Trung Quốc tham vọng xây dựng đế chế truyền thông riêng

(Dân trí) - Trung Quốc đang lên kế hoạch dành hàng tỷ USD để phát triển các công ty truyền thông và giải trí, tham vọng cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia khổng lồ như News Corporation hay Time Warner.

Trung Quốc tham vọng xây dựng đế chế truyền thông riêng - 1

Một góc Thượng Hải, Trung Quốc.

Kế hoạch đầy tham vọng này đã được đưa ra vào tuần trước, trong đó, chính phủ ủng hộ việc thành lập các công ty giải trí, tin tức và văn hóa với định hướng phát triển theo cơ chế thị trường và không chịu nhiều sự quản lý từ chính phủ.

 

Trung Quốc, trong ngắn hạn, muốn củng cố ngành công nghiệp truyền thông phát triển đến mức có thể xứng tầm với những “ông lớn” như Bloomberg, Time Warner và Viacom, các chuyên gia nhận định.

 

“Có vẻ như các lãnh đạo cao cấp nhất của chính phủ cảm thấy họ cần một cỗ máy truyền thông đủ mạnh cho xứng với vị thế và sức mạnh của Trung Quốc”, Jim Laurie, cựu phóng viên tại ABC News, hiện đang giảng dạy tại Đại học Hong Kong và gần đây đã gặp gỡ với nhiều giám đốc điều hành các tập đoàn truyền thông Trung Quốc cho biết.

 

Thậm chí, Trung Quốc hy vọng những sự thay đổi này sẽ giúp cải thiện hình ảnh của quốc gia ở nước ngoài.

 

Trong kế hoạch này, Trung Quốc sẽ cho phép các công ty tư nhân và nước ngoài đầu tư vào tất cả các lĩnh vực từ nhạc, phim ảnh, truyền hình cho đến nhà hát, múa và opera, mặc dù vẫn phải thông qua các công ty lớn thuộc sở hữu của nhà nước.

 

News Corporation, Viacom và nhiều tập đoàn truyền thông khác của phương Tây trong nhiều năm qua đã rất thất vọng vì họ không giành được quyền sản xuất phim và các chương trình truyền hình dành cho khán giả Trung Quốc. Thường thì họ phải liên doanh với các đối tác Trung Quốc và gặp phải sự chậm trễ hoặc bị trì hoãn. Một số công ty của Mỹ cho biết họ đang tìm hiểu các quy định mới của Trung Quốc và từ chối bình luận thêm bất cứ điều gì.

 

Trong thông báo vào tuần trước, Trung Quốc cho biết các tập đoàn truyền thông thuộc sở hữu của nhà nước sẽ tái tổ chức để nhận các nguồn tài chính từ bên ngoài để “họ có thể sống tự lập thay vì cứ phụ thuộc vào chính phủ”.

 

Các công ty này sẽ được tự do hơn trong việc tự quyết nguồn tài chính và sản xuất ra các sản phẩm giải trí và văn hóa trong phạm vi rộng hơn để phát hành trong nước, thậm chí xuất khẩu.

 

Trung Quốc cũng tiến hành nâng cấp truyền thông tin tức thuộc sở hữu nhà nước, một là trên các ấn phẩm bằng tiếng nước ngoài, các hãng thông tấn và các chương trình truyền hình để tiếp cận độc giả cũng như khán giả ở nước ngoài.

 

Trong số các công ty đầu tiên được hưởng lợi từ chính sách mới này của chính phủ sẽ là tập đoàn truyền thông Thượng Hải (Shanghai Media Group -  S.M.G), một trong những tập đoàn truyền thông và tin tức nhà nước lớn nhất. Vào tháng 8 vừa qua, chính phủ đã cho phép tập đoàn này tái tổ chức lại hoạt động và phát hành cổ phiếu ra công chúng.

 

S.M.G có tổng doanh thu là 1 tỷ USD và 100 triệu USD lợi nhuận vào năm ngoái. Tập đoàn này có có quan hệ đối tác với các công ty như News Corporation, Viacom và CNBC – tập đoàn có hệ thống mua sắm gia đình, kênh truyền hình, các chương trình phong cách và thời trang, phát thanh, báo, tạp chí và sản xuất phim.

 

Tập đoàn truyền thông này đang bị chia tách thành một công ty phi lợi nhuận hoạt động trong mảng tin tức và một công ty hoạt động vì loại nhuận trong kinh doanh quảng cáo, phát triển nội dung và phát hành.

 

“Thị trường truyền thông nội địa đang thay đổi sâu sắc”, ông Li Ruigang, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của S.M.G nhận xét. “Điều này sẽ tạo nên một S.M.G mới. Trong tương lai chúng tôi sẽ là một công ty cổ phần và sẽ có nhiều hơn 10 công ty con”.

 

Để giúp S.M.G phát triển lớn mạnh, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc vừa đồng ý cấp một khoản hỗ trợ 1,5 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.

 

Ngân hàng chính sách của chính phủ cũng sẽ trở thành một đối tác của S.M.G trong một quỹ có tổng trị giá 735 triệu USD. Quỹ này có tên China Media Capital, sẽ đầu tư vào các lĩnh vực truyền thông và giải trí, người đứng đầu là ông Li, chủ tịch của S.M.G.

 

Michael Tung, trưởng bộ phận đầu tư của China Media Capital cho biết chính phủ đang khuyến khích sáp nhập trong ngành truyền thông và giải trí. Ông này cũng cho biết quỹ China Media Capital sẽ hỗ trợ việc phát triển các tập đoàn truyền thông lớn hơn.

 

“Thị trường của Trung Quốc đang phân khúc”, ông Tung cho biết. “Trung Quốc nên có 4 hoặc 5 tập đoàn truyền thông lớn. Hiện chưa có tập đoàn nào như News Corp hay Time Warner nhưng chúng tôi sẽ tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài”.

 

Các công ty truyền thông nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội thâm nhập vào thị trường rộng lớn của Trung Quốc có thể sẽ thất vọng, các chuyên gia khẳng định.

 

“Đây không phải là một lời mời mua cổ phần cho các công ty truyền thông quốc tế”, Vivek Couto, giám đốc của Media Partners Asia, một công ty nghiên cứu tại Hong Kong cho biết. “Nhưng đó có thể là lời mời dành cho các công ty chứng khoán và có vốn nước ngoài để làm được nhiều hơn nữa”.

 

Các nguồn đầu tư từ các công ty truyền thông nước ngoài dự kiến sẽ được thông qua quan hệ đối tác, một số sẽ được thực hiện dưới sự giám sát của chính phủ.

 

“Đây là thời điểm tốt dành cho các công ty phương Tây đến và tìm kiếm đối tác”, Zhu Mei, lãnh đạo của Linden Consulting có trụ sở tại Bắc Kinh cho hay.

 

Ông Li, giám đốc điều hành của S.M.G thừa nhận việc cổ phần tập đoàn truyền thông này từ lâu đã là một trong những “ám ảnh” của ông.

 

“Điều đó làm cho ngành này được định hướng bởi thị trường hơn”, ông Li nói. “Chúng tôi hy vọng S.M.G có thể trở thành người tiên phong trong cuộc cải cách này”.

 

Võ Hiền

Theo New York Times