(Dân trí) - "Make in Việt Nam", "Go Global", với khát khao đưa Việt Nam lên bản đồ công nghệ thế giới, nhiều người Việt trẻ đã cho thấy điều đó hoàn toàn có thể.
"Go global" (đi ra thế giới) là cụm từ mà nhiều startup Việt luôn thèm muốn. Đối với họ, đây không chỉ là cơ hội để thách thức bản thân, mà còn là khát vọng đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Để rồi sau đó khi nhìn lại, chúng ta có thể tự hào rằng Việt Nam cũng có thể lập được những kỳ tích, cũng như chinh phục được những thị trường khó tính. Khát vọng vì một Việt Nam hùng cường sẽ không chỉ dừng lại là một giấc mơ.
Nói về hình ảnh doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam bước ra biển lớn, không thể không nhắc tới Rikkeisoft.
Việc một doanh nghiệp công nghệ gốc Việt như Rikkeisoft có thể lần lượt chinh phục những thị trường khó tính như Nhật Bản hay Mỹ, là chặng đường không hề dễ dàng.
Được thành lập từ năm 2012, Rikkeisoft sử dụng số tiền ít ỏi từ 100% vốn của những người sáng lập, bao gồm 6 chàng trai đều là sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội.
Điều may mắn là các lãnh đạo của Rikkeisoft đều có quá trình học tập tại Nhật Bản, nên họ có thể nhìn thấy tiềm năng phát triển doanh nghiệp tại thị trường này.
Trải qua nhiều năm không ngại gian khó, cùng với năng lực và sự nhiệt huyết, Rikkeisoft từng bước chinh phục các khách hàng Nhật Bản.
Năm 2016, tức 4 năm sau khi có mặt tại Nhật Bản, Rikkeisoft đã tăng gấp nhiều lần quy mô, từ 100 người lên hơn 1.000 người.
Khởi đầu với mảng phát triển ứng dụng mobile, Rikkeisoft cũng nhanh chóng mở rộng ra các mảng việc mới, từ các hệ thống website, lưu trữ đám mây, đến hệ thống nghiệp vụ quy mô lớn, các hệ thống quản lý sản xuất, tài chính, kế toán, ngân hàng, các hệ thống IoT, và gần đây có thêm các dự án dùng công nghệ mới như AI, blockchain...
Tính đến tháng 12/2022, công ty đã có hơn 1.600 nhân sự, nhiều người trong số đó đang học tập và sinh sống tại nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng của Rikkeisoft tăng từ 1,5 - 2 lần mỗi năm với tập khách hàng lớn chủ yếu tại Nhật Bản và thị trường quốc tế.
Rikkeisoft cũng có một hệ sinh thái vườn ươm công nghệ, đầu tư vào hơn 10 startup trong nhiều mảng khác nhau để đồng hành cùng khai thác các thị trường quốc tế.
Từ năm 2022, Rikkeisoft đã thành lập một công ty riêng là Rikkei Digital để đánh vào mảng thị trường chuyển đổi số. Đây là công ty chuyên cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Sau đại dịch Covid-19, Rikkei Digital đã tăng trưởng gấp 2 lần.
Cùng với việc không ngừng phát triển quy mô nguồn lực, việc tiến sâu vào thị trường Mỹ và Châu Á - Thái Bình Dương (APAC) là những mục tiêu lớn mà Rikkeisoft sẽ tập trung trong năm 2023.
Nếu như Rikkeisoft ngay từ đầu đã chọn Nhật Bản làm thị trường tiên phong, thì GotIt lại là một trong số hiếm hoi những startup Việt khởi nghiệp trên đất Mỹ, và gặt hái thành công vang dội.
Khởi đầu với tư cách là một ứng dụng về giáo dục dựa trên mô hình kinh tế chia sẻ, GotIt cho phép người dùng có thể chụp ảnh những gì mình cần giải đáp, như bài giảng, các câu hỏi luyện tập... rồi chia sẻ trên nền tảng. Sau đó, họ sẽ nhận lời giải đáp chi tiết từ chuyên gia trong khoảng 10 phút.
Mô hình tưởng như khá đơn giản này kỳ thực lại yêu cầu rất nhiều kiến thức và kỹ năng cần thiết cả về chuyên môn cũng như quản lý.
TS. Trần Việt Hùng (thường gọi là Hùng Trần), CEO kiêm founder GotIt, là một người trẻ tài năng. Anh không ít lần có những chia sẻ truyền cảm hứng cho cộng đồng startup, cũng như mong muốn câu chuyện của mình sẽ tạo thêm động lực cho những bạn trẻ trên con đường chinh phục "giấc mơ Mỹ".
Anh từng khẳng định, thứ có được ở Mỹ không phải tiền, mà là sự thay đổi về mặt tư tưởng (mindset).
"Điều đó làm cho tôi nhận ra các điểm yếu chết người của mình để chịu khó học hỏi và thay đổi", CEO Trần Việt Hùng chia sẻ.
Khởi nghiệp từ năm 2011 khi còn đang là sinh viên nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành Khoa học Máy tính tại Đại học Iowa (Mỹ), sau 8 năm, doanh nghiệp của Hùng Trần có trụ sở ở 3 quốc gia là Silicon Valley (Mỹ), Ấn Độ và Việt Nam, với khoảng 85 nhân sự trong đó không ít người là lãnh đạo hay kỹ sư giỏi, từng làm việc trong các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.
Năm 2016, GotIt gọi vốn thành công hơn 9 triệu USD trong vòng hạt giống và series A. Capricorn Investment Group là nhà đầu tư tại vòng series A, trong khi đó Brad Bao đại diện cho Fosun Group tham gia vào vòng hạt giống. Nhà đầu tư này từng tài trợ cho những ý tưởng mang tính đột phá như Tesla, QuantumScape, Planet Labs.
Tại thời điểm đó, ứng dụng Việt đã đứng thứ 5 trong Top 10 ứng dụng giáo dục trên Apps Store tại Mỹ.
Tính đến 2021, GotIt đã thuyết phục và huy động được hơn 20 triệu USD từ những quỹ đầu tư nổi tiếng thế giới.
Đến nay, GotIt là công ty đầu tiên do những du học sinh ở Việt Nam qua Mỹ học xong ở lại làm mà có thể đi xa được cho đến bây giờ, cũng là công ty đi xa nhất.
Khác với những startup nêu trên, Stringee không chọn điểm xuất phát ở những thị trường quốc tế, mà tạo nền móng vững chắc tại Việt Nam trước khi thực hiện những bước đi táo bạo.
Nói về Stringee, chúng ta đã quen thuộc với nền tảng giao tiếp (SaaS) từng được Bộ Thông tin và Truyền thông bảo trợ, và chiến thắng tại nhiều cuộc thi về khởi nghiệp danh giá, như Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, Sao Khuê...
Theo đánh giá, Stringee là một trong những startup công nghệ Việt có tốc độ phát triển rất mạnh. Chỉ sau một thời gian ngắn sau khi ra mắt, startup này đã chứng minh được vị thế và vai trò của mình bằng những con số rất ấn tượng.
Cụ thể, từ tháng 10/2019 đến tháng 10/2021, doanh thu định kỳ hàng tháng (MRR) của Stringee tăng trưởng 1500% trong khi thị trường vẫn gặp nhiều khó khăn vì Covid-19. Chỉ sau gần 4 năm từ khi ra mắt, startup này đã đạt được điểm hòa vốn và bắt đầu có lãi mạnh.
Kết thúc năm 2021, Stringee cán mốc 55 triệu người dùng với 2,5 triệu phút gọi mỗi ngày trên hệ thống. Đến nay, startup SaaS đang có hơn 1000 khách hàng, trong đó bao gồm doanh nghiệp thuộc top Fortune Global 500 và nhiều doanh nghiệp hàng đầu tại bảng xếp hạng VNR500.
Tháng 4/2023, startup Việt vừa công bố nhận vốn Series A từ Quỹ đầu tư tăng trưởng Việt Nam DAIWA-SSIAM III (DSVGF) do Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) đồng quản lý cùng Daiwa Corporate Investment Co., Ltd (Tập đoàn Daiwa Securities- Nhật Bản).
Trước khi có sự tham gia của DSVGF, startup về nền tảng lập trình giao tiếp này từng nhận vốn từ Quỹ Zone Startups Ventures (Canada) và 2 triệu USD tại vòng Pre-series A, giúp doanh nghiệp tăng trưởng tới 400%.
Ngoài thị trường trong nước, Stringee đang hướng đến cung cấp giải pháp cho thị trường nước ngoài như Mỹ và Ấn Độ.
"Stringee đã có văn phòng cũng như khách hàng tại Mỹ và Ấn Độ, nguồn vốn mới huy động thành công cũng sẽ được sử dụng để mở rộng kinh doanh tại 2 thị trường này", ông Nguyễn Bá Luân, Giám đốc Vận hành (COO) của Stringee, cho biết.
Chia sẻ bí quyết để có được thành công này, đồng sáng lập Đậu Ngọc Huy cho biết đó là sự tập trung phát triển giá trị cốt lõi của sản phẩm.
"Chúng tôi không làm lan man nhiều thứ hay nhiều lĩnh vực, mà tập trung toàn bộ nguồn lực để phát triển và làm thật tốt một bộ sản phẩm giải quyết chỉ một nhu cầu của doanh nghiệp là "số hóa giao tiếp", ông Huy cho biết.
Stringee chọn cách đi ngược xu hướng của nhiều startup, là tập trung vào tập khách hàng doanh nghiệp vừa và lớn, thay vì doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Theo quan điểm của startup này, phần mềm phục vụ được doanh nghiệp lớn với quy mô người dùng lớn (có thể lên tới hàng chục triệu người dùng), bài toán nghiệp vụ phức tạp và yêu cầu rất cao về độ ổn định/bảo mật, thì cũng sẽ dễ dàng phục vụ được các SME.
Quả thật, chỉ một quyết định của Stringee đã giúp công ty tiếp cận gần như mọi đối tượng khách hàng tại Việt Nam, mà không hoàn toàn bỏ qua tập SME chiếm phần đông ở Việt Nam (xấp xỉ 98% theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông).
Việc có được chứng nhận từ các tập đoàn lớn về mức độ hiệu quả cũng giúp Stringee có nhiều lợi thế. Đó là khi các đối tượng khách hàng SME cần chuyển đổi số mạnh mẽ, và yêu cầu những giải pháp đã được minh chứng về mức độ hiệu quả, thì Stringee đã hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu này.
Đến nay, Stringee đang phục vụ hơn 1000 khách hàng doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau với 55 triệu người dùng cuối.
3 startup, với 3 định hướng khác nhau, ở những thị trường khác nhau, và lĩnh vực khác nhau, nhưng đều cho ta thấy khát vọng về việc đưa Việt Nam lên bản đồ công nghệ thế giới, để chứng minh rằng con người Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh về tài trí với bất kỳ quốc gia nào.
Việt Nam hoàn toàn có thể sáng ngang với các cường quốc, các sản phẩm số "Make in Việt Nam" hoàn toàn có thể chinh phục thị trường toàn cầu. Từ đó, giá trị công nghệ Việt cũng ngày một được nâng tầm và khẳng định.