1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan Triển lãm về công nghệ, công nghiệp Việt Nam

(Dân trí) - Chiều nay, ngày 15/1/2019, tại trụ sở Bộ TT&TT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và tham quan Triển lãm về công nghệ, công nghiệp bên lề Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT.

Tham dự tại Hội nghị còn có đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung Ương và địa phương.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Uỷ viên TW Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT kiêm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về những kết quả nổi bật của Ngành TT&TT trong năm 2018.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan Triển lãm về công nghệ, công nghiệp Việt Nam - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan Triển lãm về công nghệ, công nghiệp bên lề Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019.

Theo đó, trong năm 2018, tốc độ tăng trưởng doanh thu toàn ngành cao hơn tăng trưởng GDP cả nước, đạt khoảng 2,65 triệu tỷ đồng, ước tăng 112,6% so với 2017.

Bưu chính - Nền tảng cho thương mại điện tử

Trong năm 2018, lần đầu tiên bộ Mã bưu chính quốc gia được thiết lập cơ sở cho việc ứng dụng công nghệ khai thác, chia chọn tự động. Bộ đã chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện Quyết định số 45 của Thủ tướng  về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ Bưu chính công ích, Quyết định số 55 về mạng Bưu chính phủ vụ cơ quan Đảng, Nhà nước… Theo xếp hạng toàn cầu 2018, Bưu chính Việt Nam xếp hạng 50/173 trên thế giới; 400 doanh nghiệp Bưu chính, Tổng doanh thu đạt khoảng 30.000 tỷ/năm, (1,4 tỷ USD), tăng trưởng 25%.

Viễn thông - Hạ tầng kết nối cho nền kinh tế số

Năm 2018, tại Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN, Việt Nam đã nêu ra 3 sáng kiến trong đó đặc biệt là sáng kiến Roaming like Home về hoà mạng di động một giá cước toàn ASEAN đã gây tiếng vang, thu hút sự quan tâm lớn của khu vực, góp phần tích cực tạo nên một "ASEAN phẳng".

Bộ TT&TT đã làm tốt vai trò kiến tạo, thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường viễn thông trên nguyên tắc đảm bảo sự cân bằng lợi ích giữa xã hội, nhà nước và doanh nghiệp; 93 doanh nghiệp (56 doanh nghiệp có hạ tầng) bao gồm cả DN truyền hình; Tổng doanh thu: 350.000 tỷ/năm (15 tỷ USD); Tăng trưởng hàng năm: 6%.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan Triển lãm về công nghệ, công nghiệp Việt Nam - Ảnh 2.

Các sản phẩm Made in Việt Nam được trưng bày tại Triển lãm để khẳng định năng lực của các DN trong ngành TT&TT đã sẵn sàng đáp ứng cho cuộc CMCN 4.0.

Bộ đã triển khai thành công kế hoạch chuyển đổi mã mạng; dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số; Tập trung xử lý triệt để tình trạng SIM rác; Đẩy mạnh triển khai đề án số hoá truyền hình, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực tiến hành số hoá, với khoảng 65% dân số cả nước hiện được xem các truyền hình số mặt đất; Thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý tài nguyên tần số vô tuyến điện; Quy hoạch tần số để thử nghiệm công nghệ 5G; bãi bỏ thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị vô tuyến, cắt giảm hơn 50% sản phẩm hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu. Công tác quản lý tài nguyên Internet được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần bảo đảm an toàn, an ninh trong hoạt động Internet.

Đến nay, cáp quang đã được triển khai đến tận thôn/bản của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, sóng di động đã phủ tới 997% dân số (trong đó vùng phủ 3G, 4G phục vụ trên 98% dân số), hình ảnh xa lộ kết nối với toàn thế giới, góp phần đưa "dịch vụ số" vào mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội và là nền tảng vững chấc cho "nền kinh tế số" trong tương lai.

CNTT - Nòng cốt xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia và nền kinh tế số.

Thế giới đang bước vào cuộc CMCN 4.0, xây dựng Chính phủ số hướng tới nền kinh tế số. Việt Nam không đứng ngoài xu thế đó, việc tiến hành tốt chuyển đổi số sẽ giúp Việt Nam chủ động trong cuộc CMCN 4.0, hướng tới quốc gia thông minh.

Theo kết quả khảo sát, đánh giá Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc năm 2018, Việt Nam xếp vị trí thứ 88 trên tổng số 193 quốc gia được thực hiện đánh giá.

Năm 2018, Thủ tướng đã đồng ý cho Bộ TT&TT chủ trì xây dựng Đề án Chuyển đổi số Quốc gia. Đây là nhiệm vụ trọng đại, bởi nếu thực hiện thành công, Việt Nam sẽ tăng được năng suất lao động lên từ 30 đến 40%, góp 20-30% trong tăng trưởng GDP, tránh được bẫy thu nhập trung bình.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan Triển lãm về công nghệ, công nghiệp Việt Nam - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng báo cáo Thủ tướng về những hoạt động của ngành TT&TT trong năm 2018.

Bộ cho biết đã quyết đi những bước đột phá, từ trong tư duy, trong chính sách, trong cả cách tiếp cận, đã kịp thời nghiên cứu, đề xuất các chính sách đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, tháo gỡ các vướng mắc trong lĩnh vực CNTT. Bộ TT&TT cũng đã đẩy mạnh triển khai ký kết các chương trình hợp với với Bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy ứng dụng CNTT trong các hoạt động, thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử, chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Việt Nam được xếp vào nhóm 75 quốc gia về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hiệp quốc.

Trong năm 2018, Bộ TT&TT cũng đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 làm căn cứ triển khai chính phủ điện tử. Bộ cũng đề xuất nghị định về quản lý, kết nối chia sẻ dữ liệu số, nhằm góp phần thúc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT giải quyết thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công trực tuyến và chính phủ điện tử.

An toàn, An ninh mạng - Kỳ vọng trở thành cường quốc

Trong hoàn cảnh các cuộc tấn công mạng ngày càng tăng và tinh vi, năm 2018, Bộ TT&TT đã vận hành Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Trung tâm lưu chiểu dữ liệu truyền thông số quốc gia để cảnh báo sớm và xử lý các cuộc tấn công mạng nhằm vào Việt Nam, Kịp thời điều phối ứng cứu nhiều sự cố tấn công mạng vào cơ quan, tổ chức, doanh nghiệpl đưa ra các cảnh báo, khuyến nghị cho các cơ quan, tổ chức về các nguy cơ gây mất ATTT, như: các điểm yếu, lỗ hổng nghiêm trọng; các cuộc tấn công mạng có chủ đích; lây nhiễm phần mềm độc hại trên diện rộng; lừa đảo trực tuyến; lộ, lọt thông tin cá nhân; nguy cơ mất ATTT trên các thiết bị IoT…

Nhằm kết nối, phát huy sức mạnh tổng thể, Bộ đã đẩy mạnh hình thành và kiện toàn Mạng lưới đơn vị chuyên trách về ATTT quốc gia, quy tụ 170 đơn vị thành viên là các tổ chức chuyên trách về ATTT mạng. Hiện Việt Nam đã cấp phép cho 56 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn an ninh mạng. Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế về ATTT, hướng tới đưa Việt Nam trở thành trung taam của khu vực ASEAN về an toàn, an ninh mạng.

Trong lĩnh vực chứng thực chữ ký số,  Bộ đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi thành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số. Bên cạnh đó, Bộ đã xây dựng hồ sơ đề xuất xây dựng Nghị định quy trình về xác thực và định danh điện tử.

Công nghiệp ICT – Tạo ra nhiều sản phẩm made in Việt Nam chất lượng cao

Năm 2018, Công nghiệp ICT tiếp tục đóng góp tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu toàn ngành TT&TT với tốc độ phát triển nhanh, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn. Các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp ICT được định hướng để tạo nền tảng phát triển kinh tế tri thức, thực hiện Cách mạng công nghiệp 4.0., góp phần làm chủ các hệ thống thông tin, đảm bảo ATTT và chủ quyền số quốc gia.

Tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT ước đạt 89,9 tỉ USD (năm 2017 là 91,5 tỉ USD), xuất khẩu ước đạt 94 tỉ USD. Bộ đã làm tốt vai trò thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ICT trên nguyên tắc kiến tạo thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp và hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý.

Công nghiệp phần mềm tốc độ tăng trưởng 13,8%, doanh thu ước đạt 4.3 tỷ USD, xuất khẩu ước đạt 3,5 tỷ USD. 10.000 doanh nghiệp với 120.000 nhân lực.

Việt Nam hiện nay đã sản xuất được 70% các loại thiết bị viễn thông, quyết tâm trở thành nước thứ 4 trên thế giới sản xuất được tất cả các thiết bị viễn thông và xuất khẩu được.

Phát triển IoT là định hướng trọng tâm thời gian tới của Bộ TT&TT để tạo bước đột phá đưa ngành công nghiệp ICT Việt Nam mang nhãn hiệu Made in Việt Nam vươn tầm thế giới.

Thông tin Tuyên truyền - Thể hiện dòng chảy chính của xã hội, tạo đồng thuận xã hội và khát vọng Việt Nam hùng cường

Lĩnh vực thông tin tuyên truyền đã thực hiện tốt vai trò cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp là diễn đàn của nhân dân, giữ vững định hướng chính trị, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới đất nước. Báo chí đã thể hiện dòng chảy chính của xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội, tạo niềm tin xã hội và tạo nên khát vọng về một Việt Nam hùng cường. Hiện cả nước có 868 cơ quan báo chí.

Năm 2018, thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Bộ TT-TT đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Quy hoạch và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Trong năm qua, Bộ đã xây dựng và vận hành Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia; vận hành Trung tâm lưu chiểu dữ liệu truyền thông số quốc gia để lưu chiểu các bài báo điện tử, báo nói, báo hình giúp nâng cao hiệu quả năng lực của cơ quan quản lý nhà nước trong việc phòng ngừa, ngăn chặn thông tin không phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Song song với việc này, Bộ đã triển khai một số giải pháp quyết liệt nhằm đấu tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vi phạm pháp luật Việt Nam. Đến nay đã ngăn chặn, gỡ bỏ 4.466 video clip xấu độc trên trang Youtube. Facebook đã gỡ khoảng 3.000 đường link có nội dung vi phạm.

Trong khuôn khổ của Hội nghị Tổng kết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tham quan Triển lãm về công nghệ, công nghiệp với sự tham gia trình diễn, demo các sản phẩm về công nghệ cao (AI, IoT, an toàn an ninh mạng…) của các doanh nghiệp, để khẳng định năng lực của các DN trong ngành TT&TT đã sẵn sàng đáp ứng cho cuộc CMCN 4.0.

Khôi Linh