1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Sàn giao dịch ảo cho game online: Lợi bất cập hại?

Với tuyên bố thừa nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản ảo trong một số game online, cho phép người chơi mua bán, trao đổi tài sản ảo trong game bằng tiền mặt, thị trường trò chơi trực tuyến tại Việt Nam một lần nữa rung chuyển.

Trong khi giới chơi game đang tranh cãi gay gắt về vấn đề nên hay không nên mở sàn giao dịch và bảo hộ tài sản ảo trong các game online: MU - Xứng danh anh hùng, PTV - Miền đất hứa của FPT và RYL II – Con đường đế vương của VASC, cơ quan quản lý tỏ thái độ phản đối dứt khoát với loại hình giao dịch này.
 
Lợi bất cập hại

Đại diện của FPT, nhà phân phối game MU - Xứng danh danh anh hùng tại VN cho biết, công ty này lại chính thức công nhận và bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp đối với tài khoản, nhân vật và tài sản ảo trong game MU. Theo đó, MU Việt Nam sẽ công nhận và bảo hộ quyền sử dụng, trao đổi, mua bán và giao dịch tài khoản, nhân vật trong game bằng tiền mặt và các hình thức trao đổi khác Từ ngày 1/1, FPT cũng đã đưa ra tuyên bố bảo hộ tài sản ảo trong game PTV - Miền đất hứa.
 
Bước tiếp theo, FPT và VASC sẽ cho ra đời sàn giao dịch ảo cho game online. Theo giải thích của đại diện FPT, sàn giao dịch này sẽ là cái chợ để người bán và người mua tìm thấy nhau một cách dễ dàng và bán hàng một cách an toàn và thuận tiện nhất.

Khi có người muốn bán một món hàng, người đó có thể lên sàn giao dịch rao về món hàng này với mô tả cụ thể về món hàng. Nếu là tài khoản thì có bao nhiêu nhân vật, cấp độ của các nhân vật ra sao, nếu là đồ đạc thì ở cấp độ nào, có các chỉ số đặc biệt gì … và giá mà người bán hàng đưa ra. Khi đã tìm được người muốn mua, người bán nộp tài sản cần bán cho sàn giao dịch và người mua sẽ thanh toán cho sàn giao dịch.
 
Khi cả tiền và hàng đã nằm tại sàn, sàn giao dịch sẽ giao lại hàng cho người mua và tiền cho người bán. Diễn biến trao đổi tiền - hàng này được lưu lại trong hệ thống cho nên khi có tranh chấp xảy ra, rất dễ dàng xác định được ai là "chính chủ” - như khẳng định của đại diện FPT. Công ty này cho biết hiện những công đoạn cuối cùng của việc xây dựng sàn giao dịch đang được hoàn thiện. Dự kiến quý I năm nay sàn giao dịch sẽ chính thức đi vào hoạt động.
 
Ông Nguyễn Duy Cường, Giám đốc Cty Netchua, cho rằng, việc bảo hộ tài sản ảo và mở sàn giao dịch tài sản ảo của game online mang lại nhiều lợi ích. "Hiện có nhiều người sống bằng nghề chơi game nên sàn giao dịch sẽ tạo điều kiện cho họ sống được bằng nghề của mình. Họ có thể lao động nhiều hơn để bán được tài sản ảo hoặc làm thuê cho người khác". Trong khi đó, Lê Quý Đông - lớp K48 Báo chí (ĐHKHXH&NV-ĐHQGHN), một gamer lại cho rằng không nên lập ra các sàn giao dịch này. “Hãy để trò chơi là trò chơi chứ không nên mua bán giá trị trò chơi bằng tiền thật. Có sàn giao dịch sẽ có đấu giá. Khi món đồ ảo được đẩy giá lên quá cao, không thể lường được chuyện gì sẽ xảy ra với những gamer đang "khát” món đồ ấy".

Thứ trưởng Bộ VH&TT Đỗ Quý Doãn: Không nhất trí việc đứng ra bảo hộ tài sản ảo.

 

Tôi không nhất trí việc đứng ra bảo hộ tài sản ảo. Căn cứ và pháp luật hiện hành, điều này cũng hoàn toàn không đúng. Điều 172, chương 1, phần 2 Luật dân sự đã quy định rõ tài sản là những vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá bằng tiền mặt. Nếu việc bảo hộ tài sản ảo được thừa nhận, nó không phù hợp với Luật dân sự. Cho nên không có cơ quan nhà nước nào đứng ra bảo hộ tài sản ảo. Nó chỉ có giá trị giữa công ty đứng ra bảo hộ và người có tài sản được bảo hộ mà thôi.

 

Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, pháp luật không đứng ra xử lý vấn đề này. Tổ chức đứng ra thực hiện quyền bảo hộ không có quy định trong pháp luật cũng cần phải xem xét lại mình. Nếu không xem xét cẩn thận, vấn đề sẽ hết sức phức tạp khi loại hình này trở nên thịnh hành. Tài sản ảo, nhưng tranh chấp là có thật, thậm trí án mạng là thật nên phải hết sức lưu ý chứ không phải đưa ra tuyên bố tuỳ tiện được.

Phạm Việt Tiến, GV ĐH Thể dục Thể thao Hà Tây, cũng cho rằng không nên để những sàn giao địch này hoạt động. "Giới chơi game chủ yếu là HSSV. Trong khi đó, giá nhiều món đồ ngày càng được đẩy lên cao, có khi lên đến 2 - 3 triệu đồng. Nhiều HSSV sẽ bỏ bê học hành sa đà vào chuyện kiếm tiền nhờ chơi game chuyên nghiệp”.
 
Từ “thương gia” đến “siêu lừa” bán đồ ảo...
 
“Em vừa bán một bộ áo mũ great devil (một loại đồ ảo dành cho nhân vật chơi trong game Gunbound) với giá 300 ngàn đồng. Vài tháng trước game này đông người chơi, bán như thế là hợp lý, nhưng ở thời điểm này có thể coi là một cái giá hời” - H.A. một game thủ Gunbound lứa tuổi 9x kể.

Với nick name “saobang…” H.A nổi tiếng là tay “thương gia” có tiếng chuyên buôn bán đồ ảo trong game online. Lúc đầu chỉ trong game Gunbound, sau vì có nhiều quan hệ, H.A. buôn luôn đồ ảo và nhân vật chơi trong nhiều trò chơi khác. Sẵn sàng mua lại của các game thủ quen biết hoặc không hề quen biết với giá tiền thật hợp lý, rồi rao bán kiếm lời, bất kỳ thời điểm nào H.A. cũng quản lý hàng chục hòm thư chứa các account (tài khoản) game online và các đồ áo giáp, vũ khí, đồ đạc.
 
Một game thủ tên T. nhà ở chợ Bạch Đằng, Hà Nội từng một lần bị lừa trong khi mua một account Võ Lâm Truyền Kỳ có tên nick -=VODANH=- mất trắng 120 ngàn tiền thật, vì sau khi giao tiền và được chuyển nhượng hòm thư, nhân vật chơi, T. đã đổi pass hòm thư, mật khẩu account nhưng không lấy câu hỏi bí mật của hòm thư. Sau này, chính T lại áp dụng chiêu thức đó để lừa người khác, cho đến hiện tại chỉ nguyên nhân vật "thiện_than..xx" level 89 phái Nga Mi sever (máy chủ) Đông Giang của T đã được bán tới 5 lần, mỗi lần đều trên dưới 5 triệu. "Hầu hết mọi người trên diễn đàn Võ Lâm Truyền kỳ đều biết em là “siêu lừa bán nhân vật ảo lấy tiền thật rồi” T tâm sự.
 
Có người mua kẻ bán thì phải có "chợ” ! Trên mạng Internet hiện nay xuất hiện hàng trăm sàn giao dịch ảo của giới game thủ dùng để mua bán trao đổi các items (đồ), account, vũ khí. . . ảo. Song ít có nhà cung cấp dịch vụ nào đồng ý cho gamer (người chơi game) trao đổi thoả thuận mua bán đồ trong game bằng tiền thật trên các diễn đàn này.
 
Tuy nhiên, vỏ quít dày có móng tay nhọn, các gamer sử dụng chiêu bài bí mật, chỉ post các thông tin chi tiết về nhân vật cần bán và nói thầm là “muốn giao lưu, trao đổi” hoặc các cụm từ tương tự, sau đó để lại email hoặc số điện thoại liên hệ để tránh thoả thuận giá cả ngay trên diễn đàn.

Tại các forum, trang web rao vặt, mua bán phi chính quy và không liên quan đến nhà cung cấp dịch vụ game thì "chợ ảo" bán đồ ảo bằng tiền thật được mở công khai. Trang raoban.com là một ví dụ điển hình. Hằng trăm bài post rao bán nhân vật chơi, đồ trong đủ các loại game được rao bán tại đây Tuy nhiên, việc mua bán diễn ra nhộn nhịp nhất diễn ra trong khi chơi game. Các game online đều có chế độ cho các thành viên nói chuyện (chat) với nhau, vì vậy hầu hết đều lợi dụng điều này để rao bán và thoả thuận giá cả, địa điểm giao dịch với nhau ngay khi đang chơi game.

Theo Tiền phong

Dòng sự kiện: Game online