Tìm thấy một mẫu xương hàm của người tiền sử cách đây 2,8 triệu năm

(Dân trí) - Một mẫu hóa thạch xương hàm 2,8 triệu năm tuổi với năm chiếc răng còn nguyên vẹn đã được tìm thấy tại một sa mạc ở phía đông Ethiopia.

Các nhà khoa học đang nghiên cứu hoá thạch tại nơi phát hiện ra mẫu xương hàm 2,8 triệu năm
Các nhà khoa học đang nghiên cứu hoá thạch tại nơi phát hiện ra mẫu xương hàm 2,8 triệu năm

Theo Reuter, người phát hiện ra hóa thạch xương hàm nói trên là Chalachew Seyoum - sinh viên Ethiopia tốt nghiệp trường Đại học Arizona (Mỹ).

Phát hiện này có thể sẽ giúp thay đổi lịch sử phát triển của loài người, đẩy lùi lịch sử tiến hóa của nhân loại đến khoảng 400 nghìn năm. Vì trước đó, giới khoa học cho rằng những người tiền sử đầu tiên trên trái đất xuất hiện cách đây 2,4 triệu năm. Nơi tìm thấy bộ xương hàm trên cách khu vực phát hiện bộ xương hóa thạch của "Lucy" khoảng 40 dặm (64 km), một trong những hóa thạch nổi tiếng nhất của tổ tiên loài người, được phát hiện vào năm 1974.

Mẫu hoá thạch xương hàm của người tiền sử
Mẫu hoá thạch xương hàm của người tiền sử

Brian Villmoare, Nhà nghiên cứu ở Đại học Nevada Las Vegas, dẫn đầu nhóm nghiên cứu hóa thạch vừa tìm thấy cho biết: "Ba triệu năm trước đây, loài người tương đối giống khỉ, sống trên cây và đi bằng hai chân. Họ sống trong rừng, có bộ não nhỏ, không ăn thịt hay sử dụng công cụ. Sau hai triệu năm, loài người có bộ não lớn hơn, biết sử dụng công cụ và ăn thịt. Do đó, giai đoạn chuyển tiếp này cực kỳ quan trọng về mặt tiến hóa của con người".

Cấu trúc giải phẫu của hóa thạch mới, bao gồm các mặt trái của hàm dưới, cho thấy một mối quan hệ gần gũi với loài Homo sau này. Nó phát triển những đặc điểm bao gồm hình dạng răng và tỷ lệ hàm giúp phân biệt loài Homo dòng đầu với Australopithecus apelike (loài giống người vượn). 

"Mặc dù nó có thể là một loài mới, nhưng chúng tôi vẫn đang xem xét và nghiên cứu chi tiết hơn trước khi đặt tên cho loài này”. Giáo sư Brian Villmoare nói thêm.

Kiều Ngân