Google Chrome: Hành trình 10 năm từ vô danh trở thành trình duyệt web hàng đầu thế giới
(Dân trí) - 10 năm trước, Chrome chỉ là một đối thủ "vô danh", bám đuổi hai gã khổng lồ là Internet Explorer và Mozilla Firefox trong vô vọng. Nhưng giờ đây, đại diện của Google cho thấy "không phải cứ xuất phát trước là chiến thắng".
Đúng 10 năm trước, Google Chrome phiên bản đầu tiên được giới thiệu mang theo nhiều hoài nghi về khả năng cạnh tranh với 2 đối thủ lớn là Internet Explorer và Mozilla Firefox. Tròn 10 năm sau, vào ngày 2/9/2018, Google Chrome chiếm 2/3 thị trường web browser toàn cầu, trong khi đối thủ xếp thứ 2 là Firefox chỉ đạt vỏn vẹn 11%.
Nhân dịp kỷ niệm ý nghĩa này, cùng chúng tôi nhìn lại chặng đường 10 năm phát triển đầy huy hoàng của Google Chrome, một trong những công cụ không thể thiếu của hàng triệu người dùng Internet trên toàn thế giới.
Chrome từ những ngày sơ khai
"Tại sao chúng ta cần Google Chrome", câu hỏi được đặt ra lúc bấy giờ, và phó giám đốc mảng sản phẩm, ông Sundar Pichai trả lời chắc "như đinh đóng cột": "Bởi vì chúng ta có niềm tin rằng chúng ta sẽ mang lại giá trị cho người dùng, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới trên nền tảng website."
Và quả thực, thiết kế mới lạ, sáng tạo, cũng như các thuật toán của Google mang lại trên Chrome đã khắc phục được hầu hết các vấn đề, sự cố trên những trình duyệt khác.
Tháng 12/2008, sau nhiều tháng thử nghiệm, Chrome chính thức ra mắt phiên bản đầu tiên với mã 1.0.154. Giao diện của Chrome lúc bấy giờ khá đơn giản, nhưng đây chính là điều giúp nó trở nên dễ sử dụng và thân thiện hơn với người dùng.
Về tổng thể, Chrome cũng không quá khác biệt so với ngày nay. Nhìn ảnh, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra những nút điều chỉnh cơ bản như Back/Foward, Refresh, Bookmarks, nút Setting, và đặc biệt là thanh công cụ Bookmarks.
Tháng 5/2009, Chrome ra mắt phiên bản 2.0 với nhiều nâng cấp đáng chú ý. Trong đó phải kể đến hỗ trợ nút cuộn chuột, chế độ toàn màn hình, zoom toàn màn hình, tự động điền vào bảng biểu, và khả năng làm việc tốt hơn với các tab.
Mở rộng sang đa nền tảng
Để khẳng định vị thế của một "gã khổng lồ", Google hiểu rằng tốt là chưa đủ, mà còn phải có độ phủ rộng trên tất cả mọi nền tảng, giúp sản phẩm của mình đến tay tất cả mọi người.
Quan điểm này được cụ thể hóa trên phiên bản 5.0 được ra mắt vào tháng 5/2010, khi Chrome lần đầu tiên có mặt trên nền tảng Mac OS và Linux. Đây cũng là lần đầu Chrome tích hợp Adobe Flash Player và cho phép đồng bộ chéo, kết hợp mở rộng cùng HTML5.
Tháng 6/2012, Chrome tiếp tục tiến tới nền tảng di động trên cả hệ điều hành phổ biến là Android và iOS. Không chỉ có độ phủ rộng, Chrome còn nổi bật ở sự đồng bộ tuyệt vời giữa các thiết bị và nền tảng khác nhau dựa trên 1 tài khoản chung. Đây là điều mà không một trình duyệt nào làm tốt hơn Chrome, dù ở thời điểm quá khứ hay hiện tại.
Tất cả những dữ liệu của người dùng Internet như Bookmarks, lịch sử tìm kiếm, cho tới các tiện ích được tích hợp,... đều được giữ lại một cách trọn vẹn. Đây được đánh giá là yếu tố cốt lõi tạo nên sự thành công của Chrome trong bối cảnh bùng nổ thiết bị di động, khi người dùng thường xuyên thay đổi thiết bị của mình.
Xây dụng kho ứng dụng riêng
Dưới sự dẫn dắt của Sundar Pichai - một chuyên gia lập trình phần mềm và ứng dụng, Google Chrome nhanh chóng xây dựng được một kho ứng dụng, tiện ích phong phú, đa dạng, được đặt trong một cửa hàng có tên Chrome Web Store.
Kho ứng dụng này cũng trở thành một phần thiết yếu cho dự án xây dựng nền tảng Chrome OS của Google những năm sau này.
Bảo mật luôn được đề cao
Khóa bảo mật Google Titan được phát hành gần đây hoạt động bằng giao thức FIDO (U2F), trên thực tế đã được thêm vào Chrome kể từ phiên bản 38, vào tháng 10/2014.
FIDO cho phép bất kỳ trang web nào sử dụng các khóa thông qua USB hoặc Bluetooth đều có thể làm công cụ đăng nhập thứ hai, làm tăng đáng kể mức độ bảo mật dữ liệu của người dùng.
Khóa bảo mật Google Titan được phát hành gần đây hoạt động bằng giao thức FIDO (U2F), trên thực tế đã được thêm vào Chrome kể từ phiên bản 38, vào tháng 10/2014.
FIDO cho phép bất kỳ trang web nào sử dụng các khóa thông qua USB hoặc Bluetooth đều có thể làm công cụ đăng nhập thứ hai, làm tăng đáng kể mức độ bảo mật dữ liệu của người dùng.
Phiên bản Chrome 56 được phát hành vào tháng 1/2017 đánh dấu sự chấm dứt hỗ trợ của Google dành cho Adobe Flash Player, và tự động đưa nó vào phần plug-in bị chặn. Thay thế cho Flash không ai khác, chính là HTML5 với khả năng bảo mật tốt hơn và chạy tốt hơn trên nền tảng mobile.
Trong bản phát hành vào tháng 10/2017, các trang web sử dụng giao thức HTTP trên Chrome bắt đầu bị đánh dấu "không an toàn", đồng thời cảnh báo người dùng thận trọng khi để lộ thông tin của mình trên các trang web đó.
Chrome trên phiên bản 68 cũng thêm một số tính năng nhằm ngăn chặn các iFrames chuyển hướng người dùng tới những trang web độc hại.
Chrome trong tương lai
Tại thời điểm hiện nay, trên các kênh thử nghiệm beta, kênh phát triển,... đều đã sẵn sàng cho các phiên bản mới của Chrome từ 69 đến 70. Trong mỗi bản cập nhật, Chrome sẽ có thêm nhiều tính năng độc đáo. Đáng chú ý, phiên bản Chrome 69 được dự kiến sẽ có thiết kế phẳng Material Design và giao diện hoàn toàn mới.
Với 10 năm phát triển, từ con số 0, cho đến "gã khổng lồ" trong thị trường web browser, Chrome đã trải qua nhiều thăng trầm, và giờ đây hoàn toàn xứng đáng đón nhận "bữa tiệc sinh nhật" đầy ý nghĩa với vị thế là trình duyệt phổ biến nhất hành tinh.
Nguyễn Nguyễn