1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Thương mại điện tử Việt Nam nhắm mốc 15 tỷ USD, AI sẽ là "canh bạc" lớn?

(Dân trí) - Các chuyên gia dự đoán ngành thương mại điện tử Việt Nam vượt qua mọi dự đoán và đã đạt quy mô 8 tỷ USD năm 2018 và nhắm mốc 15 tỷ USD vào năm 2020.

Tại Hội thảo Các vấn đề chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế số Việt Nam do Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức mới đây, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cho biết tăng trưởng của ngành thương mại điện tử trong năm 2018 đã đạt khoảng 30%. Cụ thể, doanh thu ngành thương mại điện tử năm 2018 đạt khoảng 8 tỉ USD, vượt xa so với doanh thu  năm 2016 và 2017 lần lượt là 5 tỉ USD và 6,2 tỉ USD.

Bộ Công Thương dự báo quy mô thương mại điện tử Việt Nam đến năm 2020 có thể lên mức 13 - 15 tỉ USD. Trước đó, mức dự báo của ngành này chỉ ở mức 10 tỉ USD.

Ước tính và dự đoán trên hoàn toàn có cơ sở khi mà theo thống kê mới nhất cho thấy hiện Việt Nam có 67% người dùng Internet đã từng mua hàng trực tuyến ít nhất 1 lần.

Mới đây, Google và quỹ đầu tư Temasek đưa ra báo cáo đánh giá Việt Nam là thị trường phát triển nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng bình quân 43% và dự kiến sẽ đạt quy mô 15 tỉ USD, là thị trường lớn thứ hai khu vực vào năm 2025. Hiện tại nền kinh tế Internet của Việt Nam đang xếp thứ 3 trong khu vực về quy mô, sau Indonesia và Thái Lan.

Với thị trường tiềm năng với gần 100 triệu dân, Việt Nam đang là “mảnh đất hứa” của nhiều ông lớn trong lĩnh vực thương mại điên tử. Chỉ sau 5 năm nổi lên, Việt Nam đã đón nhận hàng loạt “đại gia” trong lĩnh vực thương mại điện tử lớn trong khu vực, như Lazada, Shopee hay Tiki. Trong Top 10 doanh nghiệp thương mại điện tử có lượng truy cập lớn nhất Việt Nam, chỉ có Thế giới di động, Điện Máy Xanh, Adayroi là những cái tên “thuần Việt”.

Kết quả từ báo cáo của iPrice cho thấy, nhu cầu mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng Việt Nam là rất lớn và sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ trong các năm tới. Tuy nhiên, để thắng thế trong cuộc chạy đua giành giật khách hàng là bài toán không hề dễ dàng với bất kỳ ông lớn nào.

Chia sẻ tại một buổi Talkshow tại trường Đại học Fullbright Việt Nam, ông Lê Hồng Minh, CEO của VNG Group, cho rằng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào mảng bán lẻ thương mại điện tử là một yếu tố rất quan trọng của thị trường bán lẻ tại Việt Nam.

CEO Lê Hồng Minh tại Đại học Fullbright-13.jpg

Ông Lê Hồng Minh, CEO của VNG Corporation trong buổi chia sẻ với sinh viên trường Đại học Fullbright Việt Nam.

Theo ông Minh, bán lẻ truyền thống sẽ mất nhiều thời gian đối với chuỗi cung cấp hàng hoá, khó để mở rộng và phát triển, tốn nhiều chi phí hơn. Trong khi đó, với AI, việc tự động hoá sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian. “Những công ty nào làm được việc đó sẽ trở thành những công ty bán lẻ thành công”, CEO VNG chia sẻ. “Hiện tại trên thế giới có 2 công ty làm tốt được việc này là Wallmart, Amazon. Wallmart đã ứng dụng công nghệ từ cách đây 40 năm, sử dụng công nghệ thu thập các thông tin từ các cửa hàng để tổng hợp và đưa ra những giải pháp điều phối tối ưu nguồn hàng của trong chuỗi cung ứng của họ. Bên cạnh đó, khoảng từ 20% doanh thu của Amazon đến từ một thuật toán, đó là việc sau khi khách hàng mua 1 sản phẩm, hệ thống sẽ đưa ra những gợi ý sản phẩm phù hợp khác với người mua - đó chính là AI. Đó là ví dụ cho 1 loại thông tin mà có thể ứng dụng trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Theo ông Minh, trong vòng 10 năm tới, tại Việt Nam, những doanh nghiệp nào có thể tự động hoá chuỗi giá trị này sẽ giành chiến thắng. Và, sau tự động hoá, là khả năng ứng dụng các công nghệ khác.

Chuyên gia Charles Ng - Phó chủ tịch mảng AI doanh nghiệp thuộc công ty Appier tại Việt Nam, cũng cho rằng AI hiện đang có tốc độ phát triển nhanh trong nhiều lĩnh vực mà nó có thể giúp giải quyết các vấn đề một cách dễ dàng. Lĩnh vực tiếp thị ở Việt Nam chính là mảnh đất màu mỡ để ứng dụng AI.

CEO của sàn thương mại điện tử Tiki là ông Trần Ngọc Thái Sơn từng chia sẻ, công ty này đã thiết lập một nhóm kĩ sư chuyên nghiên cứu AI để ứng dụng vào hoạt động marketing cả sản phẩm lẫn thương hiệu, giúp quảng bá sản phẩm theo thời gian thực, cá nhân hóa các thông điệp quảng cáo, các banner quảng cáo sản phẩm có thể tự “chạy” theo các khách hàng mục tiêu khi họ online.v.v...

Screen Shot 2019-03-11 at 16.35.40.png

AI đưa ra các gợi ý về những món đồ phù hợp với từng đối tượng người dùng.

Dạo quanh các trang thương mại điện tử Việt Nam hiện nay cũng có thể thấy các ông lớn, như Lazada, Shopee, Tiki, Adayroi... đã ứng dụng AI vào thương mại điện tử. Ví dụ khi một người phụ nữ thường tìm kiếm thông tin về đồng hồ trên Google thì ngay lập tức AI sẽ phân tích và suy luận logic về các hành vi online của người đó và những thông tin liên quan đến đồng hồ được liên kết với các trang thương mại điện tử để người dùng có thể tìm kiếm và mua theo nhu cầu.

Tuy nhiên, theo ông Charles Ng, thách thức lớn nhất mà các nhà tiếp thị và các doanh nghiệp tại Việt Nam phải vượt qua khi áp dụng AI chính là vấn đề xây dựng hệ thống dữ liệu cần thiết. Nguồn dữ liệu lớn lưu trữ trên đám mây chính là cơ sở để AI phân tích, nghiên cứu đưa ra các giải pháp phù hợp.

Khôi Linh