầu sàn để DN triển khai mạng lưới trong 3 năm. Theo đó, DN phải triển khai trên vùng phủ lớn là cả nước, tốc độ truy cập 284 Kb/giây ở nông thôn và 384Kb/giây ở thành thị. Nhưng trong 3 năm qua, các doanh nghiệp ngoài việc đáp ứng cam kết còn liên tục cập nhật công nghệ, đầu tiên chỉ là WCNA, sau là HSPDA, HSUPA,..  Sau 3 năm, tổng đầu tư vào mạng lưới trên 28.000 tỷ, hơn 44.000 trạm 3G”, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, cho biết.

 

Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định Việt Nam đã phát triển công nghệ, đặc biệt đối với công nghệ di động, từ các thế hệ 2G, 2,5G, 3G, 3,5G và chắc chắn sẽ triển khai mạng 4G LTE nhưng phải có lộ trình phù hợp.

 
Vì sao Việt Nam chưa triển khai 4G?


“Các DN mới triển khai 3G 3 năm, cần có thời gian khai thác hiệu quả hạ tầng đầu tư, 3G tại VN hiện nay đã là 3,5G, 3,8G, tốc độ tối đa HSPA++ có thể lên tới 21Mb/giây (về kỹ thuật)”, Thứ trưởng cho biết trong quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia, sau 2015, Việt Nam mới xem xét triển khai cấp phép công nghệ 4G và các thế hệ tiếp theo trên cơ sở đấu giá, thi tuyển.

 

Thứ trưởng cũng cho rằng tại thời điểm này, thiết bị 4G trên thị trường chưa nhiều, và giá thành còn đắt, đặc biệt là thiết bị đầu cuối. Ước tính, nếu triển khai 4G tại thời điểm này, các nhà mạng phải bỏ ra 1 tỷ USD để xây dựng hệ thống và người dân cũng phải bỏ ra 1 tỷ USD để mua thiết bị đầu cuối. Như vậy, xét về góc độ kinh tế thì đây không phải là bước đi hiệu quả.

 

Lựa chọn băng tần phù hợp

 

Cũng cùng quan điểm với Bộ TT&TT, ông Thiều Phương Nam, TGĐ Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia, cho rằng 2015 là thời điểm hợp lý để Việt Nam bắt đầu cấp phép để triển khai 4G, cả về mặt công nghệ cũng như thị trường.

 

Theo ông Nam, về mặt thiết bị đầu cuối,, đến năm 2015, giá thành của những thiết bị đầu cuối, như smartphone, tablet… hỗ trợ kết nối 4G sẽ rẻ tương đương với thiết bị 3G hiện nay. Do đó, việc triển khai và sự tiếp nhận của người dân sẽ dễ dàng hơn.

 

Đại diện Qualcomm cho rằng, 2015 cũng là thời điểm lý tưởng với các nhà mạng bởi khi đó, các nhà mạng đã có được nguồn thu đảm bảo đủ từ các dịch vụ 3G để tái đầu tư vào 4G.

 

Ông Nam cho rằng Việt Nam nên nhanh chóng quy hoạch băng tần 2.300-2.500 MHz để mở đường triển khai mạng 4G. Ông cũng cho biết nhiều nhà mạng đang triển khai băng tần này, tuy Mnhiên, theo Qualcomm, các nhà mạng nên xem xét sử dụng kết hợp cả băng tần 700 Mhz để giải quyết độ phủ. (Băng tần cao 2.300-2.500 MHz có năng lực chuyển tải dữ liệu cao hơn những băng tần thấp, nhưng băng tần thấp, như 700 Mhz có độ phủ rộng hơn). “Do đó, Việt Nam nên triển khai 4G trên băng tần 2.300-2.500 MHz ở những thành phố lớn, và băng tần 700MHz ở vùng xâu vùng xa nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu”.

 

Trước câu hỏi liệu triển khai 4G ở băng tần 700 MHz có khả năng xảy ra can nhiễu với sóng truyền hình hay không, ông Nam cho hay Việt Nam đang trong quá trình số hóa truyền hình chuyển từ truyền hình tương tự analog sang truyền hình số hóa mặt đất, thế nên, tần số 700MHz của truyền hình sẽ được giải phóng và có thể dùng cho các dịch vụ di động băng rộng.

 

Được biết nhiều nước trên thế giới đã đăng ký băng tần 700 MHz cho 4G, ví dụ như Úc, Mexico... Ông Nam cho rằng Việt Nam nên xem xét khai thác băng tần 700Mhz để giúp nhà mạng giải quyết vùng phủ sóng và giảm chi phí đầu tư ban đầu.
 
Trước đó, từ năm 2011, trước nhiều quan điểm cho rằng Việt Nam nên triển khai 4G trên băng tần 1800MHz thì nhà mạng Viettel đã cho rằng với điều kiện của Việt Nam hiện nay, việc sử dụng băng tần 700 MHz là phù hợp hơn. Theo nhà mạng quân đội, nếu để phủ sóng 4G LTE ở Hà Nội với băng tần 700 MHz thì chỉ cần 70 trạm BTS, nhưng nếu triển khai trên băng tần 2600 MHz thì cần tới 130 trạm BTS.

 

Khôi Linh