Thương mại điện tử bùng nổ ở Việt Nam, nhưng còn nhiều thách thức
(Dân trí) - Dự đoán giai đoạn 2022 - 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường TMĐT Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức 15 - 18%.
Trong những năm gần đây, chúng ta đã quá quen thuộc với khẩu hiệu "Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu". Thế nhưng trong quá trình tưởng như tất yếu này, vẫn còn tồn đọng nhiều khó khăn chưa thể tháo gỡ, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Thương mại điện tử tiếp tục bùng nổ ở Việt Nam
Tại Diễn đàn "Chuyển đổi số: Nhanh hơn, thông minh hơn và xanh hơn" diễn ra ngày 21/3, ông Bùi Trung Kiên Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đánh giá tốc độ tăng trưởng TMĐT ở Việt Nam vẫn ở mức ấn tượng, dù không đột biến như giai đoạn xảy ra Covid-19.
Cụ thể vào năm 2021 - 2022, tăng trưởng TMĐT ở Việt Nam vẫn đạt từ 18 - 20%. Dự đoán giai đoạn 2022 - 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường TMĐT Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức 15 - 18%.
"Điều đó cho thấy đây là một xu hướng đã thay đổi nhận thức và nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng", ông Kiên khẳng định.
Trên thực tế, mở rộng thương mại điện tử đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, vì mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và khách hàng thông qua việc tạo ra các trải nghiệm mua sắm trực tuyến tốt hơn.
Dần theo thời gian, chúng ta được làm quen với các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu, chatbot... ứng dụng trong quản lý dữ liệu khách hàng, lên đơn hàng, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, đẩy nhanh thời gian thực hiện giao dịch...
Những tính năng này đã góp phần giảm chi phí và tăng mức độ hiệu quả, đặc biệt là trong hoạt động tiếp thị, thanh toán trực tuyến…
Cùng bằng cách sử dụng công nghệ số, nhà sản xuất giờ đây có thể tối ưu hóa quy trình, theo dõi và quản lý hoạt động của mình một cách chính xác và hiệu quả hơn, từ đó giảm thiểu lượng chất thải, hàng tồn kho, thất thoát trong vận chuyển, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên; phát hiện sớm và ngăn chặn các nguy cơ môi trường, giảm thiểu sự cố…
Tại diễn đàn, ông Đặng Anh Dũng, Phó Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam đánh giá Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới của chuyển đổi số trên TMĐT, với tốc độ tăng trưởng thuộc hàng cao nhất thế giới.
"Trong năm 2022, GPD của TMĐT Việt Nam tăng trưởng 27%, với 60% dân số tham gia mua sắm online", ông Dũng chia sẻ.
Trước đó, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam cũng thông tin cho biết, đang có một sự dịch chuyển rõ rệt về nhu cầu mua sắm trong những năm gần đây tại thị trường Việt Nam.
Theo đó, thay vì chờ đợi đến dịp lễ hội cuối năm, người dùng có xu hướng chi tiêu theo nhu cầu chính đáng của bản thân và gia đình trên các nền tảng mua sắm trực tuyến.
Nhiều thách thức còn tồn đọng
Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực và đạt được những bước tiến quan trọng trong chuyển đổi số, cụ thể là lĩnh vực thương mại điện tử, song Việt Nam vẫn cần giải quyết nhiều thách thức để đảm bảo sự thành công của quá trình này, cũng như để đảm bảo lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Theo ông Kiên, ví bảo mật hay các dịch vụ thanh toán trực tuyến tại Việt Nam giờ đây đã có được lớp bảo mật theo quy chuẩn quốc tế. Nhưng bên cạnh đó, rủi ro vẫn còn tồn tại và xuất hiện trong quá trình sử dụng của người dùng.
Điển hình là rất nhiều vụ việc xảy ra thời gian gần đây khi hacker lợi dụng sự cả tin, thiếu kiến thức của người dùng để dẫn họ tới website giả mạo, hack mất mã OTP, mất mật khẩu trên thiết bị...
"Việc tăng cường an ninh mạng để bảo vệ dữ liệu quan trọng, thông tin cá nhân và tài sản kỹ thuật số là rất quan trọng để tránh các cuộc tấn công mạng và lừa đảo", ông Kiên cho biết.
Đại diện của Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho rằng, các tổ chức trực tuyến, sàn thương mại cần chủ động hơn trong việc hướng dẫn, truyền thông cho người dùng cách thức nhận biết và kỹ năng để phòng ngừa rủi ro khi tham gia môi trường mạng.
Bên cạnh mối lo về bảo mật, sự thiếu hụt nhân lực an ninh mạng cũng là nỗi "ám ảnh" cho các doanh nghiệp công nghệ số không chỉ ở Việt Nam, mà ở toàn khu vực Đông Nam Á.
Theo số liệu được Kaspersky công bố đầu tháng 3, chỉ có 5% lãnh đạo doanh nghiệp xác nhận rằng họ có khả năng ứng phó sự cố nội bộ, có đội ngũ CNTT hoặc nhà cung cấp dịch vụ thường xuyên để tìm ra cuộc tấn công ransomware.
Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp cũng trông đợi sự hỗ trợ từ Chính phủ thông qua việc ban hành các chính sách thuận lợi, cung cấp các gói hỗ trợ tài chính và đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu của quá trình thúc đẩy thương mại điện tử nói riêng, và chuyển đổi số nói chung.