Startup trẻ giành nhiều giải thưởng danh giá nhưng vẫn bị Ban giám khảo “quay”
(Dân trí) - Từng giành rất nhiều giải thưởng danh giá nhưng tại vòng chấm chung khảo Nhân tài Đất Việt, nhóm tác giả phần mềm tự động chuyển đổi tiếng Việt sang văn bản (Origin-STT) vẫn phải “toát mồ hôi” trước những tranh biện đến từ Hội đồng BGK.
Tại phòng chấm thi chung khảo cuộc thi Nhân tài Đất Việt ngày 12/11, phần mềm tự động chuyển đổi tiếng nói tiếng Việt sang văn bản - "Origin-STT của nhóm tác giả Công ty TNHH Hệ thống Trí thông minh Nhân tạo Việt Nam tiếp tục nhận về nhiều “tranh biện” nảy lửa của các thành viên BGK.
Origin-STT là phần mềm hỗ trợ chuyển từ giọng nói thành văn bản, và gỡ băng với độ chính xác trung bình lên tới 93,6%.
Mới đây, tại buổi trả lời chất vấn Quốc hội chiều 8/11/2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đánh giá phần mềm chuyển đổi tiếng nói sang văn bản được Quốc hội lựa chọn sử dụng còn có chất lượng tốt hơn cả phần mềm tương tự được Hội nghị Viễn thông thế giới sử dụng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, phần mềm của Việt Nam không kém gì, thậm chí chuyển đổi từ tiếng nói sang văn bản còn nhanh hơn, độ chính xác cao, độ trễ thấp hơn... Phần mềm chuyển đổi tiếng nói sang văn bản được Quốc hội sử dụng trong kỳ họp chính là phần mềm mang tên Origin-STT.
Ngay tại phòng thi, nhóm tác giả thể hiện khả năng “chuyển đổi giọng nói” trực tiếp từ âm thanh sang văn bản một cách chính xác gần như tuyệt đối, bám sát thời gian thực của người nói.
Thí sinh chuyển giọng nói thành văn bản trực tiếp tại buổi chấm Chung khảo.
Đại diện nhóm tác giả, trưởng nhóm Đỗ Quốc Trường cho biết, sản phẩm ứng dụng và phát triển thành công các công nghệ lõi của hệ thống trí thông minh nhân tạo cho ngôn ngữ tiếng Việt. Origin-STT có thể nhận dạng giọng nói ở cả 03 miền Bắc, Trung, Nam. Có khả năng nhận dạng khoảng 7.000 từ tiếng Việt, và nhận dạng tốt ở khoảng cách xa với độ chính xác lên tới 95-98%
Với Origin-STT giúp người dùng tiết kiệm tối thiểu 10 lần thời gian, công sức nghe lại audio và gõ lại văn bản (gỡ băng) sau các phiên họp.
Ví dụ, tại Văn phòng Quốc Hội, thay vì mất 3-5 ngày làm việc để gỡ băng, sau khi áp dụng công nghệ chỉ mất 1 buổi (1/2 ngày làm việc).
Ngoài ra, phần mềm cũng tiết kiệm tối thiểu 10 lần thời gian gỡ băng cho các phóng viên tại các đơn vị Báo chí/Truyền hình.
Thay vì mất từ 10 tiếng gỡ băng cho 1 tiếng audio, sau khi áp dụng công nghệ chỉ mất 6 phút. Đối với những người cần nhập liệu, người dùng chỉ cần đọc để hệ thống chuyển đổi sang văn bản và nhập liệu vào các bản ghi trong thời gian nhanh chóng.
Theo nhóm tác giả, hiện phần mềm đang được sử dụng trong các cuộc họp tại Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng tỉnh ủy, thành ủy và hỗ trợ cho 50 đầu báo, 300 phóng viên trên cả nước.
Phần bảo vệ sản phẩm của nhóm tác giả nhận về nhiều tranh biện của các thành viên trong BGK. Dù đánh giá cao về ý tưởng, công nghệ sử dụng phát triển sản phẩm nhưng theo BGK vấn đề mà nhóm đang gặp phải là “thị trường”.
Tiến sỹ Trần Việt Hùng - người sáng lập Got It - doanh nghiệp startup có ứng dụng về giáo dục nằm trong số 10 ứng dụng được tải nhiều nhất tại Mỹ, thành viên Ban giám khảo, thẳng thắn cho rằng, nhóm đang đi một “ngách” quá nhỏ và chưa nhìn thấy những chiến lược phát triển để có thể đi được xa trong tương lai.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Long, Chủ tịch Hội đồng BGK cũng cho rằng, sau 2 năm nghiên cứu và ra mắt, sản phẩm mới đạt doanh thu 3 tỷ là ít. Hiện nay, không riêng gì lĩnh vực báo chí mà các doanh nghiệp, các đơn vị tổ chức sự kiện, hội thảo quốc tế thì nhu cầu bóc gỡ băng audio cũng rất lớn, nhóm cần phải nghiên cứu để mở rộng thị phần.
BGK dành nhiều thời gian để "xoáy" vào các vấn đề thị trường của sản phẩm.
“Tôi nghĩ có rất nhiều cách để các bạn thu lợi nhuận nhưng phải làm nhanh, phải mở rộng ra các lĩnh vực khác như khối doanh nghiệp, hội thảo… Đặc biệt phải thay đổi cả mô hình kinh doanh và tập trung vào nhóm phát triển thị trường mới mong tạo đột phá trong thời gian tới”, TS Nguyễn Long, Chủ tịch Hội đồng BGK nói.
Một số thành viên BGK cũng gợi ý, các tác giả cũng có thể nghiên cứu việc tích hợp ứng dụng vào smartphone để mang đến sự tiện lợi cho khách hàng. Ngoài ra, cần nhanh chóng nghiên cứu chiến lược kinh doanh riêng để tạo ra sự cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường.
Thừa nhận những góp ý của BGK là vấn đề, vướng mắc lớn nhất mà nhóm đang gặp phải. Đại diện nhóm tác giả cho biết, thời gian tới sẽ đẩy mạnh việc tiếp cận thị trường.
Hiện nhóm cũng đang hợp tác với tập đoàn VinGroup trong việc ứng dụng phần mềm các sản phẩm Vinsmart. Bên cạnh việc đưa sản phẩm phổ biến đến nhiều người dùng, thời gian tới nhóm sẽ đẩy mạnh, phát triển thêm những ứng dụng mới dựa trên công nghệ lõi có sẵn, để phục vụ đa dạng đối tượng khách hàng.
“Hôm nay dù chỉ có ít thời gian nhưng Ban giám khảo cũng đặt ra khá nhiều câu hỏi cho nhóm phát triển và chúng tôi cũng đồng tình với những ý kiến này. Những ý kiến đóng góp của BGK rất hữu ích trong việc giúp chúng tôi hoàn thiện sản phẩm, tiếp cận thị trường”, trưởng nhóm Đỗ Quốc Trường nói.
Với những tính năng nổi bật và tiện ích đem lại, năm 2018, VAIS đã giành giải nhất về công nghệ nhận dạng giọng nói trong cuộc thi Ngôn ngữ tiếng Việt và công nghệ xử lý giọng nói 2019. Giải thưởng đánh dấu sự xuất hiện của một tên tuổi mới tại Việt Nam về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo nói chung và xử lý tiếng nói nói riêng ở cả khía cạnh ngôn ngữ và học thuật. Đầu năm 2019, VAIS đưa thành công các giải pháp nhận dạng tiếng nói ứng dụng cho các phiên họp của các cơ quan Trung ương như Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng Quốc hội, được Lãnh đạo Trung ương đánh giá cao, được Văn phòng Quốc hội gửi thư khen ngợi.
Giải thưởng Nhân tài đất Việt 2019 được bảo trợ bởi: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Một trong những yếu tố quan trọng làm nên sự thành công của Giải thưởng chính là sự đồng hành và hỗ trợ nhiệt thành từ các nhà tài trợ, các đơn vị đồng hành trong suốt 15 năm qua.
Ban Tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt xin tri ân và gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới các đơn vị: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Vingroup, VietnamAirlines, Vietcombank, Sun Group, SHB, Agribank, Samsung, Tân Hoàng Minh, Canon, Jetstar Pacific, Dược phẩm Eco, ABBank ... và các cơ quan, báo chí, đài truyền hình trong cả nước.
Sự quan tâm, đồng hành của các đơn vị, nhà tài trợ chính là động lực lớn cho Ban Tổ chức để hoàn thành tốt cuộc thi, hoàn thành sứ mệnh tìm kiếm và tôn vinh các tài năng trong nhiều lĩnh vực.
Hà Trang