1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Tuyến cáp quang siêu tốc nối châu Á với Mỹ của Google đi vào hoạt động

(Dân trí) - Sau gần 2 năm xây dựng, tuyến cáp quang nối liền giữa Nhật Bản và bờ Tây nước Mỹ, xuyên qua biển Thái Bình Dương, do Google xây dựng đã chính thức đi vào hoạt động.

Tuyến cáp quang biển có tên gọi FASTER, với giá trị đầu tư 300 triệu USD, có chiều dài 9.000km đi ngầm dưới đáy biển Thái Bình Dương, là sản phẩm hợp tác của Google với các nhà mạng lớn tại châu Á bao gồm China Mobile, China Telecom (Trung Quốc), Global Transit (Malaysia), KDDI, (Nhật Bản) và Singtel (Singapore). Hãng công nghệ NEC của Nhật Bản là công ty chịu trách nhiệm xây dựng và vận hành tuyến cáp quang này.

Tuyến cáp này sẽ bắt đầu tại bang Oregon nối với 2 tỉnh Chiba và Mie của Nhật Bản, là 2 khu vực ít khả năng chịu ảnh hưởng bởi động đất và sóng thần tại Nhật Bản để tránh tình trạng mất mạng do thiên tại.

Sơ đồ tuyến cáp biển FASTER nối bờ Tây nước Mỹ với 2 tỉnh của Nhật Bản thông qua Thái Bình Dương
Sơ đồ tuyến cáp biển FASTER nối bờ Tây nước Mỹ với 2 tỉnh của Nhật Bản thông qua Thái Bình Dương

Mặc dù tuyến cáp chỉ đặt trên bờ tại 3 vị trí, nhưng nó sẽ mở rộng kết nối cho cả bờ Tây nước Mỹ và các thành phố lớn ở Nhật Bản. Google cho biết phần còn lại của châu Á cũng sẽ hưởng được nhiều lợi ích từ tuyến cáp quang mới.

Urs Holzle, Phó Chủ tịch phụ trách hạ tầng kỹ thuật của Google cho biết FASTER sử dụng loại cáp quang với bó cáp 6 sợi quang, cho tốc độ lên đến 60 Terabit/giây (1 Terabit = 1.000 Gigabit), giúp FASTER là tuyến cáp quang biển có tốc độ nhanh nhất hiện nay và nhanh gấp 10 triệu lần cáp quang thông thường sử dụng tại các hộ gia đình.

“Đây là loại cáp quang đầu tiên với 100 màu sắc ánh sáng được truyền đi với nhiều tần số khác nhau”, Urs Holzle cho biết. “Cứ mỗi 60km, một bộ lặp sẽ được sử dụng để tái tạo năng lượng ánh sáng, giúp nó di chuyển 9.000km khoảng cách dưới đáy biển”.

FASTER dự kiến sẽ giúp tăng gấp 4 lần lưu lượng đường truyền Internet từ châu Á đến khu vực Bắc Mỹ. Bên cạnh việc tăng băng thông kết nối Internet, tuyến cáp quang này còn hoạt động như một sự dự phòng cho khu vực Đông Á vốn có địa chấn không ổn định và thường xuyên xảy ra thảm họa thiên nhiên.

FASTER không phải là tuyến cáp quang biển đầu tiên được Google đầu tư, mà trên thực tế sau khi FASTER đi vào hoạt động thì Google đã sở hữu 4 tuyến cáp quang biển khác nhau trên toàn thế giới, trong đó có các tuyến cáp nồi liền Mỹ với khu vực Nam Mỹ, Mỹ với Nhật Bản và Mỹ với một phần châu Á.

Quá trình lắp đặt tuyến cáp quang FASTER dưới đáy biển Thái Bình Dương
Quá trình lắp đặt tuyến cáp quang FASTER dưới đáy biển Thái Bình Dương

Trong thời gian qua Google đầu tư mạnh vào những dự án để mang mở rộng khả năng truy cập Internet đến nhiều người, trong đó có dự án Project Loon với tham vọng phủ sóng Internet trên toàn cầu thông qua khinh khí cầu. Việc mở rộng khả năng truy cập Internet sẽ giúp nhiều người trên thế giới có cơ hội tiếp cận và sử dụng các dịch vụ Internet, trong đó có các dịch vụ và sản phẩm của Google.

Cuối tháng 5 vừa qua, nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng ngày càng cao, mạng xã hội Facebook và gã khổng lồ phần mềm Microsoft cũng đã công bố dự án xây dựng đường cáp biển Internet xuyên Đại Tây Dương đầy tham vọng. Tuyến cáp quang này có chiều dài hơn 6.000km nối bờ biển Virginia (Mỹ) và Bilbao (Tây Ban Nha), dự kiến sẽ xây dựng vào tháng 8 tới đây và hoàn thành tháng 10/2017.

Hiện có rất nhiều tuyến cáp quang biển trên toàn thế giới, trong đó tuyến cáp quang SEA-ME-WE 3 nối liền châu Âu đến Úc và châu Á là tuyến cáp dài nhất thế giới, với 39 điểm nối trên đất liền và có độ dài 39.000km.

T.Thủy