1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Thuê bao di động trả trước: Chuyện ngày càng khôi hài

Kết quả của đợt cao điểm ra quân thanh tra diện rộng quản lý thuê bao di động trả trước cho thấy, có tới 88% các chi nhánh của doanh nghiệp, 90% các điểm đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước có sai phạm.

Nhiều cửa hàng vẫn bán sim đã kích hoạt. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Nhiều cửa hàng vẫn bán sim đã kích hoạt. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Tuy cơ quan chức năng đã xử phạt tổng số tiền gần 2 tỷ đồng, song sẽ chỉ là “ném đá ao bèo” nếu không có một “bàn tay sắt” cương quyết hơn để chấn chỉnh tình trạng lộn xộn này.

Cứ kiểm tra là thấy sai

Tại báo cáo Tổng kết Thanh tra diện rộng quản lý thuê bao di động trả trước, ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, nhằm siết việc thuê bao trả trước tràn lan, Bộ Thông tin đã ban hành Thông tư 04 (có hiệu lực từ 1/6/2012) về quản lý thông tin thuê bao di động trả trước và Thông tư 14 (hiệu lực từ 1/1/2013) về quy định giá cước dịch vụ thông tin di động mặt đất.

Song, có vẻ như đa phần các doanh nghiệp, chi nhánh của doanh nghiệp và các đại lý đều qua mặt pháp luật. Kiểm tra tại các doanh nghiệp và 29.377 điểm đăng ký thông tin thuê bao di động trên cả nước, những sai phạm mà cơ quan chức năng gặp phải khá phổ biến như thông tin thuê bao không có ảnh chứng minh nhân dân, hộ chiếu. Nhiều ảnh chứng minh nhân dân bị nhòe, không thể đọc được; ảnh chứng minh bị sửa bởi photoshop, cùng ảnh chứng minh nhưng bị ghép các ảnh chân dung khác nhau.

Thậm chí, có nhiều thuê bao đăng ký với những cái tên “không tưởng” như AADS, asd, jjj (của VinaPhone), Khong Chinh Chu, A B C, Avio Việt Nam (Viettel)… cũng được chấp nhận để kích hoạt.

Ngoài ra, các vi phạm phổ biến thường gặp là ảnh chứng minh thư lưu trên hệ thống của nhiều thuê bao di động trả trước là ảnh người uống bia, em bé, phong cảnh…; nhiều nơi chấp nhận giấy tờ không phải là chứng minh nhân dân hoặc chứng minh nhân dân đã hết hạn để đăng ký.

Thêm vào đó, tình trạng dùng một ảnh chứng minh thư để đăng ký nhiều sim sinh viên cũng diễn ra phổ biến (dù quy định là một sinh viên chỉ được đăng ký một sim sinh viên). Ví dụ như MobiFone có rất nhiều sim sinh viên có thông tin chủ thuê bao không chính xác, sử dụng chứng minh thư và thẻ sinh viên giả mạo. Ví dụ như từ ngày 1/6/2012-30/6/2013, tài khoản 1284725158 đã đăng ký thông tin cho 18.035 thuê bao sinh viên. Hàng loạt thuê bao có thông tin cá nhân giống nhau được đăng ký cùng ngày, chỉ thay đổi một chữ số trong chứng minh thư nhân dân.

Mạng Vietnamobile và Gtel thận chí còn nạp sẵn tiền vào tài khoản sim chưa đăng ký thông tin, các thuê bao đăng ký thông tin nhưng sau 72 giờ nếu không kích hoạt sử dụng vẫn không bị hủy.

Bên cạnh các sai phạm trên còn có các sai phạm như chưa có biển hiệu, không có máy tính kết nối với doanh nghiệp, còn 7.753 phường, xã chưa triển khai ít nhất một điểm đăng ký thông tin thuê bao…

"Mỗi người dân là hơn 1 thuê bao"

Trên thực tế, thị trường viễn thông những năm gần đây chứng kiến cuộc đua tranh hết sức khốc liệt của các nhà mạng. Cho đến tháng 10, tổng thuê bao di động của Việt Nam đã đạt tới con số 120.585.695 thuê bao. Như vậy, tính trung bình mỗi người dân Việt Nam (từ cụ già đến em nhỏ vừa sinh) sở hữu hơn 1,3 sim điện thoại di động.

Việc thị trường chật hẹp đã khiến các doanh nghiệp một mặt phải nâng cao mạng lưới, mở rộng vùng phủ sóng, đa dạng hóa dịch vụ…, một mặt phải liên tục triển khai các chương trình nạp thẻ, hạ giá thành sản phẩm, tạo mọi điệu kiện để khách hàng sử dụng dịch vụ một cách nhanh nhất để hút thuê bao.

Nhưng, việc này cũng khiến câu chuyện quản lý thuê bao di động gặp khó khăn khi nhiều cá nhân lợi dụng danh nghĩa là tổ chức, doanh nghiệp để đứng tên sở hữu hàng chục nghìn thuê bao, sử dụng sim trả trước là công cụ, phương thức để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như đe dọa, quấy rối, lừa đảo, trộm cắp cước viễn thông quốc tế, phát tán tin nhắn rác…

Bằng chứng là trong đợt thanh tra vừa qua, các trung tâm, điểm giao dịch thuộc doanh nghiệp di động vi phạm về quy trình tiếp nhận, đăng ký, lưu giữ thông tin thuê bao ở mức độ khác nhau. Có trung tâm có tỷ lệ đăng ký sai thông tin đến 88%. Tại các đại lý, điểm đăng ký thông tin thuê bao thì có tới 90% số các điểm được thanh tra đều vi phạm về quy trình đăng ký thông tin.

“Tổng số tiền xử phạt của đợt thanh tra diện rộng là gần 2 tỷ đồng, tịch thu gần 35.000 sim thuê bao di động trả trước,” ông Trí nói.

Con số tiền phạt có vẻ lớn, nhất là đoàn kiểm tra đang dừng lại ở 29.377 điểm đăng ký thông tin, đại lý được kiểm tra trên tổng số 48.420 điểm giao dịch của nhà mạng trên toàn quốc, song có lẽ nó lại quá nhỏ với những món lợi khổng lồ mà người ta có thể thu được nhờ vào việc lách luật.

Thử hỏi, chỉ trong tháng 11 và 12 năm 2012 (trước thời điểm Thông tư 14 có hiệu lực), mạng di động VinaPhone đã có gần 7,6 triệu thuê bao đăng ký mới; Viettel là hơn 11,5 triệu thuê bao và MobiFone là hơn 18 triệu thuê bao, liệu nhà mạng dùng “phép thần” gì để hút lượng thuê bao đột biến đến như vậy?

Để quản lý tốt hơn nữa, ông Trí kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Bộ Công an khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về chứng minh thư nhân dân thống nhất trong cả nước, giúp việc quản lý thuê bao trả trước chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi, các cấp cần tiếp tục trên đà này để tiến hành thanh tra một cách thường xuyên hơn nữa nhằm chấn chỉnh tình trạng sim rác ngập phố. Cho dù, việc xử phạt bao giờ cũng là “hạ sách” bởi sẽ rất khó để “xuể” nếu bản thân doanh nghiệp không có ý thức chấp hành tốt pháp luật.

Có như vậy, đợt thanh tra diện rộng vừa qua mới tiếp tục phát huy hiệu quả, tránh tình trạng sim rác bùng phát trở lại. Nếu không, nỗ lực vừa qua cũng chỉ là "ném đá ao bèo." Và thực tế "mỗi người dân là hơn 1 thuê bao" vẫn là câu chuyện không hồi kết…/.

Theo Trung Hiền

VietNamplus