Vì sao không được để pin dự phòng trong hành lý ký gửi khi đi máy bay?

Thế Anh

(Dân trí) - Pin dự phòng và các thiết bị điện tử cầm tay chứa pin là vật dụng không được để trong hành lý ký gửi. Người dùng chỉ có thể mang theo cùng hành lý xách tay.

Ngày 31/7, một cục pin dự phòng trong kiện hàng ký gửi của hành khách đã bất ngờ phát nổ và bốc cháy tại sân bay Tân Sơn Nhất. Cục pin được lực lượng an ninh phát hiện khi hành lý đi qua khu vực soi chiếu.

Vì sao không được để pin dự phòng trong hành lý ký gửi khi đi máy bay? - 1

Người dùng chỉ có thể mang pin dự phòng cùng với hành lý xách tay (Ảnh: Scosche).

Theo quy định, pin dự phòng và các thiết bị điện tử cầm tay chứa pin là vật dụng không được để trong hành lý ký gửi. Do đó, người dùng chỉ có thể mang pin dự phòng cùng với hành lý xách tay.

Đại diện Cảng hàng không cho biết trước đây, sân bay Tân Sơn Nhất từng phát hiện nhiều trường hợp pin dự phòng có trong hành lý ký gửi của hành khách và khách phải bỏ lại.

Hiện nay, hầu hết pin dự phòng được làm từ vật liệu dễ gây cháy nổ như lõi lithium-polymer hay lithium-ion. Thậm chí, không ít loại pin dự phòng trôi nổi trên thị trường còn được làm từ các vật liệu kém chất lượng, càng làm tăng nguy cơ cháy nổ.

"Đây cũng là lý do ngành hàng không cấm hành khách mang pin sạc ký gửi", đại diện sân bay Tân Sơn Nhất nói thêm".

Tùy theo quy định của mỗi hãng hàng không, pin sạc dự phòng cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn mới được phép mang lên máy bay, chẳng hạn như dung lượng pin, tình trạng pin, thương hiệu hay số lượng pin.

Theo quy định của Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam, hành khách chỉ được phép mang lên máy bay tối đa 10 viên pin dự phòng đối với loại có dung lượng dưới 20.000mAh.

Trong khi đó, với loại pin có dung lượng 20.000-32.000mAh, hành khách chỉ được phép mang tối đa 2 viên pin. Các loại sạc dự phòng có dung lượng lớn hơn 32.000mAh không được phép mang lên máy bay.

Vì sao không được để pin dự phòng trong hành lý ký gửi khi đi máy bay? - 2

Tùy theo quy định của mỗi hãng hàng không, pin sạc dự phòng cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn mới được phép mang lên máy bay (Ảnh: CNA).

Cục Hàng không Dân dụng cũng yêu cầu tình trạng pin sạc dự phòng phải nguyên vẹn, không bị hư hỏng, móp méo hay rò rỉ.

Chưa dừng lại ở đó, một số hãng hàng không có đưa ra yêu cầu người dùng không được sử dụng sạc dự phòng khi máy bay cất và hạ cánh hoặc thậm chí là trong toàn bộ chuyến bay.

Nguyên nhân được đưa ra là do sự chênh lệch áp suất có thể dẫn đến tình trạng đoản mạch, chập mạch, từ đó dẫn tới cháy nổ.

Vì vậy, người dùng nên chủ động liên hệ với các đại lý bán vé hoặc dịch vụ hỗ trợ khách hàng của hãng hàng không để tìm hiểu kỹ về quy định khi mang pin sạc dự phòng lên máy bay. Điều này sẽ giúp người dùng tránh trường hợp bị cấm và buộc phải vứt bỏ pin sạc dự phòng tại sân bay.