Top "hàng ế" khoác trên mình những cái tên mỹ miều
Đôi khi, các công ty công nghệ mất nhiều thời gian để nghĩ ra một cái tên đẹp cho sản phẩm và tung hô quá sớm thay vì tập trung phát triển tính năng giúp nó thành công trên thị trường.
Trước ngày phát hành, người ta gọi Microsoft Zune là "sát thủ của iPod". Nhưng doanh số của thiết bị nghe nhạc này lại rất đáng thất vọng. Khi Microsoft tuyên bố đã bán ra 1 triệu máy Zune cũng là lúc Apple ăn mừng sự kiện 100 triệu iPod được tiêu thụ trên toàn thế giới.
Microsoft Zune
Chiếc xe điện tự hành Segway được ra đời với tham vọng cách mạng hóa giao thông. Nó còn có một cái tên quyến rũ khác là Ginger, đặt theo tên ca sĩ - diễn viên xinh đẹp Ginger Rogers. Nhưng Segway chỉ thu hút được lượng fan hâm mộ ít ỏi. Và người ta chủ yếu biết đến nó qua trò chơi "Segway polo" - điều khiển Segway thay vì cưỡi ngựa và dùng chày cán dài đánh bóng vào cầu môn - do Steve Wozniak, người đồng sáng lập hãng máy tính Apple, phổ biến.
Segway - Ginger
Trước khi iPhone ra đời, thế giới đã biết đến chiếc điện thoại nghe nhạc Motorola Rokr, được phát hành cùng thời điểm với iPod nano. Kiểu đặt tên "Rokr" giống với Razr - dòng máy siêu mỏng của Motorola. Thế nhưng, mang tiếng là điện thoại nghe nhạc, Rokr lại chỉ có thể lưu trữ 100 bài hát.
Motorola Rokr
Nokia N-Gage (engage: lời hứa, đính ước) là một cái tên thông minh. Sản phẩm này được phát hành năm 2003 để cạnh tranh với đầu máy chơi game cầm tay xuất sắc Game Boy Advance của Nintendo. Lợi thế của N-Gage là nó đóng vai trò như một điện thoại di động, nhưng khi nhận cuộc gọi, người nghe phải nghiêng thiết bị sang một bên. Nokia sau đó tuyên bố ngừng sản xuất dòng máy đến năm 2007.
Nokia N-Gage
Origami là cái tên thú vị và tạo thiện cảm cho người nghe. Microsoft cũng ấp ủ tham vọng lớn với dòng máy tính di động (UMPC) được trang bị phần mềm Origami. Nhưng rốt cuộc, dòng thiết bị này không đủ sức hấp dẫn người mua dù cộng đồng hi-tech đã bàn tán xôn xao và chờ đón ngày nó ra đời.
Samsung Q1 thuộc dòng Origami
Thiết bị PDA mang tên Newton MessagePad của Apple được giới thiệu từ thập niên 90 của thế kỷ trước. Nhiều tính năng của Newton đã đi trước thời đại, nhưng Apple vẫn không bán được hàng, một phần vì giá của nó lên đến 1.000 USD.
Newton MessagePad
Ngược với những thiết bị trên, Wii từng bị coi là cái tên ngốc nghếch để đặt cho một đầu máy chơi game. Ngay cả lãnh đạo của Nintendo cũng thừa nhận nó nghe hơi kì cục. Thế nhưng, thành công vượt trội so với PlayStation 3 và Xbox 360 đã khiến người ta không còn xỏ xiên rằng Wii được phát âm giống wee (đi tiểu).
Theo T.N.
VnExpress/CNet