Vì sao “con gà đẻ trứng vàng” FPT Trading tính chuyện “bán mình”?

(Dân trí) - Giới kinh doanh mấy ngày hôm nay xôn xao thông tin tập đoàn Mỹ Synnex Corp đã gần hoàn tất việc mua lại cổ phần của bộ phận FPT Trading chuyên phân phối sản phẩm của tập đoàn FPT. Từng là “con gà đẻ trứng vàng”, vậy vì sao FPT Trading lại chấp nhận “bán mình”?

Phân phối không còn là "mảnh đất màu mỡ"

Bên cạnh Petrosetco và Digiworld, FPT Trading được xem là “đại gia” trong mảng phân phối từ nhiều năm trước với danh mục sản phẩm trải dài từ điện thoại cho đến máy tính, thiết bị mạng... Các sản phẩm phân phối của FPT Trading được phân phối tới các đại lý bản lẻ lớn, như FPT Shop, Thế giới di động, Trần Anh, Nguyễn Kim, Mai Nguyên...

Đánh giá về năng lực thì FPT Trading là đơn vị luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch doanh số. Đồng thời, FPT Trading liên tục mở rộng mạng lưới đại lý trên toàn quốc, đưa thêm nhiều sản phẩm công nghệ của các thương hiệu nổi tiếng thế giới về Việt Nam và đặc biệt còn mở rộng hoạt động kinh doanh sang các nước trong và ngoài khu vực như Campuchia, Myanmar, Nigeria,… Mỗi năm, FPT Trading mang về doanh số gần 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vị thế của FPT Trading đã dần bị thu hẹp, quyền lực không còn lớn như trước. Kể từ năm 2016 đến nay, doanh số của đơn vị này bắt đầu giảm mạnh, giảm đến 40% trong năm 2016.


Phân phối không còn là mảnh đất màu mỡ nên FPT Trading đang tìm cách bán mình?

Phân phối không còn là "mảnh đất màu mỡ" nên FPT Trading đang tìm cách "bán mình"?

Điều quan trọng nhất trong mắt xích giữa FPT Trading với tất cả đại lý bán lẻ trên toàn quốc đó chính là trước đây FPT Trading cùng Digiworld là 2 đơn vị được quyền đặt hàng Apple và phân phối tới các đại lý bán lẻ rồi bán tới tay người dùng Việt Nam. Các đại lý lớn như FPT Shop và Thế giới di động cũng phải nhập các sản phẩm của Apple qua công ty phân phối của FPT. Tuy nhiên, vài gần gần đây, Apple đã thay đổi hoạt động của mình tại thị trường Việt Nam. Theo đó, các nhà bán lẻ lớn được phép nhập hàng trực tiếp từ Apple, chỉ có những đại lý lẻ thì vẫn nhập hàng từ FPT Trading và Digiworld hay một vài đại lý uỷ quyền khác. Chính vì vậy, ảnh hưởng của công ty phân phối FPT không còn lớn như trước và nguồn doanh thu từ các sản phẩm của Apple cũng giảm đi rất nhiều.

Trong khi đó, các thương hiệu Samsung, Oppo cũng lựa chọn kênh bán hàng trực tiếp qua các đại lý, các nhà bán lẻ, thay vì qua các nhà phân phối lớn tại các thành phố lớn. Trong khi đó, chỉ sử dụng đến kênh phân phối như FPT Trading tại các tỉnh vùng xa. Cần nói, Samsung, Oppo là 2 thương hiệu chiếm thị phần lớn tại Việt Nam. Tính đến hết tháng 11/2016, theo số liệu GFK, Samsung tiếp tục giữ vững ở vị trí đầu, với 36,7 % thị phần. Oppo cũng chiếm vị trí thứ 2 với 22% thị phần.

Chính vì vậy, “mỏ vàng” trong mảng phân phối không còn màu mỡ, chỉ còn số ít các thương hiệu nhỏ lẻ, mới xuất hiện trên thị trường như Xiaomi, Wiko... được nhập vào Việt Nam qua các nhà phân phối.

FPT Shop tìm đối tác để thêm kinh nghiệm kinh doanh online

Từ đầu năm 2016 đã xuất hiện rất nhiều thông tin FPT đang có kế hoạch bán mảng kinh doanh bán lẻ và phân phối. Thông tin này rộ lên từ sau buổi họp cổ đông vào tháng 3/2016. Tại đại hội cổ đông, ông Trương Gia Bình, chủ tịch hội đồng quản trị của FPT, đã tiết lộ về lộ trình thoái vốn khỏi các mảng kinh doanh, phân phối của hai đơn vị là FPT Retail (chủ sở hữu FPT Shop) và FPT Trading. Ông Bình cho biết lý do là để giúp FPT thu về khoản lợi nhuận tốt hơn nhờ tập trung vào hoạt động cốt lõi công nghệ thông tin và viễn thông.


FPT Shop cũng nằm trong lộ trình thoái vốn của tập đoàn FPT.

FPT Shop cũng nằm trong lộ trình thoái vốn của tập đoàn FPT.

Mặc dù không có thông báo nào chính thức chuyển tới giới truyền thông, nhưng các đại diện của FPT sau đó cũng đã ít nhiều tiết lộ về kế hoạch của tập đoàn trong mảng kinh doanh bán lẻ. Theo đó, ông Ngô Quốc Bảo, Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty Cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT, từng chia sẻ tại diễn đàn “Thị trường bán lẻ Việt Nam: Cơ hội và thách thức” tổ chức tại Hà Nội vào giữa năm 2016 rằng sau 4 năm tăng trưởng “nóng” và phủ sóng toàn quốc với 300 cửa hàng, FPT Shop đang rất cần thêm nguồn vốn, kinh nghiệm quản trị hiện đại và mô hình số hóa để làm mới mình, tạo nên những bước đi mang hàm lượng công nghệ cao hơn cho lĩnh vực bán lẻ.

Ông Nguyễn Việt Anh, Phó tổng giám đốc FPT Shop cũng từng chia sẻ trên một tờ báo về thông tin một đối tác như Alibaba chẳng hạn, là rất phù hợp để FPT Shop bắt tay hợp tác vì ngoài năng lực tài chính, tập đoàn này rất có kinh nghiệm trong mảng kinh doanh online. Điều này bổ sung cho mảng thương mại điện tử mà FPT Shop đang xây dựng. Chính thông tin này làm rộ lên tin đồn có thể FPT Shop sẽ “về tay” Alibaba. Trước đó Alibaba cũng đã thâu tóm trang bán hàng trực tuyến lớn nhất Việt Nam là Lazada.

“Số phận” của FPT Shop chưa rõ sẽ thuộc về ai bởi chưa có một khẳng định nào chắc chắn, nhưng thông tin về việc FPT Trading và tập đoàn Mỹ Synnex Corp đã gần hoàn tất việc mua bán lại cổ phần của bộ phận này được hiểu có vẻ như tập đoàn FPT đã tìm được đối tác thích hợp cho mảng phân phối của mình. Giới kinh doanh trong nước cho rằng mảng phân phối hiện tại đang rất khó khăn nên việc FPT bán bộ phận này là quyết định hợp lý.

Khôi Linh