Sắp diễn ra nhiều đột phá trong công nghệ di động

(Dân trí) - Mặc dù người dùng cuối chỉ tiếp xúc trực tiếp với những công nghệ mới trên các thiết bị tiêu dùng, thực ra phần lớn những đột phá trong các phương thức kết nối bắt nguồn từ các nhà phát triển công nghệ nền tảng.

Trong tương lai gần, các hình thức kết nối sẽ trở nên phong phú, đa dạng và hiệu quả hơn rất nhiều. 


Tại Đại hội Di động Thế giới (Mobile World Congress – MWC) 2015 tổ chức tại Barcelona (Tây Ban Nha) đầu tháng 3, PV Dân trí đã trao đổi với một số lãnh đạo của Tập đoàn Qualcomm (Mỹ), một trong những nhà phát triển công nghệ nền tảng cho di động lớn nhất thế giới, để tìm hiểu về những xu hướng sắp làm thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp này.

 
 
Trình diễn công nghệ LTE-U tại MWC 2015. 

Trình diễn công nghệ LTE-U tại MWC 2015. 

Tận dụng phổ tần của WiFi


Trước hết, ai cũng biết 4G (mạng di động thế hệ 4, còn gọi là LTE) đã thay thế 3G tại một số thị trường, và sắp phủ sóng nhiều thị trường còn lại. Tuy nhiên, tại MWC, Qualcomm tuyên bố tạo điều kiện mở rộng kết nối LTE với phổ tần không cấp phép (LTE-U), vốn đang dành cho kết nối WiFi và một số kết nối đơn giản khác. 

Theo ông Neville Meijers, Phó Chủ tịch phụ trách phát triển kinh doanh của Qualcomm, việc này có nghĩa, các nhà mạng sẽ có thể kết hợp cả phổ tần cấp phép và phổ tần không cấp phép để cung cấp dịch vụ mạng thống nhất, mang lại độ phủ sóng tốt hơn, tốc độ và chất lượng cao hơn, an toàn hơn cho người dùng.


Cụ thể, với công nghệ mới này, khi được cả nhà mạng và các thiết bị di động hỗ trợ, kết nối của người dùng sẽ tự động tận dụng cả phổ tần di động thông thường (LTE) và phổ tần không cấp phép để mang lại hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, theo các thử nghiệm của Qualcomm, nhờ hiệu suất sử dụng tối ưu của LTE, nó sẽ không những không gây “chật chội” phạm vi sử dụng của người dùng WiFi mà ngược lại, còn bổ trợ để kết nối WiFi được tốt hơn. Nói cách khác, “LTE làm “hàng xóm” với WiFi tốt hơn là chính WiFi với nhau”, ông Meijers nói.


Tại MWC 2015, nhiều nhà sản xuất khác như Samsung, Huawei, Ericsson, Alcatel… đều đã trình diễn các thiết bị hỗ trợ công nghệ LTE-U. Theo Qualcomm, công nghệ này sắp được triển khai tại Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc từ đầu năm 2016, và sau đó sẽ mở rộng dần sang các thị trường khác.


Tăng năng lực truy cập


Cũng liên quan tới WiFi thì Qualcomm đã hoàn thiện các công nghệ nền tảng để hỗ trợ chuẩn WiFi mới 802.11ac, với tính năng MU-MIMO (multi-users Multiple Input Multiple Output) thế hệ mới. Đây là công nghệ cho phép nhiều người kết nối WiFi, với nhiều tín hiệu gửi và nhận cùng lúc.


Theo ông Todd Antes, Phó Chủ tịch phụ trách quản lý sản phẩm của Qualcomm, công nghệ này cho phép nhiều thiết bị cùng kết nối tới một điểm truy cập tại cùng một thời điểm, thay vì quy trình phục vụ lần lượt như trước kia. Đặc biệt, với thế hệ mới này, mỗi điểm truy cập có thể phục vụ được tối đa 512 thiết bị, thay vì 128 như trước đây; đồng thời tốc độ truy cập cho các thiết bị cũng được tăng lên.


Công nghệ WiFi mới đặc biệt có ý nghĩa tại những cơ sở có nhu cầu lớn như các trường học, khách sạn. Với số người dùng tăng lên, các cơ sở đó giờ đây chỉ việc thay các điểm truy cập sử dụng công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu, thay vì phải tăng số điểm truy cập. Hiện các nhà sản xuất router và các thiết bị truy cập như laptop và điện thoại, đều đang sản xuất các sản phẩm sử dụng công nghệ WiFi mới, và dự kiến sẽ tung ra thị trường toàn thế giới trong thời gian sắp tới.


Nhận dạng vân tay bằng siêu âm


Để phục vụ những kết nối tốt hơn, còn cần những đột phá về thiết bị truy cập. Bên cạnh chip thế hệ mới Snapdragon 820 cùng nền tảng Zeroth, cho phép các thiết bị di động trở nên thông minh hơn, thậm chí “học” được thói quen sử dụng cũng như các đặc thù môi trường sử dụng của người dùng, để phục vụ họ tốt hơn (Dân trí đã đưa tin), thì một công nghệ nữa gây chấn động mà Qualcomm vừa công bố là SenseID.


Bà Michelle Leyden Li, Giám đốc Marketing, Qualcomm, cho biết, SenseID sử dụng công nghệ siêu âm, cho phép cảm biến nằm bên trong máy có thể đọc vân tay xuyên qua mọi chất liệu như kim loại, kính, nhựa…, do đó có thể thực hiện việc kiểm tra vân tay ở bất kỳ điểm nào trên máy, thay vì chỉ bó hẹp vào một điểm duy nhất như ở iPhone hiện nay. Đặc biệt hơn, cảm biến này không chỉ đọc hình ảnh vân tay 2 chiều thông thường mà còn đọc sâu vào bên trong ngón tay để phân tích các đặc điểm 3 chiều, thậm chí cả nhiệt độ, để khẳng định đây là ngón tay thật chứ không phải hình ảnh giả mạo. Hơn nữa, cho dù ngón tay có bị bẩn, ướt, dính mồ hôi, hoặc bôi kem, cảm biến vẫn đọc được bình thường.


Công nghệ SenseID hiện đang hoàn tất giai đoạn thử nghiệm, và sẽ được tung ra thị trường vào khoảng cuối năm 2015. Đây được đánh giá sẽ là một bước đột phá trong công nghệ bảo mật dành cho các thiết bị di động.


T.A