1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Sự cố cáp biển khắc phục xong, Internet đi quốc tế trở lại bình thường

(Dân trí) - Tính đến thời điểm hiện tại, sự cố hy hữu xảy ra hồi cuối năm ngoái trên cùng lúc 3 tuyến cáp quang biển gồm AAG, IA và AAE-1 đều đã được khắc phục xong.

Sự cố cáp biển khắc phục xong, Internet đi quốc tế trở lại bình thường - 1

Chiều qua (3/3), theo đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết, nhánh S2 của tuyến cáp biển quốc tế Liên Á (Intra Asia - IA) đã được sửa xong, khôi phục 100% kênh truyền Internet từ Việt Nam đi quốc tế.

Đây là tuyến cáp cuối cùng còn gặp sự cố tính đến ngày 3/3, khiến Internet tại nhiều khu vực chưa thể đảm bảo hoàn toàn lưu lượng. Trước đó lịch sửa chữa, khắc phục sự cố của tuyến cáp này nhiều lần bị trễ hẹn do điều kiện thời tiết bất lợi.

Đối với tuyến cáp biển Asia America Gateway – AAG, theo thông tin từ VNPT, sự cố xảy ra vào sáng 22/12/2019 trên tuyến cáp biển này đã được đối tác quốc tế xử lý xong vào 6:30 ngày 2/3/2020. Toàn bộ lưu lượng trên tuyến cáp AAG đã được khôi phục hoàn toàn.

Trước đó, lỗi cáp trên tuyến IA (nhánh S1) và tuyến cáp Asia Africa Europe 1 (AAE-1) đã lần lượt được sửa xong vào ngày 31/1/2020 và ngày 17/2/2020.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, sự cố hy hữu xảy ra hồi cuối năm ngoái trên cùng lúc 3 tuyến cáp quang biển gồm AAG, IA và AAE-1 đều đã được khắc phục xong. Lưu lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế đã được đảm bảo, hoạt động ổn định trở lại.

Sự cố cáp biển khắc phục xong, Internet đi quốc tế trở lại bình thường - 2

Theo phân tích của ông Vũ Thế Bình - Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), trong 3 tuyến cáp cùng gặp sự cố vào cuối năm ngoái, AAG và IA là các tuyến cáp được Việt Nam dùng từ lâu, có vai trò rất quan trọng đối với Internet Việt Nam. Trong đó, tuyến cáp AAG mặc dù hay sự cố nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dung lượng Internet Việt Nam.

Trong khi đó, AAE-1 là tuyến cáp biển mới được đưa vào khai thác tháng 7/2017, có vai trò nâng cao chất lượng hướng châu Âu, Trung Đông cũng như cung cấp bổ sung thêm dung lượng và dự phòng tới hướng kết nối đi HongKong và Singapore.

Tuyến cáp biển này được ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất; mạng lưới, trạm cập bờ và các điểm kết nối được hoạch định tối ưu và linh hoạt, giúp các nhà mạng có thêm nhiều phương án thiết kế để điều chuyển lưu lượng.

Nguyễn Nguyễn