Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam cần tiến hành số hoá quốc gia càng nhanh càng tốt

(Dân trí) - Sáng nay, ngày 8/9/2018, tại trụ sở Bộ TT&TT, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến làm việc với Bộ TT&TT. Thủ tướng nhận xét CMCN 4.0 tạo ra thách thức lớn cho nhiều cơ quan quản lý nhà nước trên thế giới, ngay cả ở các nước phát triển. Thủ tướng cho rằng Việt Nam cần tiến hành số hoá quốc gia càng nhanh càng tốt.

Tham dự buổi làm việc có ông Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban tuyên giáo Trung Ương và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Uỷ viên TW Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT kiêm Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc những nội dung cơ bản về hoạt động của Bộ TT&TT trong thời gian qua.

Quyền Bộ trưởng cho hay, Bộ TT&TT là một Bộ quản lý đa lĩnh vực tập trung vào hai nhiệm vụ chính là Công nghệ và Tuyên truyền. Về mảng công nghệ, Bộ TT&TT là một bộ quản lý về công nghệ, công nghiệp thông tin và Truyền thông, điện tử viễn thông đã đóng góp một phần rất lớn trong nền kinh tế đất nước (doanh thu toàn ngành năm 2017 là 100 tỷ USD).

Đồng thời, là Bộ quản lý Nhà nước về báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử; xuất bản, in và phát hành. Đây chính là một công cụ quan trọng của Đảng, Nhà nước để tạo nên niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội, khơi dậy khát vọng và tự hào dân tộc, nhằm cổ vũ và nâng cao sức mạnh tinh thần của đất nước.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc tại Bộ TT&TT sáng nay, 8/9.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc tại Bộ TT&TT sáng nay, 8/9.

Ông Hùng nhấn mạnh, thời gian qua, ngành TT&TT ngày càng khẳng định vị trí và vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội, có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

Với lĩnh vực viễn thông, Bộ TT&TT đã làm tốt vai trò kiến tạo, thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường viễn thông trên nguyên tắc đảm bảo sự cân bằng lợi ích giữa xã hội, nhà nước và doanh nghiệp. Các cơ chế, chính sách ban hành đã phát huy được nội lực, đảm bảo tính tự lực tự cường làm nền tảng cho sự phát triển và sự lớn mạnh của doanh nghiệp ngành TT&TT Việt Nam. Các doanh nghiệp viễn thông đã đầu tư, xây dựng tạo lập cơ sở hạ tầng mạng lưới tốc độ cao, băng thông rộng, diện phủ lớn. Gần 1 triệu km cáp quang đã được triển khai đến tận thôn, bản, xã, phường của 63/63 tỉnh/thành phố trên cả nước và Việt Nam trở thành một trong những nước có tỷ lệ quang hoá cao nhất thế giới; sóng di động đã phủ tới 99,5% dân số (trong đó vùng phủ 3G, 4G phục vụ 98% dân số); hình thành xa lộ thông tin kết nối với toàn thế giới (băng thông quốc tế 6TBps).

Các doanh nghiệp viễn thông đã đa dạng hoá các loại hình dịch vụ đảm bảo thoả mãn nhu cầu kết nối “người với người” (thoại, SMS, fax, truyền số liệu tốc độ thấp) cho đến dịch vụ kết nối tốc độ cao (truy cập Internet , 3G, 4G, BPON, AON…). Năng lực mạng lưới viễn thông của Việt Nam đã được nâng cao làm nền tảng cho sự phát triển hệ sinh thái số. Hạ tầng mạng lưới viễn thông góp phần thực hiện hoá ứng dụng “số” vào các hoạt động trong đời sống kinh tế - xã hội.


Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT báo cáo về những nhiệm vụ của ngành trong thời gian qua.

Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT báo cáo về những nhiệm vụ của ngành trong thời gian qua.

Bộ TT&TT cho rằng, trong giai đoạn tới, CMCN 4.0 tạo ra nhu cầu kết nối, hạ tầng viễn thông của Việt Nam đã sẵn sàng cung cấp kết nối dung lượng, chất lượng cao đáp ứng cho ứng dụng IoT trên nền tảng 4G, 5G. Ngành công nghiệp điện tử, viễn thông nội địa đang được chú trọng thúc đẩy. Các doanh nghiệp lớn đã chuyển hướng sang tự chủ nghiên cứu, chế tạo và sản xuất như: Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT,... và sắp tới là Vingroup và nhiều tập đoàn, tổng công ty khác. Mục tiêu trong giai đoạn tới, Việt Nam sẽ trở thành một trong 10 nước có mạng viễn thông phát triển nhất thế giới.

Về lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), Bộ TT&TT cho biết, trong thời gian qua, đã thể hiện là một ngành kinh tế lớn và chủ lực của Việt Nam trong CMCN 4.0. Với trên 28 nghìn doanh nghiệp CNTT, 900 nghìn lao động, CNTT là một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất cả nước, đạt tăng trưởng trên 20%/năm trong hơn 10 năm qua.

Năm 2017 là năm ngành CNTT có tốc độ tăng trưởng cao, đạt khoảng 35,3%, doanh thu đạt 91,6 tỷ USD, trong đó công nghiệp phần cứng điện tử đạt 81,6 tỷ, phần mềm 3,8 tỷ, dịch vụ CNTT 5,4 tỷ và nội dung số 800 triệu USD, xuất khẩu 83,4 tỷ USD, đóng góp 39.253 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, với việc triển khai Chính phủ điện tử, Bộ TTTT cùng Văn phòng chính phủ là 2 hạt nhân triển khai xây dựng Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử, nâng cao Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam.

Về lĩnh vực bưu chính, Bộ TT&TT cho biết, hiện không chỉ làm dịch vụ chuyển phát thư, báo mà đang dần trở thành nền tảng cho thương mại điện tử, logistics và Chính phủ điện tử. Bộ đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển cơ sở hạ tầng, mạng lưới điểm dịch vụ nhằm phát triển lành mạnh thị trường bưu chính, phục vụ hiệu quả cho hoạt động chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ nhu cầu thông tin của nhân dân trên khắp các vùng, miền của đất nước. Đặc biệt, thị trường bưu chính viễn thông đang tiếp tục được mở rộng với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp. Với tốc độ tăng trưởng 35% đến 40%/năm, trong khoảng 10 năm nữa, Bưu chính sẽ vượt Viễn thông về doanh thu.

Nói về việc quản lý các cơ quan báo chí, phát thanh - truyền hình, Bộ TT&TT khẳng định đã làm rất tốt vai trò là kênh thông tin, làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân; góp phần định hướng dư luận và tạo ra sự đồng thuận xã hội; kịp thời đấu tranh phản bác các thông tin xuyên tạc, sai sự thật. Tập trung thông tin, tuyên truyền đầy đủ về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; chủ trương, chính sách của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo; các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Bám sát, thông tin đầy đủ về các sự kiện lớn của đất nước, các vấn đề kinh tế, văn hoá, dân sinh, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Tích cực, chủ động làm việc với các nhà mạng nước ngoài để thiết lập cơ chế trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin xấu độc, vi phạm quy định pháp luật Việt Nam, đẩy mạnh kiểm tra, rà soát, phát hiện, chấn chính và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về báo chí, thông tin trên mạng Internet.

Lĩnh vực xuất bản, in và phát hành: Tiếp tục góp phần giữ vững định hướng chính trị, ổn định xã hội, nâng cao dân trí và làm phong phú thêm đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân; phục vụ công tác thông tin đối ngoại; đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Nội dung các xuất bản phẩm đa dạng, bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước và đáp ứng nhu cầu đọc của xã hội.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: “Thời gian qua, các dịch vụ viễn thông, Internet, công nghệ thông tin, tiếp tục phát triển mạnh, đa dạng, đáp ứng hầu hết các nhu cầu của người dân.”

“Việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích đã chung tay góp phần cải cách thủ tục hành chính, được triển khai rộng trên khắp cả nước. Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhằm hiện đại hoá cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ công, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước trong việc phục vụ dân sinh, xây dựng các đô thị thông minh, đảm bảo an toàn thông tin đã góp phần giải phóng sức mạnh vật chất, trí tuệ và tinh thần của cả xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người dân; đồng thời góp phần quan trọng trong việc đưa đất nước hội nhập vào CMCN 4.0.”

“Công tác thông tin, tuyên truyền đã bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giúp các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội nhận thức sâu sắc về tình hình trong nước và thế giới, qua đó tạo được sự đồng thuận xã hội để toàn Đảng, toàn dân vượt qua khó khăn, thách thức nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Nhờ đó, vị thế của ngành TTTT ngày càng được nâng cao trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước.”

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đã đánh giá cao, nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng sự nỗ lực và những thành tích của ngành TTTT đạt được trong thời gian qua.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt lưu ý: “CMCN 4.0 là xu thế tất yếu của toàn cầu, là đòn bẩy tăng mạnh năng suất và chất lượng cho mọi ngành nghề phát triển. Đây là cơ hội quý giá không phân biệt biên giới, quốc gia để các nước đang phát triển như Việt Nam đi tắt, đón đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, sớm sánh vai với các cường quốc năm châu.”

Thủ tướng cho biết: “Trong CMCN 4.0, nhiều công nghệ số mới phát triển với tốc độ nhanh chưa từng có, rất khó dự báo dài hạn. Có những công nghệ mới sẽ làm thay đổi cục diện mô hình kinh doanh, mô hình hoạt động của mọi lĩnh vực.”

“CMCN 4.0 tạo ra thách thức lớn cho nhiều cơ quan quản lý nhà nước trên thế giới, ngay cả ở các nước phát triển. Về việc phải thay đổi tư duy về quản trị, Nhà nước không chỉ theo kịp mà còn phải thúc đẩy sự phát triển công nghệ, đồng thời bảo vệ cuộc sống của người dân an toàn trong không gian số”, Thủ tướng khẳng định.

Để bắt kịp CMCN 4.0, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam cần tiến hành số hoá quốc gia càng nhanh càng tốt. Chuyển đổi số phải là nền tảng đi sâu vào mọi ngành, mọi lĩnh vực, tổ chức, doanh nghiệp của cả khu vực công và tư.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ TT&TT phải giữ vai trò dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới, cụ thể là trước mắt phải thay đổi tư duy về quản trị Nhà nước.

“Để Việt Nam bắt kịp, thậm chí đi đầu trong CMCN 4.0 toàn cầu, Bộ TT&TT cần đi đầu trong tư duy mới, thử nghiệm những cách làm mới. Đặc biệt, Bộ TT&TT cần chủ động đề xuất các cơ chế chính sách mang tính đột phá. Các Bộ, ngành liên quan cũng phải tích cực hợp tác, hỗ trợ để nước ta có thể đi đầu trong CMCN 4.0”.

Ngày nay, không gian mạng đóng vai trò hết sức quan trọng từ trên bộ, trên không, trên biển và vũ trụ. Do đó, việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng có mối quan hệ mật thiết với nhau, không thể tách rời.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh mạng là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, đặc biệt là 3 lực lượng chuyên trách bao gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, và Bộ TT&TT. Trong đó, Bộ TT&TT đóng vai trò hết sức quan trọng, là cơ quan tập hợp sức mạnh của doanh nghiệp, cộng đồng, là lực lượng nòng cốt trong công tác bảo đảm an toàn không gian mạng quốc gia trong giai đoạn mới.

Tại buổi làm việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng vui mừng trước sự phát triển lớn mạnh của ngành TT&TT. Thủ tưởng chia sẻ với các lãnh đạo trong ngành về những khó khăn, thử thách và mong muốn các đồng chí lãnh đạo, công chức, viên chức và toàn thể người lao động thuộc Bộ TTTT luôn nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt sứ mệnh của Bộ - là cơ quan vừa quản lý, phát triển công nghệ, công nghiệp, vừa làm kinh tế và tuyên truyền, xứng đáng với sự tin tưởng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, là ngành đi đầu trong cuộc CMCN 4.0, tạo nên niềm tin và sự đồng thuận của xã hội, sớm đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển.

Khôi Linh