Sau 2 năm, ứng dụng trên IPv6 vẫn "dậm chân tại chỗ"
Ngày 16/4/2013, tại Hội nghị Tổng kết giai đoạn 1 thực hiện Kế hoạch hành động IPv6 Quốc gia, ông Trần Minh Tân - PGĐ Trung tâm VNNIC cho biết, hiện chưa có đơn vị nào cung cấp rộng rãi dịch vụ IPv6 thử nghiệm thực tế cho khách hàng.
Mức độ triển khai IPv6 trên mạng lưới thực tế cũng còn nhiều điểm hạn chế, đây là một điểm chậm so với các quốc gia trong khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, mức độ hưởng ứng các hoạt động về IPv6 của các doanh nghiệp còn chưa đồng đều, nhất là chưa có sự tham gia của các doanh nghiệp cung cấp nội dung.
Trước đó, từ tháng 1/2011, đại diện VDC/VNPT và Viettel đều cho rằng, 2 đơn vị này đã thực hiện triển khai các nghiên cứu, thử nghiệm dịch vụ Internet trên nền IPv6 đối với các dịch vụ cơ bản như email, web, DNS... Vì vậy, nếu khách hàng của VDC/VNPT hay Viettel có yêu cầu dịch vụ Internet trên nền IPv6 thì hoàn toàn có thể đáp ứng được.
Lý giải cho sự chậm trễ, đại diện VNPT cho rằng, do hiện nay trên thị trường có rất ít thiết bị đầu cuối hỗ trợ IPv6 nên việc cung cấp dịch vụ thử nghiệm đến khách hàng gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa kể đến số lượng ứng dụng, dịch vụ trên nền IPv6 vẫn còn ít, chưa thể hiện được nhiều tính ưu việt nên chưa hấp dẫn được khách hàng.
Bên cạnh những mặt còn tồn tại, Thường trực Ban công tác cũng như các doanh nghiệp Internet tiêu biểu đã cơ bản đáp ứng được các mục tiêu đặt ra như công tác phổ cập kiến thức cơ bản về IPv6. Từ mức độ nhận thức còn mơ hồ trong việc triển khai, đến nay IPv6 đã được thừa nhận như một thực tế tất yếu...
Ông Trần Minh Tân kiến nghị trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ TT&TT cần có các chỉ đạo quyết liệt hơn đối với khối doanh nghiệp (doanh nghiệp Internet và doanh nghiệp nội dung) để tăng cường sự ủng hộ cũng như mức độ triển khai tại các doanh nghiệp và đẩy mạnh công tác xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn hóa, ban hành lộ trình hợp quy hợp chuẩn đối với thiết bị IPv6 để góp phần hạn chế việc cung cấp, sử dụng thiết bị không hỗ trợ IPv6.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, mức độ hiểu biết về lợi ích của IPv6 của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã có sự cải thiện sau 2 năm, nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp viễn thông và Internet, chưa có sự tham gia của các doanh nghiệp nội dung, sản xuất thiết bị. Do đó, trong thời gian tới, chúng ta cần có sự tham gia đồng bộ của các đơn vị, từ doanh nghiệp Internet cho đến doanh nghiệp nội dung, sản xuất thiết bị cũng như các viện nghiên cứu. "Trước hết, một số website lớn như báo VnExpress, Vietnamnet, các mạng xã hội... hay các cổng thông tin nhà nước cần hỗ trợ cả IPv6", Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhấn mạnh.
Theo ICT News