Thế giới chỉ còn 5 cá thể tê giác trắng phương Bắc
(Dân trí) - Một con tê giác trắng phương Bắc vừa chết đã khiến loài vật này “đã hiếm nay còn hiếm hơn” và chúng đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng. Hiện loài động vật này chỉ còn lại 5 cá thể trên toàn cầu.
Theo Washington Post báo cáo, con tê giác trắng phương Bắc đã chết có tên là Angalifu, đã sống 44 năm, chết vì nguyên nhân tự nhiên hôm chủ nhật (14/12) vừa qua tại sở thú San Diego Zoo Safari Park, California, Mỹ.
"Sự ra đi của Angalifu là một mất mát to lớn đối với tất cả chúng ta. Cái chết không chỉ lấy đi một hình ảnh được yêu quý ở công viên mà nó còn khiến một loài tuyệt vời như Tê giác trắng phương Bắc bước thêm một bước gần hơn đến sự tuyệt chủng," Quản lý công viên Randy Rieches cho biết với AP trong một tuyên bố .
Như vậy, hiện tê giác trắng phương Bắc chỉ còn lại 5 con trên toàn thế giới và tất cả chúng đang được kiểm soát với môi trường sống là nuôi nhốt. Riêng vườn thú Zoo Safari Park còn có một cá thể tê giác trắng phương Bắc khác mang tên Nola nhưng cũng đã già. Trước đó, các nhà khoa học đã tiến hành để Nola và Angalifu sống chung cùng nhau nhưng cả hai không thể sinh sản.
Ngoài Nola, thế giới còn sót lại 4 cá thể tê giác trắng phương Bắc khác từ Czech và Kenya. Các cá thể này bao gồm: Sudan, là tê giác trắng phương Bắc đực cuối cùng trên thế giới, đang sống tại Ol Pejeta Conservancy ở Kenya; Najin và Fatu, giống cái, sống tại Kenya; và cuối cùng là một con cái cao tuổi khác sống tại vườn thú Dvur Kralove thuộc Cộng hòa Czech. Tất cả đều không còn có khả năng sinh sản theo cách tự nhiên.
Đầu năm nay, cũng đã có một cá thể tê giác trắng phương Bắc đực khác mang tên Suni chết không rõ nguyên nhân. Việc không thể sinh sản tự nhiên đã khiến các nhà khoa học hướng “kĩ thuật sinh sản nhân tạo” nhằm tránh cho loài vật này tuyệt chủng.
Giống như các loài tê giác khác, tê giác trắng phương Bắc bị săn bắt để lấy sừng là chủ yếu. Sừng tê giác trắng phương Bắc được săn lùng nhiều nơi, có giá trị trên thị trường và nhiều nền văn hóa còn cho rằng nó có giá trị chữa bệnh cao.
Theo các nhà khoa học, bên cạnh tê giác trắng phương Bắc, thế giới còn tồn tại tê giác trắng phương Nam. Cuối thế kỉ 19, Tê giác trắng phương Nam được cho là đã tuyệt chủng nhưng sau đó đã phát hiện trở lại ở Nam Phi vào năm 1895. Hiện loài này có số lượng khoảng 20.000 con trên thế giới.
Lâm Anh