Ứng dụng FaceApp đang “làm mưa làm gió” trên mạng xã hội có an toàn?

(Dân trí) - FaceApp là ứng dụng đang “gây sốt” trên mạng xã hội với tính năng “chuyển đổi giới tính”. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng ứng dụng này lấy cắp thông tin người dùng, liệu điều này có chính xác?

Ứng dụng FaceApp “gây sốt” trở lại tại Việt Nam

Những ngày qua, trên mạng xã hội tại Việt Nam tràn ngập những hình ảnh “chuyển đổi giới tính”, khi người dùng đã chia sẻ những hình ảnh cho thấy gương mặt của mình ở giới tính khác. Những hình ảnh hài hước và thú vị này đã tạo nên một trào lưu “gây sốt” trên mạng xã hội.

Những hình ảnh “chuyển đổi giới tính” này được tạo ra nhờ ứng dụng FaceApp. Đây là ứng dụng xử lý ảnh, sử dụng trí tuệ nhân tạo, có khả năng xử lý gương mặt có trên hình ảnh một cách đầy ấn tượng. Bên cạnh tính năng “chuyển đổi giới tính”, FaceApp còn trang bị một số tính năng xử lý ảnh như làm cho gương mặt trở nên già đi hoặc thêm nụ cười trên ảnh chân dung…

Ứng dụng FaceApp đang “làm mưa làm gió” trên mạng xã hội có an toàn? - 1

Ứng dụng FaceApp một lần nữa “gây sốt” trên mạng xã hội nhờ tính năng “chuyển đổi giới tính”

FaceApp là ứng dụng của một công ty khởi nghiệp của Nga, được thành lập bởi Yaroslav Goncharov. Ứng dụng này được ra mắt từ năm 2017 và được Google bình chọn là một trong những ứng dụng hay nhất năm 2017 trên nền tảng Android.

Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên FaceApp “gây sốt” tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Trước đó, vào năm ngoài, tính năng làm “già hóa gương mặt” trên FaceApp cũng đã “gây sốt” trên toàn cầu khi được nhiều người dùng sử dụng để dự đoán gương mặt khi về già của họ sẽ trông như thế nào.

Ứng dụng FaceApp có an toàn để sử dụng?

Tuy nhiên, khi FaceApp “gây sốt” và được nhiều người sử dụng, ứng dụng này đã vướng vào nghi vấn lấy cắp thông tin cá nhân của người dùng, khi nhà phát triển ứng dụng người Mỹ Joshua Nozzi, đăng tải lên trang Twitter của mình một cảnh báo sau khi anh sử dụng FaceApp lần đầu tiên.

Theo Nozzi, ứng dụng FaceApp sẽ tự động tải toàn bộ hình ảnh có trên smartphone của người dùng lên máy chủ của mình, thay vì chỉ tải hình ảnh nào mà người dùng đã chọn để xử lý. Điều này sẽ khiến cho người dùng có nguy cơ bị rò rỉ các hình ảnh riêng tư và nhạy cảm mà họ đang lưu trên smartphone.

Lời cảnh báo của Nozzi lập tức khiến giới công nghệ xôn xao, nhất là khi FaceApp “gây sốt” trên toàn cầu và đã có hàng trăm triệu lượt tải trên kho ứng dụng Google Play và App Store.

Nhiều chuyên gia bảo mật cũng bắt đầu nghiên cứu sâu hơn với FaceApp sau lời cảnh báo của Joshua Nozzi. Tuy nhiên cuối cùng sự thật lại không đúng như những gì mà Nozzi đã lầm tưởng.

Chuyên gia bảo mật Elliot Alderson sau khi nghiên cứu về ứng dụng FaceApp đã phủ nhận tuyên bố của Nozzi. Ông này cho rằng Nozzi không có bằng chứng cụ thể nào để có thể khẳng định FaceApp lấy cắp toàn bộ ảnh trên smartphone của người dùng, mà cho rằng những gì Nozzi tuyên bố chỉ là cảm tính.

Nikolaos Chrysaidos, Trưởng phòng bảo mật di động của hãng bảo mật Avast, cũng đã thực hiện những nghiên cứu nhằm vào FaceApp và kết luận rằng không có dấu hiệu nào cho thấy FaceApp gửi các dữ liệu nhạy cảm từ smartphone người dùng đến máy chủ của ứng dụng này.

“Tôi không thấy dấu hiệu nào cho thấy ứng dụng xâm phạm quyền riêng tư một cách bất thường”, Chrysaidos cho biết. “Dù dữ liệu có sử dụng hình ảnh của người dùng và quyền truy cập bộ nhớ để hoạt động, nhưng đây là cách hoạt động của các ứng dụng xử lý ảnh ngày nay”.

Ứng dụng FaceApp đang “làm mưa làm gió” trên mạng xã hội có an toàn? - 2

Nhiều chuyên gia bảo mật cho rằng chính “nguồn gốc Nga” đã khiến FaceApp bị nhiều người hoài nghi

Theo Nikolaos Chrysaidos và một số chuyên gia bảo mật thì lý do khiến FaceApp bị “để mắt” đến vì đây là một ứng dụng được phát triển tại Nga, quốc gia vốn có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với chính phủ Mỹ.

“Mọi người hoài nghi FaceApp vì đây là ứng dụng của Nga. Rõ ràng đây là một điều dễ hiểu. Nhưng khi tìm hiểu kỹ, thực tế không cho thấy vấn đề an ninh mạng nào ở đây”, Chrysaidos cho biết thêm.

Christine Bannan, chuyên gia nghiên cứu bảo mật của tổ chức New America, đồng quan điểm với Nikolaos Chrysaidos khi cho rằng “vấn đề” lớn nhất của FaceApp đó là ứng dụng này có nguồn gốc từ Nga.

“Mọi người đưa ảnh để ứng dụng xử lý, đây không chỉ là vấn đề của riêng FaceApp. Tôi nghĩ rằng vấn đề khiến FaceApp được nhiều người chú ý vì nó là ứng dụng có nguồn gốc từ Nga”, Christine Bannan chia sẻ.

Trang công nghệ TechCrunch và tạp chí Forbes cũng đã tìm hiểu về ứng dụng FaceApp và khẳng định không có dấu hiệu nào đáng lo ngại về ứng dụng này.

Mọi ứng dụng miễn phí đều tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sự riêng tư

Dù FaceApp không thực sự là một mối nguy về bảo mật khi không lấy cắp thông tin của người dùng trên smartphone, nhưng trên thực tế, các chuyên gia bảo mật cho rằng mọi ứng dụng miễn phí đều ảnh hưởng đến sự riêng tư của người dùng, theo cách này hay cách khác.

“Khi một ứng dụng cung cấp miễn phí, bạn cần phải tự hỏi mình rằng chủ nhân của ứng dụng đó thu được lợi gì và họ kiếm tiền bằng cách nào?”, Jake Moore, chuyên gia nghiên cứu của hãng bảo mật ESET, cho biết.

Jake Moore cho rằng không riêng gì FaceApp mà ngay cả những ứng dụng lớn hơn, với hàng tỷ người dùng trên toàn cầu như Facebook hay Google… thì việc sử dụng các công cụ này miễn phí đồng nghĩa với việc người dùng chấp nhận đánh đổi sự riêng tư của mình.

Chẳng hạn Facebook, Google sẽ theo dõi thói quen sử dụng smartphone hoặc máy tính của người dùng để đưa ra những nội dung quảng cáo phù hợp với thói quen đó. Thậm chí Facebook còn thu thập các thông tin cá nhân của người dùng như hình ảnh, sở thích, công việc… để cung cấp cho bên thứ 3, phục vụ cho các chiến dịch quảng cáo hoặc truyền thông…

Với FaceApp, gương mặt của người dùng sẽ được ứng dụng này sử dụng để hoàn thiện hơn nữa thuật toán trí tuệ nhân tạo của ứng dụng này, đồng nghĩa với việc chính người dùng đang góp sức miễn phí để giúp FaceApp càng trở nên hoàn thiện, như một cách để “trao đổi” giữa người dùng và FaceApp.

Do FaceApp không xử lý hình ảnh trực tiếp trên smartphone và sẽ xử lý trên máy chủ của ứng dụng này, do vậy các hình ảnh của người dùng sẽ được upload lên “đám mây” của FaceApp và ứng dụng khẳng định các hình ảnh này sẽ được xóa sau 24 hoặc tối đa 48 giờ.

Tạp chí Forbes nhấn mạnh rằng việc dùng các ứng dụng miễn phí đồng nghĩa với việc chấp nhận trao đổi thông tin của mình, dù ít hay nhiều, cho các nhà phát triển ứng dụng đó. Vấn đề đặt ra là người dùng có thực sự tin tưởng để trao các thông tin đó cho chủ nhân của các ứng dụng đó hay không và trên hết, người dùng vẫn là người quyết định cuối cùng về việc có sử dụng các ứng dụng miễn phí như Facebook hay FaceApp… hay không.

T.Thủy
Theo Avast/ExtremeTech/Forbes