TV màn hình phẳng đương đầu khó khăn
(Dân trí) - 2008 là năm bước ngoặt của ngành công nghiệp TV màn hình phẳng vì đây là thời điểm thị trường phải đối mặt với thách thức kép khi nhu cầu đã bão hòa và giá bán rớt không phanh.
Khó khăn từ thị trường bão hòa
Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường DisplaySearch, tình hình kinh doanh của thị trường TV màn hình phẳng toàn cầu năm 2007 đạt 102 tỷ USD, tăng từ 11 tỷ của năm 1998. Mặc dù mức tăng trưởng đạt kết quả đáng mừng nhưng đây không phải là tin vui với toàn ngành công nghiệp màn hình phẳng.
Năm 2007 chứng kiến sự vượt trội của TV LCD. Đây là lần đầu tiên sản lượng TV màn hình tinh thể lỏng vượt qua TV thế hệ CRT truyền thống. Và năm ngoái giá bán của các tấm panel do các hãng Sharp, Samsung... sản xuất đã tăng lên đáng kể - chuyện khó thực hiện kể từ đầu năm 2003.
Tuy nhiên, năm nay, bức tranh màu hồng này không dành cho tất cả mọi người.
TV cỡ nhỏ sẽ là sự lựa chọn của người tiêu dùng trong thời buổi kinh tế khó khăn
“Năm nay sẽ là một năm khó khăn cho các nhà sản xuất, các thương hiệu và cả các hãng bán lẻ”, Ross Young, nhà sáng lập kiêm chủ tịch DisplaySearch, nhấn mạnh tại Hội nghị màn hình phẳng Mỹ do hãng này tổ chức.
Điều này rất dễ hiểu bởi giá bán TV màn hình phẳng liên tiếp giảm mạnh do các hãng sản xuất TV cấp hai và cấp ba kéo liên tục tung ra các sản phẩm giá rẻ. Đồng thời, với những chiến dịch khuyến mãi lớn, tập đoàn bán lẻ lớn lớn, như Wal-Mart, Target ngày càng bành trướng đã đẩy giá TV màn hình phẳng xuống dưới mức dự đoán.
Ngoài ra, tình hình lạm phát hiện nay đang khiến cho ngành công nghiệp TV màn hình phẳng khó khăn hơn bao giờ hết.
Gánh nặng của mọi thứ “leo thang”
Khi giá điện, giá lương thực cùng thị trường bất động sản leo thang thì người tiêu dùng dần thắt chặt chi tiêu. Điều này có nghĩa khách hàng sẽ kiềm chế mua sắm những TV cỡ lớn xa xỉ.
Vậy, ngành công nghiệp TV cần phải làm gì?
Samsung cũng bị Vizio "qua mặt"
Theo Paul Gagnon, phụ trách bộ phận truyền hình của công ty khảo sát thị trường DisplaySearch, thì các nhà sản xuất nên mang lại nhiều lựa chọn TV giá rẻ cho người tiêu dùng. Ông này cho rằng, các “ông lớn”, như Samsung, Sony, Sharp, Panasonic nên đi theo hướng này vì TV cỡ nhỏ, giá rẻ sẽ trở nên hấp dẫn hơn trong nền kinh tế khó khăn như hiện nay.
“Nửa cuối năm nay là thời điểm quyết định để các hãng tung ra TV giá bán cạnh tranh, như các phiên bản LCD hay Plasma 32 inch”, ông Gagnon nói. “LG đã tiên phong thị trường TV Plasma 32 inch từ năm ngoái”.
Các “ông lớn” vật lộn với các mối đe dọa mới
Mối đe dọa mới của các “đại gia” trên thị trường LCD là Vizio. Mới xuất hiện năm ngoái nhưng hiện thời Vizio đã lọt vào top 5 nhà sản xuất LCD hàng đầu Bắc Mỹ. Giá cả cạnh tranh là lợi thế lớn nhất của Vizio. Chỉ riêng trong quý II/2007, Vizio đã bán ra 606.402 TV, tăng 76% so với 3 tháng trước đó. Sản lượng này đưa Vizio lên vị trí số một trên thị trường LCD xét về doanh số, còn thị phần cũng chiếm 14,5% và đứng thứ 5. “Quán quân” Samsung bị hạ bệ xuống thứ 2 với 467.210 TV tiêu thụ.
Năm nay, Vizio sẽ gặp nhiều khó khăn hơn
Ngoài Vizio, các “ông lớn”, như Sony, Samsung... còn phải đối đầu với các tên tuổi mới, như Syntax-Brillian (với thương hiệu Olevia), và Westinghouse. Cả hai đang tường bước xâm nhập lãnh thổ của các hãng nổi tiếng.
“Khi xu hướng chuyển dịch sang TV màn hình phẳng trở nên phổ biến thì các hãng lớn sẽ nhắm đến các thị trường phổ thông”, ông Gagnon nhấm mạnh. “Sonh và Samsung chắc chắn đã tính cách để đối đầu với Vizio. Và giá cả là yếu tố quyết định”.
Thực tế thì Sony đã khởi động cuộc chiến này từ cách đây 1 năm với một dòng TV dành riêng cho các tập đoàn bán lẻ Target và Wal-Mart. Tình hình diễn ra rất tốt và Sony cho biết năm nay sẽ sản xuất thêm nhiều mẫu mới nữa để bán qua các kênh phân phối này.
Theo DisplaySearch, năm ngoái, mức chênh giá giữa những TV cùng cỡ của Vizio và các hãng khác là 200 USD. Hãng này dự đoán, năm nay các nhà sản xuất sẽ thu hẹp khoảng cách là 100 USD để lấy lại thị phần.
N.Hương
Theo CNet