1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Thủ tướng: Truyền thông phải đi đầu, không phải đi theo

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao kết quả đã đạt được của Bộ TT&TT trong năm 2022, nhưng đồng thời cũng nêu ra một số hạn chế, bất cập cần khắc phục.

Thủ tướng: Truyền thông phải đi đầu, không phải đi theo - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính (giữa) trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Ảnh: Hữu Nghị).

Sáng nay (18/12) tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Hội nghị có mục tiêu đánh giá những thành tựu của ngành CNTT trong năm 2022 đồng thời trao đổi những kế hoạch, nhiệm vụ sẽ thực hiện trong năm 2023, cũng như định hướng giai đoạn 2023 - 2025.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính khẳng định truyền thông là một trong lĩnh vực có vị trí hết sức quan trọng và ngày càng cần thiết hơn trong công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 

"Truyền thông phải đi đầu, không phải đi theo", Thủ tướng nhấn mạnh. "Truyền thông cần là một trong những động lực truyền cảm hứng cho sự phát triển và đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong kỷ nguyên số".

Thủ tướng đánh giá cao kết quả đã đạt được của Bộ TT&TT trong năm 2022, đồng thời khen ngợi việc thực hiện nghiêm các chủ trương đường lối của Đảng và nhà nước, có sự nỗ lực phấn đấu vươn lên, vượt qua khó khăn.

Dẫu vậy, Thủ tướng cũng nhận định rằng Bộ TT&TT còn nhiều hạn chế, cần phải cố gắng hơn nữa. Một trong số đó là nhận thức và tổ chức về công tác truyền thông chưa thực sự ngang tầm, chưa đáp ứng nhu cầu từ đòi hỏi thực tiễn. 

Thủ tướng: Truyền thông phải đi đầu, không phải đi theo - 2

Thủ tướng đánh giá cao vai trò và thành tích của ngành TT&TT trong năm 2022, đồng thời chỉ ra những nhược điểm cần khắc phục (Ảnh: Hữu Nghị).

Cùng với đó, Thủ tướng đánh giá chuyển đổi số đã đạt được những tín hiệu tích cực, nhưng chưa thực sự đột phá về tư duy, xếp hạng, cũng như còn khá xa so với mục tiêu nhóm 50 nước dẫn đầu vào năm 2026. 

Mặt khác, dù nền kinh tế số có tăng nhưng dịch vụ viễn thông, dịch vụ chuyển đổi số chưa nhiều, nền tảng số, kinh doanh trực tuyến còn hạn chế, số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính rời rạc, chưa có sự thống nhất, dịch vụ công trực tuyến chưa đáp ứng được nhu cầu.

Sang tới năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam sẽ còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do những tác động từ bên ngoài và biến động kinh tế - xã hội từ bên trong. "Cần xác định còn nhiều khó khăn thách thức hơn thuận lợi. Điều đó đòi hỏi chúng ta chủ động sáng tạo, chủ động tích cực để hoàn thành tốt được giao", Thủ tướng chỉ đạo.

Tiếp lời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trong năm 2022, Bộ TT&TT đã tập trung vào các chiến lược quốc gia cho từng lĩnh vực, hướng tới mục tiêu đẩy nhanh, rút ngắn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công nghiệp - công nghệ số trở thành công nghiệp nền tảng.

"2022 là năm 'tổng tiến công' của chuyển đổi số", Bộ trưởng Hùng nhận định. "Chuyển đổi số trở thành toàn dân và toàn diện với việc tất cả các bộ ngành và địa phương đã ban hành nghị quyết và chương trình chuyển đổi số, 500 triệu tài khoản sử dụng các nền tảng số Việt Nam là một con số lớn".

Thủ tướng: Truyền thông phải đi đầu, không phải đi theo - 3

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 (Ảnh: Hữu Nghị).

Hướng đến năm 2023, Bộ trưởng Hùng cho biết 2023 sẽ là năm dữ liệu. Đó là bảo vệ dữ liệu cá nhân, là công bố và xây dựng các cơ sở liệu cấp bộ ngành và địa phương, là mở dữ liệu để kết nối chia sẻ, an toàn dữ liệu…

Người đứng đầu Bộ TT&TT nhấn mạnh: "Năm 2022 cũng là lần đầu tiên mà cán bộ, nhân viên nhận nhiệm vụ mới ở bộ đã hứa, sau một năm nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì chủ động xin từ chức, 'nhường chỗ' cho người khác trong năm tới".

"Bộ TT&TT sẽ cầm nhịp về năm dữ liệu, tạo ra sự thay đổi căn bản về dữ liệu Việt Nam, tạo ra dữ liệu và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới và sự khác biệt căn bản của chuyển đổi số", Bộ trưởng Hùng phát biểu.

Những điểm sáng trong năm 2022 của ngành TT&TT

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động khó lường, Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng trong lĩnh vực CNTT, đạt được thêm nhiều kết quả quan trọng.

Đáng chú ý nhất phải kể tới công cuộc chuyển đổi số quốc gia do ngành TT&TT chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện ngày càng được lan tỏa sâu rộng trên phạm vi toàn quốc với mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh để vươn ra thế giới.

Ở lĩnh vực bưu chính viễn thông, những đổi mới trong chỉ đạo, điều hành đã mang lại hiệu quả khi ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý được áp dụng. Sản lượng bưu gửi tăng 38%, doanh thu dịch vụ bưu chính tăng 16%, đóng góp vào GDP của lĩnh vực Bưu chính tăng 16%.

Ở lĩnh vực viễn thông, năm 2022 đã ghi nhận các doanh nghiệp viễn thông chuyển đổi từ hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số; từ nhà cung cấp dịch vụ Viễn thông thành nhà cung cấp hạ tầng số như dịch vụ, nhà cung cấp nền tảng số.

Cùng với đó, bộ TT&TT cũng đã bước đầu xử lý các vấn đề tồn tại lâu năm, đem lại lợi ích chung cho cộng đồng, như vấn nạn SIM kích hoạt sẵn, SIM có thông tin thuê bao không chính xác, doanh nghiệp sai phạm. 

Báo cáo năm 2022 ước tính doanh thu dịch vụ Viễn thông đạt 138.000 tỷ đồng, tăng 1,6% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế năm 2022 ước đạt 44.500 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2021.

Thủ tướng: Truyền thông phải đi đầu, không phải đi theo - 4

Báo cáo năm 2022 của Bộ TT&TT cho biết doanh thu dịch vụ Viễn thông đạt 138.000 tỷ đồng (Ảnh minh họa: VNPT).

Thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone ước đạt 75,8%, tăng 1,4% so với năm 2021. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang tính đến tháng 12/2022 ước đạt 74,5% xấp xỉ đạt mục tiêu kế hoạch đề ra năm 2022 là 75% tăng 7,5 %, so với cùng kỳ năm 2021.

Ở lĩnh vực an toàn thông tin mạng, Bộ TT&TT chuyển đổi từ rà soát, bóc gỡ mã độc lây nhiễm trên thiết bị sang chủ động ngăn chặn từ nguồn phát tán mã độc. Giúp tỷ lệ giảm lây nhiễm gấp 3 lần so với tỷ lệ giảm trung bình các năm trước. Đối với việc ngăn chặn lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng, Bộ TT&TT chuyển từ tuyên truyền, cảnh báo người dùng sang điều hướng, ngăn chặn truy cập vào các website lừa đảo.

Về nhân lực, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục khẳng định được vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, cho thấy khả năng làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm.

Về công tác truyền thông, báo chí, ngành TT&TT tiếp tục khẳng định được vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo sự đồng thuận.

Đáng chú ý, Bộ TT&TT lần đầu tiên đạt được những kết quả mang tính đột phá trong đấu tranh với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới (Facebook, YouTube, Google, Tiktok…), buộc các nền tảng này phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, xóa bỏ và ngăn chặn thông tin độc hại, nâng tỷ lệ xóa, chặn thông tin xấu độc trên 90%.

Cùng với đó là siết chặt quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam đạt được những dấu ấn rõ nét, chấn chỉnh tình trạng "báo chí hóa", "tư nhân hóa" trang tin và mạng xã hội.

Năm 2022, báo cáo từ Bộ TT&TT cho biết doanh thu toàn ngành TT&TT ước đạt 3.893.595 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2021 và gấp 1,5 lần so với dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 của cả nước. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 98.982,30 tỷ đồng, tăng 24,7% so với năm 2021. 

Tổng số lao động toàn ngành năm 2022 là 1,5 triệu lao động, tăng 5% so với năm 2021. Năng suất lao động ngành TT&TT (tính theo đóng góp vào GDP) ước đạt khoảng 648 triệu đồng, tốc độ tăng năng suất lao động là 6,7% so với năm 2021. 

Còn nhiều bất cập, khó khăn

Như Thủ tướng Chính phủ đã đề cập, bên cạnh những điểm sáng đáng chú ý, ngành TT&TT trong năm 2022 vẫn còn những khó khăn, vướng mắc được nêu ra tại Hội nghị. Tuy nhiên đi kèm với đó là những giải pháp tức thời nhằm quán triệt bất cập, hạn chế.

Cụ thể, trước tình hình doanh nghiệp lợi dụng chính sách giảm giá/khuyến mại, để cung cấp dịch vụ bưu chính với giá thấp, Bộ TT&TT nêu giải pháp phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan để thực thi nghiêm các quy định, xử phạt các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá theo quy định.

Về vấn đề triển khai đấu giá tần số, kho số, tên miền, cũng như tình hình SIM không chính chủ, Bộ TT&TT đề xuất phương án khẩn trương trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đồng thời quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ để giải quyết.

Về vấn đề nhân lực chuyển đổi số, đặc biệt trong các cơ quan nhà nước, Bộ TT&TT trình giải pháp đầu tư nguồn lực, đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cán bộ chuyên trách tham mưu chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, đồng thời ưu tiên hình thức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến qua Nền tảng học trực tuyến.

Hướng tới 2023, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu bật quan điểm "Nhà nước mở đường - người đi trước kéo người đi sau", đồng thời cho biết Việt Nam đón nhận những chuyển dịch quan trọng trong 10 năm tới.

Đó sẽ là sự chuyển dịch từ CNTT sang công nghệ số, từ ứng dụng CNTT sang chuyển đổi số, từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số, từ gia công phần mềm sang "Make in Vietnam", công nghệ trở thành lực lượng sản xuất cơ bản, người đứng đầu ngành TT&TT khẳng định.