Tranh cãi quanh việc "đốt tiền" để phá hủy ổ cứng đang chạy tốt
(Dân trí) - Các hãng công nghệ lớn hoặc các công ty tài chính đã chi ra một số tiền không hề nhỏ để phá hủy hàng loạt ổ cứng dù chúng vẫn hoạt động tốt. Mục đích đằng sau hành động này là gì?
Mick Payne, Giám đốc điều hành của Techbuyer, một công ty chuyên xử lý tài sản công nghệ thông tin có trụ sở tại thành phố Harrogate (Anh), đang đứng trong căn phòng lớn không có cửa sổ tại một trung tâm dữ liệu ở London, xung quanh là hàng nghìn ổ cứng đã qua sử dụng thuộc sở hữu của một công ty thẻ tín dụng.
Những ổ cứng này vẫn hoạt động hoàn toàn bình thường và Payne hoàn toàn có thể xóa bỏ dữ liệu trên đó rồi bán lại cho những người khác, điều này có thể giúp anh kiếm được hàng trăm ngàn USD.
Tuy nhiên, Mick Payne không làm như thế. Nhiệm vụ của anh là sử dụng máy nghiền để phá hủy những ổ cứng máy tính này thành những mảnh nhỏ.
"Không một ổ cứng nào được phép đưa ra khỏi tòa nhà này, mặc dù chúng tôi hoàn toàn có thể xóa sạch dữ liệu trên ổ cứng và bán cho người dùng mới để họ có thể sử dụng tiếp trong nhiều năm. Điều này thực sự rất lãng phí", Mick Payne chia sẻ.
Khi bạn gửi email hàng ngày, chụp và chia sẻ hình ảnh qua mạng xã hội… những dữ liệu này sẽ được chứa trên ổ cứng của các máy chủ. Ước tính hiện có khoảng 70 triệu máy chủ được đặt trong khoảng 23.000 trung tâm dữ liệu nằm rải rác trên khắp thế giới.
Thông thường, sau khoảng 3 đến 5 năm, các công ty sẽ nâng cấp thiết bị của mình, bao gồm thay thế ổ cứng trên máy chủ, đó là thời điểm các ổ cứng này sẽ bị phá hủy theo quy trình đã được mô tả ở trên.
Theo tờ Financial Times, các công ty như Amazon và Microsoft, cũng như các ngân hàng lớn, các cơ quan chính phủ hoặc lực lượng cảnh sát… phá hủy hàng triệu ổ cứng máy tính mỗi năm.
Vì sao các hãng công nghệ lớn hay các cơ quan chính phủ lại phải thực hiện điều này? Đó chính là vấn đề về lòng tin và sự bảo mật dữ liệu.
Các hãng công nghệ hay các công ty tài chính lớn lo ngại rằng dữ liệu người dùng lưu trữ trên các ổ cứng cũ có thể bị khôi phục và rò rỉ ra bên ngoài, điều này sẽ gây ra sự giận dữ từ khách hàng, làm mất uy tín công ty và phải chịu những khoản phạt khổng lồ từ các cơ quan quản lý.
Vào tháng trước, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ đã phạt Morgan Stanley 35 triệu USD vì làm rò rỉ dữ liệu khách hàng, sau khi các máy chủ và ổ cứng cũ của ngân hàng này được bán lại mà không xóa dữ liệu đúng cách. Lỗi thuộc về một công ty xử lý ổ cứng mà Morgan Stanley đã ký hợp đồng trước đó. Một số dữ liệu của ngân hàng này sau đó đã được rao bán trên mạng Internet.
Sau sự cố, Morgan Stanley đã yêu cầu mọi ổ cứng cũ của mình đều bị phá hủy, phần lớn được thực hiện ngay tại chỗ. Nhiều công ty lớn cũng đang áp dụng biện pháp này, chẳng hạn như Amazon hay Microsoft, các ổ cứng cũ đều phải bị cắt nhỏ để không cách nào có thể phục hồi được.
Tương tự, Bộ Giáo dục Vương quốc Anh, sở cảnh sát Anh… cũng cắt nhỏ các thiết bị lưu trữ dữ liệu cũ của mình. Lực lượng cảnh sát Bắc Ireland cho biết đã băm nhỏ 30.000 thiết bị, bao gồm cả máy chủ và ổ cứng chứa dữ liệu, trong vòng 2 năm qua.
Hành động lãng phí gây tranh cãi
Việc phá hủy theo cách vật lý các ổ cứng máy tính cũ đang gây ra không ít tranh cãi, khi mà nhiều người cho rằng đây là một hành động lãng phí và gây ô nhiễm môi trường. Theo hãng nghiên cứu thị trường Gartner, dự báo sẽ có thêm khoảng 700 trung tâm dữ liệu mới được xây dựng trên khắp thế giới trong vòng 3 năm tiếp theo, điều này sẽ có thêm hàng triệu ổ cứng máy tính bị phá hủy trong thời gian tới, dẫn đến một sự lãng phí vô cùng lớn.
Rất khó để biết chính xác có bao nhiêu ổ cứng máy tính ngừng hoạt động trên toàn cầu mỗi năm, nhưng theo một nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Năng lượng tái tạo Quốc gia Hoa Kỳ, ước tính riêng tại Mỹ có ít nhất 20 triệu ổ cứng máy tính dừng hoạt động mỗi năm.
Mặc dù hầu hết các trung tâm dữ liệu sẽ loại bỏ và thay thế ổ cứng lưu dữ liệu sau một vài năm. Khoảng 90% số lượng ổ cứng bị mang đi phá hủy đều hoàn toàn có thể tiếp tục sử dụng được trong nhiều năm, thậm chí lên đến cả thập kỷ. Phần lớn các mảnh vụn sau khi phá hủy ổ cứng sẽ được mang đi tái chế, nhưng quy trình ngày nay chỉ thu hồi được khoảng 70% vật liệu.
Quá trình phá hủy ổ cứng máy tính ước tính tạo ra 54 triệu tấn rác thải điện tử trên toàn cầu mỗi năm. Những vật liệu bị mất đi sẽ đòi hỏi phải khai thác tài nguyên nhiều hơn để có thể tạo ra thêm nhiều ổ cứng máy tính mới để thay thế, chưa kể đến lượng khí thải carbon từ các nhà máy sản xuất ổ cứng mới.
"Nhiều công ty lo lắng về việc rò rỉ dữ liệu đến mức họ khăng khăng muốn phá hủy ổ cứng. Đây là một vấn đề lớn mà chúng ta cần tìm ra giải pháp", Michael Winterson, nhà cung cấp trung tâm dữ liệu Equinix (Mỹ), cho biết.
Nhiều nhà lập pháp đang kêu gọi các công ty lớn tìm ra giải pháp để tái sử dụng ổ cứng cũ, bao gồm việc sử dụng phần mềm chuyên dụng để xóa sạch dữ liệu trên đó mà không cách nào có thể khôi phục được, thay vì phá hủy hoàn toàn ổ cứng sẽ gây ra tình trạng lãng phí. Các chuyên gia công nghệ cũng cho rằng việc sử dụng phần mềm để xóa dữ liệu là đủ đảm bảo an toàn, thay vì phải phá hủy hoàn toàn ổ cứng theo cách vật lý.
Một số "ông lớn" công nghệ như Google, Microsoft hay Amazon cũng đang tìm những giải pháp để tái sử dụng ổ cứng, linh kiện cũ cho các trung tâm dữ liệu, thay vì nâng cấp mới và phá hủy hoàn toàn thiết bị cũ.
Theo Bcomputer/Financial Times