Vì sao Viber tính đóng văn phòng đại diện tại Việt Nam?
Bà Nguyễn Đặng Quỳnh Anh, giám đốc văn phòng đại diện Viber Việt Nam vừa chia sẻ với giới truyền thông rằng, hãng sẽ đóng văn phòng đại diện Viber tại Việt Nam để chuyển đến trụ sở chung cho khu vực đặt tại Philippines.
Cụ thể, theo bà Quỳnh Anh, thời gian tới, Viber sẽ thay đổi chiến lược điều hành tại khu vực Đông Nam Á, theo đó, thay vì đặt văn phòng tại từng nước như hiện tại thì Viber sẽ thành lập một trụ sở điều hành chung cho cả khu vực Đông Nam Á và đặt tại Philippines.
Bà Quỳnh Anh chia sẻ với truyền thông, lý do đóng cửa văn phòng Viber Việt Nam là do “Viber Việt Nam đã hoàn tất sứ mệnh đặt nền móng vững chắc cho Viber trên thị trường OTT Việt Nam. Bản thân ứng dụng OTT là một nền tảng kết nối đa quốc gia chứ không chỉ mang ý nghĩa đối với từng quốc gia đơn lẻ.
Và việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Viber Việt Nam sẽ mở ra một bước tiến mới quan trọng đưa cộng đồng người dùng Viber Việt Nam hòa mình với cộng đồng người dùng quốc tế, mở rộng hơn vị thế của cộng đồng người dùng Việt Nam”.
Được biết, trụ sở mới của Viber tại Phillipines sẽ chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ hoạt động marketing của Viber tại các nước Đông Nam Á bao gồm Indonesia, Singapore, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan và Myanmar.
Trụ sở mới của Viber Đông Nam Á dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ tháng 8/2015. Khi đó, văn phòng Viber tại Việt Nam sẽ chính thức đóng cửa.
Mặc dù theo chia sẻ của lãnh đạo Viber Việt Nam thì việc đóng cửa là “một bước tiến mới”. Tuy nhiên, việc đóng cửa này còn được nhìn nhận theo một diễn biến khác.
Một số chuyên gia công nghệ cho rằng, việc Viber đóng cửa văn phòng Viber tại Việt Nam có thể còn để “né” quy định trong dự thảo Thông tư quy định về quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet do Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo và đang lấy ý kiến góp ý của xã hội, sau đó sẽ ban hành.
Cụ thể, theo dự thảo này thì nhà cung cấp dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet (OTT) nước ngoài có thu giá cước không đặt máy chủ tại Việt Nam phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông loại hình dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet.
Nhà cung cấp dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet nước ngoài chỉ được đặt máy chủ tại Việt Nam khi hợp tác với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông loại hình dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet phù hợp với cam kết quốc tế và các quy định về đầu tư nước ngoài quy định tại Luật Viễn thông.
Với quy định trên, Viber được cho là bị tác động mạnh nhất vì cung cấp loại hình dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet cả miễn phí và thu phí (Viber Out). Và với điều khoản như trong dự thảo, Viber buộc phải hợp tác với một doanh nghiệp viễn thông Việt Nam nào đó thì mới được cung cấp dịch vụ Viber Out tại Việt Nam.
“Cũng có thể vì quy định như dự thảo trên mà Viber tính toán đóng văn phòng tại Việt Nam”, một chuyên gia viễn thông nói với VnEconomy.
Về số lượng người dùng tại Việt Nam, theo đại diện Viber Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, Viber có khoảng 23 triệu người dùng tại Việt Nam và chiếm khoảng 60% thị trường OTT.
Bà Nguyễn Đặng Quỳnh Anh cho rằng, số liệu thống kê thành viên là dựa trên các hoạt động thực (active) của người dùng trong tháng, chứ không phải căn cứ trên số lượng người đăng ký tài khoản.
Tuy nhiên, trao đổi với VnEconomy chiều 7/8, đại diện một mạng di động Việt Nam cho biết, nếu căn cứ trên người dùng OTT “chạy” trên hạ tầng 3G của nhà mạng, thì số người dùng Viber (active) tại Việt Nam khoảng 4-5 triệu. Còn số thuê bao chạy qua wi-fi, theo đánh giá của nhà mạng là thấp hơn nhiều lần so với chạy qua 3G.
Cũng theo vị trên, Viber Việt Nam cũng chưa có mô hình kinh doanh khả quan, cộng với sự cạnh tranh mạnh mẽ của các OTT nội, nên việc Viber có thể tìm cơ hội “sống khỏe” tại Việt Nam cũng là khó khăn.
Theo Thuỷ Diệu
VnEconomy