Tin tặc Trung Quốc tăng cường tấn công các công ty Mỹ
(Dân trí) - Tin tặc ở Trung Quốc đang đẩy mạnh đáng kể các cuộc tấn công vào các công ty Mỹ khi hai nước đụng độ thương mại và công nghệ.
Năm ngoái, công ty an ninh mạng hàng đầu CrowdStrike đã chứng kiến nỗ lực của các tập đoàn có trụ sở tại Trung Quốc nhằm xâm nhập vào hệ thống của các doanh nghiệp Mỹ vì lợi ích thương mại. Đây là một xu hướng "không có dấu hiệu dừng lại", ông Michael Sentonas, phó chủ tịch công nghệ bảo mật của công ty cho biết.
Các cuộc tấn công vào công ty của Mỹ đã gia tăng đột biến, bao gồm các nhà khai thác viễn thông, các công ty dược phẩm và chuỗi khách sạn “có khả năng gắn liền với căng thẳng gia tăng giữa hai nước", CrowdStrike cho biết trong một báo cáo được công bố đầu tuần này.
Trước đó, các cuộc tấn công của Trung Quốc vào các công ty Mỹ đã giảm đi trong những năm gần đây sau khi chính phủ hai bên đồng ý vào năm 2015 rằng không đánh cắp các bí mật thương mại và sở hữu trí tuệ của nhau vì lợi ích thương mại. Sự sụt giảm đó bây giờ "dường như đã bị đảo ngược", CrowdStrike nhận định.
Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã leo thang mạnh mẽ vào năm ngoái khi Washington áp thuế mạnh đối với hàng loạt hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc và đàn áp một số công ty công nghệ hàng đầu của đất nước này, bao gồm Huawei và ZTE.
Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận mọi liên quan đến các cuộc tấn công mạng này.
Ngay cả sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý thỏa thuận tạm ngưng cuộc chiến thương mại hồi tháng 12, chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục gây sức ép với Bắc Kinh về vấn đề an ninh mạng.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã buộc tội 2 công dân Trung Quốc vào cuối tháng 12 với cáo buộc họ tham gia vào một kế hoạch hack toàn cầu để đánh cắp bí mật kinh doanh như một phần của chiến dịch được cho là của chính phủ Trung Quốc.
Sau cáo trạng này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi chính phủ Mỹ "ngừng bôi nhọ Trung Quốc về an ninh mạng và rút lại các cáo buộc đối với các công dân Trung Quốc để tránh gây thiệt hại nghiêm trọng cho quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ".
Áp lực mạnh mẽ của Mỹ đối với Huawei cũng đã làm căng thẳng mối quan hệ giữa hai nước. Đáng nói, Washington đang thúc đẩy các đồng minh của Mỹ cấm Huawei tham gia vào mạng 5G, nói rằng thiết bị của họ có thể được chính phủ Trung Quốc sử dụng để làm gián điệp. Các công tố viên Mỹ cũng đã đưa ra cáo buộc chống lại Huawei và một trong những giám đốc điều hành hàng đầu của hãng cũng chịu cáo buộc gian lận ngân hàng và trốn lệnh phạt.
Về việc này, Huawei bác bỏ các tuyên bố rằng các sản phẩm của họ có rủi ro bảo mật và từ chối tất cả các khoản phạt của Hoa Kỳ.
Tin tặc ở Trung Quốc đang đặc biệt quan tâm đến các nhà khai thác viễn thông trên toàn thế giới, theo CrowdStrike. Đó là vấn đề nhạy cảm khi nhiều chính phủ ít nhiều chịu áp lực từ Hoa Kỳ, đang tranh luận liệu việc sử dụng thiết bị Huawei có gây rủi ro bảo mật hay không.
Các nhà khai thác viễn thông là mục tiêu phổ biến của tin tặc vì họ "có một lượng thông tin đáng kinh ngạc" của người dân và các tổ chức khác như chính phủ và doanh nghiệp.
Chính phủ Hoa Kỳ năm ngoái đã lên tiếng "tố" Trung Quốc đứng sau vụ hack chuỗi khách sạn Starwood của Marriott, gây ra nguy cơ làm lộ thông tin cá nhân của khoảng 500 triệu khách hàng.
Hồng Vân (Tổng hợp)