Tin giả về Covid-19 mọc "như nấm" trên mạng xã hội

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Tin giả về phong tỏa Hà Nội, bệnh nhân Covid-19 đi "tay vịn", khẩu trang nhập lậu,... tràn lan trên mạng xã hội cho thấy vẫn còn rất nhiều người là nạn nhân của tin giả, tin sai sự thật.

Tin giả về Covid-19 mọc như nấm trên mạng xã hội - 1

Đơn thuần là cú click chuột để chia sẻ các dòng tin tức, trạng thái trên mạng xã hội,... nhưng nhiều người không biết rằng mình đang tiếp tay cho kẻ phát tán thông tin xấu độc, sai sự thật.

Ngày 29/1/2021, chị M., một nhân viên văn phòng đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, giật mình trước một dòng chia sẻ trên Facebook, với nội dung cho biết "24h đêm mai sẽ phong tỏa Hà Nội", "các bạn về quê ăn Tết sớm đi nhé",...

Trước đó, chị M. và một số nhân viên trong phòng cũng "choáng" trước thông tin lịch trình di chuyển của một ca nhiễm Covid-19 ở Quảng Ninh, với chi tiết cho thấy người này đã đi nhiều nơi, thậm chí hát karaoke "tay vịn", tiếp xúc với nhiều người,...

Thông tin này được chị M. chia sẻ lại trên Facebook, khiến nhiều người khác cũng tỏ ra lo sợ, hoang mang. Tuy nhiên, điều bất ngờ là không một ai nhận ra rằng những thông tin này là hoàn toàn sai sự thật, không có kiểm chứng, và do các đối tượng xấu tự biên, đăng tải.

Thông tin giả về việc phong tỏa Hà Nội do Covid-19

Tin giả về Covid-19 mọc như nấm trên mạng xã hội - 2

(Ảnh: VAFC)

Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) ngày 29/1/2021 phát hiện thông tin: "24h đêm mai phong tỏa Hà Nội". Đây thực chất là ảnh chụp một đoạn chat từ người dùng có tên Thụy, đưa thông tin như sau:

"Các bạn về quê ăn Tết sớm đi nhé, không 24h đêm mai phong tỏa Hà Nội rồi nhé. Điện khẩn vừa báo xuống cho tôi xong tôi đi dựng rào từ đêm qua đến giờ".

Người này cũng khẳng định: "Hà Nội 24h đêm mai đóng hết cửa ngõ rồi", và đăng ảnh chụp một văn bản viết tay không rõ nội dung để làm dẫn chứng.

Qua kiểm tra, VAFC khẳng định đây là tin giả, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác chỉ đạo chống dịch Covid-19, gây hoang mang, bất ổn trong xã hội.

Thực tế cho thấy đến trưa ngày 30/1/2021, vẫn không hề có thông báo phong tỏa toàn bộ TP. Hà Nội như đoạn chat kia khẳng định. Duy nhất chỉ có tòa nhà T6 ở Times City tạm thời bị phong tỏa do phát hiện có cư dân dương tính với Covid-19 sinh sống ở tòa nhà.

VAFC cho biết sẽ chuyển cơ quan chức năng để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, đồng thời đề nghị cộng đồng mạng không lan truyền, chia sẻ tin giả này.

Không có bệnh nhân Covid-19 đi hát karaoke "tay vịn" như thông tin lan truyền

Tin giả về Covid-19 mọc như nấm trên mạng xã hội - 3

(Ảnh: VAFC)

Ngày 28/1/2021, trên mạng xã hội lan truyền một văn bản kê khai thông tin về lịch trình của một người được cho là nhiễm Covid-19 tên là Phạm Anh Tuấn ở Quảng Ninh, trong đó đáng chú ý là nội dung bệnh nhân khai đi hát karaoke "tay vịn".

Theo thông tin từ đại diện Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh cho biết, qua rà soát, tỉnh có 01 trường hợp tên P.A.T ở TP Cẩm Phả thuộc diện F1 hiện đang được cách ly tại Bệnh viện dã chiến số 2 Quảng Ninh. Anh T hiện đã được xét nghiệm và cho kết quả âm tính lần 1.

VAFC khẳng định nội dung tờ khai trên không phải do anh T hay cơ quan chức năng địa phương phát hành mà do các đối tượng xấu tự biên, đăng tải.

Tin giả "Khẩu trang tái chế nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam nghi có chứa Covid-19"

Tin giả về Covid-19 mọc như nấm trên mạng xã hội - 4

(Ảnh: VAFC)

Ngày 29/1/2021, VAFC cảnh báo bài viết với nội dung "Khẩu trang tái chế nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam nghi có chứa Covid. Bà con cẩn thận khi mua" từ tài khoản mạng xã hội Facebook tên "Huy Hung".

VAFC khẳng định thông tin trên là tin giả, không chính xác. Dẫu vậy tính từ thời điểm được đăng tải, bài viết đã có hàng trăm ngàn lượt chia sẻ, gây hoang mang trong dư luận.

Một dẫn chứng được VAFC đưa ra, đó là các hình ảnh trong bài đăng được lấy từ bài viết "Hình ảnh cửu vạn nườm nượp cõng hàng lậu vượt biên trái phép" của Báo Lao động ngày 16/1/2019 - thời điểm chưa có dịch Covid-19. Do đó, những thông tin và hình ảnh này là hoàn toàn vô căn cứ, được "thêu dệt" mà không có kiểm chứng.

"Đến nay cơ quan chức năng chưa có kết luận nào về việc khẩu trang tái chế, nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam có chứa Covid-19", VAFC cho biết.

Thông tin trước khi chia sẻ cần có sự kiểm chứng

Việt Nam đang bước vào đợt dịch mới, và cần có sự chung tay phòng chống dịch của mọi người dân trên cả nước. Trong đó, công tác thông tin, chia sẻ thông tin qua tin nhắn, trên mạng xã hội của mỗi người dân đóng vai trò quan trọng để có cái nhìn chính xác về diễn biến dịch Covid-19 tại Việt nam.

Trước sự việc có hàng loạt thông tin giả, không chính xác được lan truyền trên mạng xã hội, Trung tâm Xử lý Tin giả Việt Nam đề nghị cộng đồng cần cẩn trọng khi tiếp nhận và chia sẻ thông tin từ các nguồn tin không chính thức.

Để tiếp cận nguồn thông tin chính xác, người dùng nên đọc trên các trang báo điện tử uy tín tại Việt Nam, hoặc thông qua các bản tin thời sự trên Đài truyền hình VTV,... đồng thời tránh tiếp cận thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội mà chưa có kiểm chứng. 

Theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, việc mỗi cá nhân chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội, đưa thông tin không chính xác hoặc bịa đặt, làm nhiễu loạn, gây tâm lý hoang mang, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch có thể bị phạt đến 20 triệu đồng.