1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Tổng thống Mỹ bất ngờ muốn "cứu" ZTE khiến dư luận hoang mang

(Dân trí) - Sau khi ban hành lệnh cấm và khiến ZTE chỉ còn con đường rời khỏi nước Mỹ, Tổng thống Donald Trump bỗng nhiên gây bất ngờ khi cho biết ông đang nỗ lực đưa hãng trở lại kinh doanh.


ZTE là công ty smartphone lớn thứ 4 ở Mỹ.

ZTE là công ty smartphone lớn thứ 4 ở Mỹ.

Cho tới nay, dư luận có lẽ vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ ZTE bất ngờ bị "cấm cửa" tại Mỹ, khiến thương hiệu smartphone đang đứng thứ 4 tại Mỹ đối mặt nguy cơ sụp đổ hoàn toàn.

Tuy nhiên viễn cảnh xấu nhất đối với ZTE có thể sẽ không xảy đến do sự xuất hiện của một "người hùng" mà không ai ngờ tới - ông Donald Trump. Qua đó, ngài Tổng thống Mỹ đương nhiệm vừa có động thái gây bất ngờ khi đăng tải một dòng tweet cho biết ông đang nỗ lực đưa hãng trở lại kinh doanh.

"Chủ tịch Trung Quốc - ông Tập Cận Bình, và tôi đang cùng nhau nỗ lực để đưa thương hiệu smartphone nổi tiếng tại Trung Quốc, ZTE trở lại kinh doanh, một cách nhanh chóng", ông Trump nói. "Quá nhiều việc làm tại Trung Quốc đã bị mất. Và Bộ Thương Mại sẽ là đơn vị trực tiếp giải quyết chuyện này".

Được biết cách đây ít lâu, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã quyết định áp đặt lệnh cấm xuất khẩu 7 năm đối với thương hiệu smartphone Trung Quốc là ZTE, qua đó ngừng mọi loại hình kinh doanh của hãng với các công ty ở Mỹ.

Bị chặn nguồn cung cả về phần cứng lẫn phần mềm, ZTE thực sự đang đứng trước "cửa tử". Mới đây hãng cũng tuyên bố sẽ ngừng tất cả các hoạt động chính, và không còn lựa chọn nào khác ngoài khai tử tất cả sản phẩm của mình không chỉ riêng tại Mỹ, mà còn trên toàn bộ thế giới nhằm tìm giải pháp thay thế.

Ông Trump cho biết đang làm việc cùng với ông Tập Cận Bình để đưa ZTE trở lại kinh doanh.
Ông Trump cho biết đang làm việc cùng với ông Tập Cận Bình để đưa ZTE trở lại kinh doanh.

Trong một đoạn tweet khác được đăng tải vào trưa Chủ Nhật (13/5), ông Trump nói: "Trung Quốc và Mỹ đã làm việc rất tốt cùng nhau trong thương mại giữa hai nước, nhưng các cuộc đàm phán trước đây chỉ có một bên có lợi - đó là Trung Quốc. Và điều này đã diễn ra trong nhiều năm rồi."

"Sẽ thật khó cho họ nếu thực hiện một thỏa thuận nhằm có lợi cho cả 2 nước. Thế nhưng tốt thôi, tất cả đều sẽ xảy đến."

Tuyên bố trên của ông Trump khiến dư luận dậy sóng, và đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh quyết định của ông trong việc đưa ra lệnh trừng phạt với ZTE thông qua Bộ Thương Mại, rồi lại hé lộ về một hướng kinh doanh mới dành cho công ty.

Nhiều chính trị gia trước đó cũng cho rằng Mỹ sẽ không hoàn toàn cấm ZTE giao dịch với các công ty ở Mỹ như lời đã tuyên bố, bởi nếu vậy thì rất nhiều công ty cũng sẽ chịu thiệt hại nặng nề - do ZTE là một đối tác lớn và rất tiềm năng.

Về lâu dài, thị trường smartphone hoàn toàn có thể kỳ vọng về một sự độc lập tách rời giữa 2 quốc gia là Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên đây không hẳn là điều được chính phủ Mỹ mong đợi, vì họ từ lâu vẫn mong muốn có được "miếng bánh" trong thị trường lớn nhất thế giới; còn Trung Quốc thì trái lại, vẫn kỳ vọng về một sự độc tôn mà họ luôn hướng tới.

Nguyễn Nguyễn

>> Mỹ cấm bán linh kiện cho công ty điện thoại ZTE của Trung Quốc

>> Lệnh cấm đối với ZTE có thể là "án tử" cho hãng smartphone này

>> ZTE bị loại khỏi "cuộc chơi": Ai sẽ là người kế tiếp?