Smartphone sẽ sớm được sử dụng làm... máy phát hiện nói dối

(Dân trí) - Không cần sử dụng những hệ thống phức tạp hay cảm biến tinh vi, trong tương lai những lời nói dối có thể dễ dàng bị phát giác nhờ vào một ứng dụng trên smartphone.

Một ứng dụng di động sử dụng thuật toán máy học mới được phát triển bởi các nhà khoa học máy tính tại trường Đại học Copenhagen (Đan Mạch) có thể xác định được sự trung thực và không trung thực bằng cách phân tích cách người dùng vuốt hoặc chạm vào màn hình smartphone. Theo các nhà nghiên cứu thì người không trung thực và đang giấu giếm điều gì đó thường mất nhiều thời gian hơn và thực hiện nhiều chuyển động tay hơn so với những người trung thực.

Trong tương lai những lời nói dối có thể dễ dàng bị phát giác nhờ ứng dụng trên smartphone (Ảnh minh họa)
Trong tương lai những lời nói dối có thể dễ dàng bị phát giác nhờ ứng dụng trên smartphone (Ảnh minh họa)

Thuật toán, có tên gọi Veritaps, sẽ hiển thị một dấu nháy màu xanh lá cây khi cảm thấy người sử dụng smartphone đang trung thực, và sẽ hiển thị dấu hỏi màu đỏ nếu cảm thấy người dùng smartphone đang giấu giếm điều gì đó hoặc thiếu trung thực. Điều này sẽ giúp người thẩm vấn có thể đưa ra các câu hỏi khác để biết thêm thông tin nếu cần.

Để xây dựng Veritaps, các nhà khoa học đã tiến hành ba nghiên cứu để đánh giá mức độ không trung thực ảnh hưởng đến tương tác của người dùng với thiết bị di động. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng những người nói dối thường tạm dừng trước khi đưa ra câu trả lời.

Trong nghiên cứu đầu tiên, những người tham gia sẽ được yêu cầu nói dối hoặc nói sự thật về một màu được hiển thị trên màn hình smartphone của họ. Những người nói dối sẽ mất thời gian trung bình lâu hơn để trả lời.

Trong nghiên cứu thứ hai, một người nhận tiền và được yêu cầu chia tiền với người thứ hai. Khi đưa ra tùy chọn để nói dối về số tiền nhận được, mọi người thường mất nhiều thời gian hơn để nhập số tiền muốn chuyển đi cho người thứ 2 trên smartphone.

Ở nghiên cứu cuối cùng, những người tham gia sẽ chơi trò chơi xúc xắc trên smartphone. Người chơi không được khuyến khích nói dối, nhưng được thưởng dựa trên số điểm họ quay được, nghĩa là thả được điểm càng cao thì được thưởng càng nhiều. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những người chơi trung thực khi nhập kết quả quay được vào smartphone thường nhấn tay gần với trung tâm của màn hình hơn, với nhiều áp lực tay hơn. Trong khi những người không trung thực (nhập số điểm cao hơn so với số điểm thực tế mà họ quay được) thường chuyển động tay nhiều hơn so với người không trung thực trước khi nhập điểm lên smartphone.

Hiện ứng dụng sử dụng thuật toán Veritaps đang được chạy thử nghiệm trên nền tảng Android và đang trong quá trình nghiên cứu chứ chưa có sẵn cho cộng đồng.

Tiên sĩ Aske Mottelson, một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết thuật toán này có thể phát hiện nói dối tương tự như máy phát hiện nói dối (thường dựa trên những thay đổi về các đặc điểm sinh lý như nhịp tim, nhịp thở... để xác định xem người đó có đang nói dối hay không). Tuy nhiên Mottelson cũng thừa nhận hiện thuật toán này đang được phát triển và vẫn còn nhiều hạn chế nên chưa đủ chắc chắn để có thể áp dụng trong những môi trường cần sự chính xác cao như toàn án...

Veritaps có thể được sử dụng trong trường hợp khai thuế, yêu cầu bảo hiểm hay khảo sát trực tuyến... Ví dụ như nó có thể được sử dụng để đánh giá mức độ chính xác của một mặt hàng được rao bán trực tuyến để biết được những đánh giá này có chính xác hay không hay chỉ là những đánh giá giả mạo.

Đặc biệt Veritaps là một thuận toán máy học (trí tuệ nhân tạo) nên có thể tự cải thiện sau một thời gian được sử dụng dựa vào các điều kiện thực tế.

Nếu Veritaps được phát triển thành công, trong tương lai smartphone sẽ có đủ thông minh để trở thành một thiết bị nói dối cầm tay để sử dụng ở bất kỳ đâu. Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo Veritaps cũng có thể khiến cho mối quan hệ giữa mọi người trở nên xa cách hơn khi mà lòng tin giữa họ luôn bị mang ra để kiểm tra và đánh giá bởi một ứng dụng di động.

T.Thủy