Twitter, Facebook khóa hàng trăm ngàn tài khoản truyền bá khủng bố
(Dân trí) - Có vẻ các phương tiện truyền thông như mạng xã hội đang dần trở thành một nền tảng miễn phí cho các nhóm tổ chức khủng bố, Hồi Giáo cực đoan hoặc là phương thức để chúng tiếp cận, truyền giáo tư tưởng xấu, đặc biệt là ở các quốc gia phương Tây.
Theo ghi nhận, các bậc cha mẹ tại châu Âu đang dần đánh mất niềm tin vào mạng xã hội, và nghiêng nhiều hơn về việc ngăn chặn con cái sử dụng hoặc tham gia các hội nhóm không lành mạnh trên Facebook, Twitter. Trên thực tế, đã có nhiều thanh thiếu niên, đặc biệt là các cô gái trẻ đang trở thành mục tiêu được săn đón của các tổ chức khủng bố, hoặc là thành viên phát động các phong trào của chúng.
Vào hồi tháng 6, đã có tổng cộng 32 trường hợp mất tích, đều là những cô gái trẻ và được ghi nhận là đã trốn chạy khỏi đất nước để tiếp tay/hỗ trợ cho các băng nhóm khủng bố. Đây là một thông tin đáng báo động đối với bất cứ ai.
Trong một bài viết trên blog cá nhân, Twitter cho biết họ đã khóa 235,000 tài khoản kể từ đầu tháng Hai bởi có tư tưởng truyền giáo khủng bố.
"Mức độ khóa các tài khoản Twitter vi phạm đã tăng hơn 80% so với thời điểm năm ngoái, và đặc biệt gia tăng về số lượng sau mỗi cuộc tấn công khủng bố xảy ra", công ty cho biết. "Tuy nhiên bằng những nỗ lực trong thời gian qua, thời gian xử lý các vi phạm, số lượng tài khoản vi phạm, và số lượng người theo dõi các tài khoản này đều đã giảm theo thời gian."
Twitter cho biết họ cũng đang tích cực mở rộng đội ngũ hoạt động, và mạnh tay hơn trước các nội dung có dấu hiệu truyền bá tư tưởng khủng bố. Trước những vi phạm này, mạng xã hội Twitter sẽ ngay lập tức khóa vĩnh viễn, thay vì chỉ đình chỉ một thời gian, hoặc đưa tới cảnh báo. Trong một bài viết trước đó vào tháng Hai, công ty ghi nhận đã khóa hơn 125.000 tài khoản tính từ giữa năm 2015.
Facebook cũng đang rất mạnh tay trước các tài khoản có dấu hiệu truyền giáo khủng bố, và thậm chí khẳng định: "Không có chỗ cho khủng bố trên Facebook". Tuy nhiên theo nhiều báo cáo thì Facebook hiện chỉ kiểm soát được các nội dung bằng text, tức các đoạn văn bản. Còn video vẫn là một chủ đề được nhiều tổ chức cực đoan khai thác nhằm truyền giáo tư tưởng xấu.
Tất nhiên là Facebook hay Twitter sẽ phát hiện và xóa bỏ video vi phạm ngay sau đó, nhưng theo ghi nhận họ vẫn phản ứng chưa đủ nhanh, bởi mô hình toàn cầu hóa và tốc độ lan truyền của mạng xã hội thậm chí khiến chính phủ cũng "không kịp trở tay".
Trước mức độ gia tăng và diễn biến khó lường của các tổ chức khủng bố, người dùng mạng xã hội cần hết sức tính tảo trước các thông tin dụ dỗ, truyền giáo tư tưởng cực đoan, đồng thời tránh tham gia các hội nhóm, tổ chức có các dấu hiệu này.
Nguyễn Nguyễn