1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Tiểu trung tâm dữ liệu - xu hướng mới cho doanh nghiệp trong năm 2017

Trong thời đại kết nối toàn cầu hiện nay, các trung tâm dữ liệu (TTDL) ngày càng trở nên quan trọng hơn, được xem là “trái tim” của mỗi doanh nghiệp. Vậy thời gian qua, các doanh nghiệp tại Việt Nam đã và đang triển khai các giải pháp TTDL như thế nào? Đâu là những thách thức đặt ra cho họ trong năm 2017? - Chia sẻ của ông Huỳnh Phúc Yêm Quán, Tổng Giám đốc Schneider Electric IT Việt Nam.

Nhìn lại năm 2016, đánh giá của ông về thị trường TTDL tại Việt Nam?

Theo nhận định của tôi, 2016 là một năm đánh dấu nhiều bước chuyển biến quan trọng trong thị trường TTDL. Những vụ tấn công vào dữ liệu, không riêng tại Việt Nam, mà còn trên khắp thế giới, đã dấy lên mối lo ngại về tình hình an ninh mạng. Các vụ tấn công an ninh này, như trường hợp tin tặc tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài và thay đổi hoàn toàn thông tin dữ liệu, đã làm gián đoạn hoạt động của nhiều công ty trên thế giới, gây thiệt hại to lớn về kinh tế. Mức độ kết nối ngày càng cao của chúng ta hiện nay đang tạo ra ngày càng nhiều lỗ hổng để tin tặc có thể lợi dụng. Để đối phó với vấn đề này, các tổ chức đang đặt vấn đề an ninh bảo mật trong thiết kế trung tâm dữ liệu là ưu tiên hàng đầu, triển khai các cơ sở dữ liệu nằm ngoài mạng lưới để lưu trữ những thông tin có mức độ nhạy cảm cao - trong một số trường hợp, với hệ thống cấp nguồn và thiết bị kiểm soát nhiệt riêng.

Tiểu trung tâm dữ liệu - xu hướng mới cho doanh nghiệp trong năm 2017 - 1

Một xu hướng khác không thể không nhắc đến chính là sự phát triển không ngừng của điện toán đám mây và Internet of Things (IoT). Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp là đối tượng trước nhất được chứng kiến và cảm nhận việc IoT đã thay đổi cách thức vận hành của nền kinh tế toàn cầu. IoT đã được ứng dụng trong gần như tất cả mọi lĩnh vực, từ giao thông đô thị, thiết bị y tế, ô tô cho đến các thiết bị gia dụng . Lượng terabytes dữ liệu khổng lồ đã và đang được tạo ra, phân tích và lưu trữ tại những TTDL trên toàn thế giới. Cơ sở hạ tầng cho TTDL, cũng như các công cụ quản lý và phân tích dữ liệu kiểu truyền thống không được thiết kế cũng như không còn phù hợp để xử lý nổi khối lượng dữ liệu có cấu trúc phức tạp hoặc thâm chí không có cấu trúc nhất định được tạo ra bởi những thiết bị kết nối.

Những dự báo của ông về tình hình TTDL trong năm 2017? Đâu là những thách thức mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong năm nay?

Theo dự báo của Gartner, dữ liệu sẽ tăng 800% về dung lượng trong 5 năm tới và trong số đó, có tới 80% sẽ là dữ liệu phi cấu trúc. Loại dữ liệu này đòi hỏi nhiều kỹ thuật IT và tài nguyên phần cứng hơn. Khối lượng dữ liệu đồ sộ được tạo ra cũng đặt ra những thách thức mới cho các nhà hoạch định IT. Giờ đây các nhà quản lý TTDL cần phải xem xét việc làm thế nào để họ có thể vừa truyền tải và lưu trữ dữ liệu một cách an toàn, vừa đảm bảo hỗ trợ được chiến lược của các bên liên quan tại các đơn vị kinh doanh khác trong cùng một tổ chức.

Trong thời đại kết nối toàn cầu ngày nay, cơ sở hạ tầng ICT đang được định hình lại nhằm đáp ứng nhu cầu kết nối liên tục không ngừng của nhiều hệ thống lớn. Những tiến bộ trong công nghệ điện toán đã khơi dậy làn sóng mới về đổi mới máy chủ dưới dạng thức edge computing – điện toán tại biên. Được đánh giá rộng rãi là sẽ trở thành kiến trúc điện toán của tương lai, sự trỗi dậy của các nền tảng điện toán tại biên đã khiến nhiều doanh nghiệp phải nhanh chóng suy nghĩ lại về chiến lược trung tâm dữ liệu của mình khi họ phải cân nhắc giữa những thiết bị tích hợp, cổng kết nối hay các tiểu trung tâm dữ liệu dạng cắm-và-chạy (plug-and-play Micro data center).


Tiểu trung tâm dữ liệu dạng plug-and-play là một sự lựa chon hấp dẫn vì nó là mô hình điện toán lý tưởng cho những đám mây cá nhân và những hệ thống IT hội tụ

Tiểu trung tâm dữ liệu dạng plug-and-play là một sự lựa chon hấp dẫn vì nó là mô hình điện toán lý tưởng cho những đám mây cá nhân và những hệ thống IT hội tụ

Mặc dù các TTDL lớn sẽ tiếp tục cung cấp phần lớn năng lực tính toán, các trung tâm này sẽ ngày càng được hỗ trợ nhiều hơn nhờ các thiết bị cận biên và trung tâm dữ liệu lân cận, có khả năng cung cấp những nội dung và ứng dụng có độ trễ thấp cho người dùng hoặc hoạt động xử lý dữ liệu cũng như lô-gic cho các mạng IoT. Khi các trung tâm dữ liệu siêu nhỏ này hoạt động như những vệ tinh của một cơ sở trung tâm và phát triển nhanh chóng trong các trụ sở của công ty và các khu vực dân cư có mật độ cao, sự thành công của chúng sẽ phụ thuộc vào việc sử dụng các hệ thống thông minh, được tiêu chuẩn hóa và có thể được quản lý từ xa.

Schneider Electric sẽ đưa ra những giải pháp nào nhằm giúp doanh nghiệp giải quyết các thách thức này?

Chúng tôi đã nhìn nhận thấy sự trỗi dậy trong các ứng dụng điện toán biên đối với các ngành bán lẻ cũng như những ứng dụng công nghiệp, và chúng tôi tin rằng nhu cầu đối với điện toán biên sẽ chỉ ngày càng gia tăng khi IoT lan rộng tới tận các ứng dụng thương mại. Đối với những ngành công nghiệp có nhu cầu chia sẻ và phân tích một lượng dữ liệu ngày càng tăng – như ngành bán lẻ, sản xuất và ngành viễn thông – tiểu trung tâm dữ liệu hay Micro data center là một sự lựa chọn hấp dẫn vì nó là mô hình điện toán lý tưởng cho những đám mây cá nhân và những hệ thống IT hội tụ. Bản chất mô đun của Micro data center cho phép nó nhanh chóng bổ sung năng lực điện toán khi cần, giảm độ trễ và mang lại một môi trường an toàn cho việc chạy các ứng dụng của khách hàng. Hơn nữa, vì được dựng sẵn nên chúng còn giúp giảm thiểu chi phí cài đặt và vận hành – có thể giúp giảm tới 50% chi phí trên mỗi watt điện tiêu thụ.


Thiết kế mô đun cho phép các tiểu TTDL có thể được đóng gói và lắp đặt tại bất cứ môi trường làm việc nào, đồng thời dễ dàng được điều chỉnh nâng cấp theo nhu cầu

Thiết kế mô đun cho phép các tiểu TTDL có thể được đóng gói và lắp đặt tại bất cứ môi trường làm việc nào, đồng thời dễ dàng được điều chỉnh nâng cấp theo nhu cầu

Micro data center đã từng được tạo ra từ cách đây một vài năm, nhưng thường dưới dạng vụ việc. Bằng cách hợp tác với các nhà cung cấp và tạo ra một kiến trúc nhất quán và chuẩn hóa, các doanh nghiệp có thể lấy lại quyền kiểm soát các tài sản quan trọng này và tăng khả năng dịch vụ IT đặc thù cho từng điểm một cách nhanh chóng, nhưng vẫn giảm thiểu được rủi ro và chi phí hoạt động, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ.

Trong năm vừa qua Schneider Electric đã công bố bộ giải pháp mới về Micro data center. Đây là bộ giải pháp lý tưởng cho những khách hàng có nhu cầu giảm thiểu độ trễ về truyền dẫn dữ liệu và nhanh chóng tăng công suất hoạt động của hệ thống IT nhưng vẫn đảm bảo một môi trường an toàn và dễ quản lý. Được cấu hình trọn vẹn trong một tủ rack duy nhất, tiểu TTDL này mang lại nhiều lợi ích nhờ tích hợp trọn gói về cấp và dự phòng nguồn, làm mát và phần mềm quản lý hạ tầng, hỗ trợ lý tưởng cho việc thiết lập một môi trường điện toán an toàn và khép kín. Thông qua giải pháp mới này, Schneider Electric giúp giải quyết được những thách thức về độ trễ, băng thông và tốc độ xử lý dữ liệu mà khách hàng đang phải đối mặt nhằm theo kịp tốc độ phát triển của các thiết bị kết nối cũng như các ứng dụng dữ liệu. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển các ứng dụng và giải pháp Micro data center trong năm 2017.

Linh Sơn