1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Thảm cảnh điện thoại “made in Việt Nam”

Không ai nghi ngờ Việt Nam đang là nước có tốc độ phát triển điện thoại nhanh vào loại nhất nhì thế giới. Nhưng, cũng không ai phản bác rằng ngành sản xuất điện thoại của ta vẫn chỉ loay hoay ở ao nhà, chưa dám bước ra thị trường rộng lớn.

Điện thoại cố định: Sản xuất phục vụ... nội bộ!

Việt Nam hiện có khoảng 12 triệu thuê bao điện thoại. Mỗi năm, nhu cầu trong nước cần ít nhất 2 triệu điện thoại cố định và di động các loại. Công nghệ, vốn đầu tư sản xuất điện thoại, nhất là điện thoại cố định được xem là “dễ ăn” không mấy khó khăn nhưng dường như doanh nghiệp trong nước chỉ tập trung phát triển thuê bao. Trong khi đó, điện thoại của các hãng nước ngoài thi nhau ùa vào chiếm lĩnh thị trường.

Năm 1998, doanh nghiệp trong nước đầu tiên và lớn nhất hiện nay bắt tay vào sản xuất điện thoại cố định là Công ty cổ phần Thiết bị bưu điện (Postef). Nhưng những sản phẩm điện thoại cố định “made in Việt Nam” của Postef tung ra thị trường đến nay vẫn chưa thấm vào đâu với lượng thuê bao cố định hiện nay.

Bà Đỗ Thị Tâm Chung - Phó Giám đốc Postef thừa nhận rằng cho tới nay, các sản phẩm điện thoại của Postef vẫn chưa chiếm được thị phần như mong muốn. Postef mới chỉ tung ra thị trường được 7 model điện thoại. Sản lượng điện thoại do công ty này sản xuất mới chỉ dừng lại ở khoảng 150.000 đến 200.000 sản phẩm/năm.

Như vậy, 8 năm qua, Postef mới chỉ cho ra lò được khoảng 1,5 triệu chiếc. Tuy nhiên, trên thị trường hoàn toàn vắng bóng điện thoại do Postef sản xuất. Bà Chung thừa nhận - chúng tôi chủ yếu chỉ phục vụ nội ngành bưu điện!

Điện thoại di động: vẫn chỉ là kế hoạch

Trong kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh của mình, Postef hiện cũng đang rất tâm huyết với đề án sản xuất điện thoại di động giá rẻ thương hiệu Việt. Đây là một dự án khá mạo hiểm về một sản phẩm vốn đã là mảnh đất màu mỡ của các thương hiệu lớn của nước ngoài như Nokia, Samsung...

Đánh giá về dự án này của Postef, một chuyên gia của hãng Nokia cũng cho rằng đây là một dự án khá mạo hiểm. Bản thân Nokia mặc dù đang chiếm một thị phần điện thoại di động vào hàng Top tại Việt Nam cũng không hề có ý định xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại tại Việt Nam như đã từng làm ở Trung Quốc.

Ngay cả khi xem xét dự án này của Postef, lãnh đạo của VNPT cũng còn phải cân nhắc khá nhiều, nhất là về tính khả thi. Có lẽ cũng bởi lý do này mà cho tới nay, dự án sản xuất điện thoại di động của Postef vẫn còn đang là bản thảo nằm trên bàn các lãnh đạo của Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông.

Sẽ có di động “made in Vietnam”

Tuy nhiên, lãnh đạo của Postef cho rằng, họ cũng đã có sự tính toán kỹ lưỡng. Nhìn vào sự bùng nổ của điện thoại di động, nhất là xu hướng sử dụng điện thoại di động nhiều hơn cố định và nhu cầu thay đổi thường xuyên mẫu mã, chủng loại của loại điện thoại này, Postef không phải không có lý. Hơn nữa, giá điện thoại di động ở Việt Nam hiện không rẻ chút nào. Đó là “đất” để doanh nghiệp trong nước kiếm lời.

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực này, để kế hoạch sản xuất điện thoại di động trong nước khả thi, cần thiết phải liên doanh với nước ngoài để chống lại những Samsung, Nokia hay Motorola. Vì chỉ khi nào làm chủ công nghệ, có kinh nghiệm quản lý, vốn, tiếp cận thị trường và chủ động sản xuất chip điện tử thì kế hoạch sản xuất di động mới khả thi được.

Một thuận lợi nữa là một số hãng nước ngoài cũng đang muốn liên doanh để chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu sang một số nước lân cận.

Có lẽ vì vậy, dù vẫn đang chờ phê duyệt, Postef đã chủ động mua lại toàn bộ dây chuyền công nghệ sản xuất của một đối tác Hàn Quốc. Postef cũng đã dự kiến sẽ tung ra thị trường ba mẫu điện thoại của lô hàng đầu tiên vào đầu năm 2006 tới. Với chi phí đầu tư cho mỗi sản phẩm dao động từ 5USD đến 20USD, dù chưa có mức giá cụ thể cho mỗi chiếc điện thoại di động song theo bà Chung, Postef sẽ hướng sản phẩm tới những đối tượng khách hàng có thu nhập thấp với giá cả rất phải chăng.

Theo lãnh đạo Postef, công ty đang có kế hoạch “đa dạng hóa và bình dân hóa” nhằm đưa điện thoại cố định đến với người dân, trong đó có việc đón đầu kế hoạch sản xuất điện thoại trả tiền xu trong nước.

“Đó là kế hoạch thông minh. Mọi người cứ lo ngại ta không cạnh tranh được với đến điện thoại của Trung Quốc. Nhưng từ lâu, đơn vị của tôi và một vài công ty khác đã lắp ráp hàng vạn chiếc điện thoại cố định và đã có chỗ đứng tại thị trường trong nước”, một giám đốc doanh nghiệp tư nhân đề nghị được giấu tên đã nói như vậy.

Theo Sài Gòn giải phóng