Vay tiền online dễ chui đầu vào "bẫy" lãi suất cắt cổ

Với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, người tiêu dùng dễ dàng để tiếp cận các dịch vụ vay tiền tín chấp online thông qua các ứng dụng và website. Tuy nhiên, đằng sau đó là những cạm bẫy lãi suất không ngờ…

Duyệt vay trong 10 phút 

“Bạn đang cần vay tiền nóng có nhanh trong ngày để đầu tư làm ăn hoặc giải quyết nhu cầu cá nhân nhưng địa điểm cho vay giải ngân chậm làm tốn nhiều thời gian của bạn mà chưa chắc có tiền. Đừng lo, đến với dịch vụ vay tiền nóng tư nhân của công ty tài chính chúng tôi, đảm bảo quý khách sẽ được hỗ trợ vay nóng nhanh chóng trong ngày…”

Đây là những lời mời chào của một công ty chuyên cung cấp dịch vụ cho vay tín chấp tại TP.HCM. Theo quảng cáo này, PV Infonet liên hệ đến số hotline trên website của công ty này đặt vấn đề muốn vay “nóng” một số tiền để giải quyết việc cá nhân gấp. 

Nhân viên tư vấn cho biết hồ sơ vay rất đơn giản, chỉ cần người muốn vay cung cấp hộ khẩu và Chứng minh Nhân dân (CMND) bản photocopy. Nhân viên sẽ trực tiếp gặp mặt và thẩm định, nếu đầy đủ giấy tờ sẽ được duyệt vay trong vòng… 10 phút. 

Khi PV ngỏ ý muốn vay 10 triệu đồng, nhân viên tư vấn này cho biết, khách vay chỉ được giải ngân 9 triệu đồng ngay khi hồ sơ được duyệt. Trong vòng 41 ngày sau đó, khách vay phải trả góp gốc và lãi hàng ngày với số tiền 300.000 đồng/ngày.

Như vậy, với khoản vay 9 triệu đồng ban đầu, người vay sẽ phải trả tổng cả gốc và lãi lên đến 12,3 triệu đồng. Tính ra, người vay sẽ phải trả lãi suất lên đến 36,6% trên tổng số tiền vay ban đầu trong thời hạn 41 ngày, mức lãi suất được xem là “cắt cổ”. 

Vay tiền online dễ chui đầu vào bẫy lãi suất cắt cổ - 1

Người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ cho vay tiền online chỉ cần vài thao tác trên máy tính.

 

Tiếp tục truy cập vào một website được quảng cáo cho vay tiền nhanh không cần tài sản thế chấp, PV không tìm thấy số điện thoại hotline liên hệ hỏi vay. Khách hàng muốn vay phải điền thông tin họ tên, địa chỉ email và số điện thoại vào bản đăng ký. 

Chỉ ít phút sau, một nhân viên gọi lại tư vấn khá nhiệt tình. Nhân viên này giới thiệu công ty đưa hạn mức vay tối đa lên đến 500 triệu đồng. Điều kiện vay dễ dàng và người vay không cần thế chấp tài sản. 

Khi PV hỏi vay số tiền 50 triệu đồng, nhân viên này cho biết phải cung cấp hộ khẩu, CMND bản photocopy và một số giấy tờ chính chủ như giấy đăng ký xe, sổ bảo hiểm xã hội hoặc hóa đơn đóng tiền điện, nước…

Với khoản vay nói trên, khách vay sẽ được giải ngân 45 triệu đồng ngay khi hồ sơ được duyệt và trả góp 600.000 đồng/ngày trong vòng 120 ngày. Nhẩm tính, với tiền vay 45 triệu đồng, sau 4 tháng khách hàng phải trả cả gốc và lãi lên đến 72 triệu đồng, như vậy lãi suất tới 60% so với số tiền vay. 

Theo tham khảo của PV, một số đơn vị chuyên có dịch vụ vay tín chấp trên mạng internet khi quảng cáo đưa ra lãi suất khá thấp nhưng khi lựa chọn số tiền vay cụ thể thì mức lãi suất tính ra rất cao. 

Nhan nhản ứng dụng cho vay online

Với sự phát triển của công nghệ thông tin, ngoài những website, người tiêu dùng không quá khó để tiếp cận dịch vụ vay tiền tín chấp thông qua các ứng dụng (app) cho vay tiền online. Hiện có hàng chục app cho vay tiền online với thủ tục đăng ký vô cùng đơn giản.

Sau khi tải và cài đặt app D.Đ, PV thực hiện đăng ký tài khoản trên app này chỉ bằng cách nhập số điện thoại. Ngay sau đó một mã số dùng để đăng nhập được gửi ngay về điện thoại người dùng. Các bước người dùng phải cung cấp thông tin tiếp theo như số CMND, ngày cấp nơi cấp, ngày/tháng/năm sinh và địa chỉ email. 

Ứng dụng còn lưu ý “Bạn sẽ không nhận được khoản vay nếu nhập sai số CMND”. Tuy nhiên, đây chỉ là các bước ban đầu, muốn hồ sơ được chấp thuận, người dùng còn phải cung cấp thêm các thông tin về địa chỉ, việc làm và những chứng cứ hình ảnh về công việc. 

Sau khi hồ sơ được chấp thuận, người dùng sẽ lựa chọn khoản vay dao động từ 500.000 đồng đến 2,5 triệu đồng, thời hạn vay trong vòng 1 tháng. Mặc dù không nêu rõ mức lãi suất cụ thể nhưng số tiền vay và trả theo ngày được hệ thống tính toán tự động. 

Cụ thể, với mức vay 500.000 đồng, nếu người dùng chọn thời gian trả 10 ngày thì số tiền phải trả là 600.000 đồng, còn 30 ngày thì phải trả 695.000 đồng. Với mức vay 2,5 triệu đồng thì 10 ngày sau phải trả 3 triệu đồng, còn 30 ngày thì phải trả gần 3,5 triệu đồng. 

Với việc thu thập thông tin cá nhân khách hàng một cách khá dễ dàng như trên, không ít người tiêu dùng lo ngại hình ảnh và thông tin cá nhân của mình bị rò rỉ và mang đi phục vụ cho mục đích khác. 

Nhiều biến tướng

Theo TS Bùi Quang Tín, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, các hoạt động cho vay trực tuyến theo mô hình ngang hàng (P2P) hiện chưa được thống kê đầy đủ, trong khi đó nhu cầu của người tiêu dùng rất lớn. Tuy vậy, việc tiếp cận tín dụng của người tiêu dùng bị hạn chế về thủ tục thẩm định, hồ sơ vay, đặc biệt là hình thức cho vay tín chấp, nhu cầu vay khoản tiền nhỏ. Đó là lý do người dân tìm đến tín dụng online. 

“Trong quá trình hoạt động các công ty cho vay trực tuyến xuất hiện nhiều biến tướng như huy động tài chính đa cấp kiểu lừa đảo, chiếm dụng vốn. Một số công ty triển khai ứng dụng công nghệ tạo sàn để người cho vay và người vay gặp nhau nhưng cũng không ít công ty núp bóng đứng ra cho vay. Lãi suất cho vay trên các sàn này có nơi tới 70%/năm, như vậy không thể chấp nhận được”, ông Tín nói. 

Theo luật sư Trần Mai Hạnh (Công ty Luật DC Counsel), Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 30/12/2016 quy định rất rõ, cho vay là hình thức cấp tín dụng của tổ chức tín dụng với khách hàng theo thỏa thuận trên nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi. Tổ chức tín dụng cho vay là tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng. 

Đó là Ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính quy mô, quỹ tín dụng nhân dân, chi nhánh ngân hàng nước ngoài… Còn với các đơn vị cho vay qua mạng internet hay app là một dạng của tín dụng “đen” trên nền tảng công nghệ. 

Theo Luật sư Hạnh, tiền chênh lệch giữa vay và trả của người tiêu dùng thật chất là lãi suất. Các đơn vị này lách luật bằng cách thu phí để hoạt động cho vay tài chính. Người tiêu dùng cần cẩn trọng với những hình thức vay vốn này bởi ngoài dính vào vòng xoáy nợ nần thì thông tin cá nhân của người dùng sẽ bị phát tán không kiểm soát. 

 
Theo Infonet