Game online: Đi chợ tài sản ảo

(Dân trí) - Trong khi vấn đề tài sản ảo trong game online chưa tìm được tiếng nói chung giữa nhà quản lý và các doanh nghiệp thì thị trường mua bán tài sản ảo đang trở nên cực kỳ sôi động với cảnh mua bán nhộn nhịp suốt ngày đêm.

Đồ ảo đổi lấy tiền thật

 

Tôi có người em họ hiện đang học lớp 11 vốn nghiện game online Võ Lâm Truyền Kỳ (VLTK) từ ngày đầu mới xuất hiện. Mặc dù bố mẹ cấm đoán để tập trung ôn thi vào đại học nhưng đến nay nhân vật của cậu ta cũng đã thuộc diện có “số má” trong giới “giang hồ võ lâm”. Mỗi lần gặp cậu, câu chuyện quanh đi quẩn lại cũng chỉ là nhân vật đã được lên cấp, vừa kiếm được đồ rất xịn…Một ngày cậu ta gọi điện cho tôi hẹn gặp, bảo “có chuyện rất quan trọng”. Chuyện quan trọng ấy hoá ra “ anh cho em vay gấp 300 nghìn”, úp mở mãi cậu ta cũng kể: “ Em đang cần tiền để mua con Võ Đang 1 triệu đồng, con Thiếu Lâm ấy em bán rồi, được 700 nghìn, chơi Thiếu Lâm chán lắm, bây giờ phải mua Võ Đang, Thiên Nhẫn đi săn boss vàng mới sướng”.

 

Cầm tiền xong , cậu ta rủ tôi đi cùng, “nó đang chờ mình ở Bách Khoa, nhanh không nó đổi ý thì người khác mua mất”. Trong một quán net bề thế có tên “ Game siêu tốc” ở đường Tạ Quang Bửu, phường Bách Khoa, dù đang buổi trưa nhưng khách ngồi kín hết máy. Người bán là một nhóc choai choai, tóc nhuộm vàng hoe. Thủ tục mua bán trao đổi diễn ra khá nhanh gọn. Sau khi cầm mảnh giấy người bán đưa có ghi thông tin về tên nhân vật, cậu em tôi nhanh chóng đăng nhập vào nhân vật kiểm tra lại rồi móc ví đưa tiền cho cậu bé tóc vàng.

 

Cũng trong quán này, tôi được chứng kiến một vụ mua bán khác mà cậu em tôi chỉ được xếp vào loại “cò con”. Hai thanh niên đang dùng nhân vật của mình trao đổi cho nhau một sợi dây chuyền Hoàng Kim (loại trang bị rất hiếm trong game VLTK), một chiếc nhẫn và một chiếc ngọc bội, 3 món đồ này có giá là 5,5 triệu đồng. Tìm hiều tôi được biết, người vừa bán đồ tên là Hùng, chờ cho người mua đi khuất, anh ta cười hí hứng nói: “Chủ yếu là bán sợi dây chuyền, còn ngọc bội và nhẫn là cho thêm để người mua khỏi “lăn tăn”, sợi dây chuyền này tớ mua cách đây 2 tháng với giá 3,5 triệu, giờ bí tiền thì bán thôi chứ tiếc lắm, kháng tất cả 20%, độc nhất server đấy”.

 

Thấy nhiều người lè lưỡi bởi sợi dây chuyền ảo này đắt hơn dây chuyền vàng, Hùng cho biết, cách đây một tuần anh ta còn được chứng kiến một vụ mua bán “khủng” hơn nhiều, một cái gậy Hoàng Kim của môn phái Cái Bang có tốc độ xuất chiêu 30% cộng với trên 100 nội lực được bán với giá 7 triệu đồng.

 

Trăm người bán, vạn người mua

 

Hiểu theo một cách đơn giản về game online là người chơi sử dụng tài khoản (nhân vật) của mình để truy cập vào máy chủ trên mạng internet và luyện cấp từ thấp cho đến cao. Trong quá trình này, người chơi sẽ có cơ hội được sở hữu tiền ảo và các món đồ, trang bị như vũ khí, quần áo, giày, mũ…

 

Đây cũng là những thứ được mua bán, trao đổi phổ biến hiện nay. Có thể ví cảnh mua bán trong các trò chơi game online hiện nay như một cái chợ “ Giời” mà ở đó hoạt động mua bán đang diễn ra suốt ngày đêm.

 

Hầu hết trên các game online ăn khách hiện nay như PTV, VLTK, MU, Gunbound... , cảnh mua bán, trao đổi bằng tiền mặt diễn ra khá nhộn nhịp.

 

Sôi động nhất phải kể đến là VLTK, bởi đây là game online đang có thị phần lớn nhất. Mặc dù nhà phát hành là công ty VinaGame đã đưa ra quy định nghiêm cấm giao dịch tài khoản, các đồ vật, trang bị bằng VNĐ, nếu bị phát hiện người chơi sẽ bị khoá tài khoản. Tuy nhiên, các game thủ đã có… 1001 cách để “qua mặt”, các hoạt động giao dịch vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên các kênh chat trong game với nhiều hình thức khác nhau. Mà để đi đến giao dịch cụ thể, người mua, kẻ bán phải thông qua chat Yahoo, điện thoại…

 

Những mặt hàng “hot” nhất trong VLTK hiện nay là các trang bị Hoàng Kim, bi kíp võ công, đồ may mắn…Chỉ riêng bộ trang bị Hoàng Kim đã được giới “giang hồ võ lâm” tương truyền với giá trên 30 triệu đồng, còn một bộ đồ may mắn trên 32% có giá không dưới 15 triệu đồng.

 

Đối với game PTV (Priston Tale), đơn vị phát hành là Công ty cổ phần FPT đã thừa nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản trong games cũng như cho phép được mua bán, trao đổi bằng tiền thật thì hoạt động giao dịch khá tấp nập. Các loại nhân vật, vũ khí, áo giáp được rao bán công khai trên diễn đàn của trang chủ trò chơi này cao ngất ngưởng, từ 7-10 triều đồng/món. Trong một game online khác là Gunbuond, do là trò chơi miễn phí nên giá cả mềm hơn, tuy mỗi nhân vật cũng được bán từ 400-800 nghìn đồng, tuỳ theo cấp độ, trang bị.

 

Đang có một nhu cầu có thật trong thế giới game online hiện nay là săn lùng cho bằng được những trang bị “chiến”, “khủng” để tăng thêm sức mạnh cho nhân vật của mình. Đây chính là xuất phát điểm của thị trường tài sản ảo. Và từ đó đã xuất hiện những người chuyên mua đi bán lại để kiếm chênh lệch hay những game thủ chuyên đi “cày” đồ để bán.

 

Một dạo, chị Lan, phụ huynh của em Phước Long một học sinh cấp III ở Quận Thanh Xuân rất ngạc nhiên khi thấy con trai  mình sở hữu cả một chiếc điện thoại đắt tiền, tra xét mãi, cậu con mới thú nhận là mua bằng tiền bán đồ trong game.

 

Còn Dũng, sinh viên trường đại học Bách Khao, đồng thời là chủ quán Internet đang có trong tay hàng chục nhân vật VLTK, PTV, đây là kết quả của nhiều đêm online trên Internet tìm mua sau đó bán lại cho ai có nhu cầu. Dũng cho biết đã kiếm được cả chiếc xe máy từ những vụ mua bán này.

 

Rủi ro ai chịu?

 

Diễn ra theo quy luật thị trường có cung cầu, thuận mua vừa bán, đấu giá, cạnh tranh, quảng cáo… nhưng mua bán tài sản ảo hiện nay có tỷ lệ rủi ro cực kỳ cao. Khi mua món đồ có giá trị từ hàng trăm đến hàng triệu đồng, người mua luôn đối mặt với nhiều nguy cơ lừa đảo, hack…Đây là những vấn nạn đang rất phổ biến trong các trò chơi game online hiện nay.

 

Nếu như trong mua bán các loại hàng hoá thông thường, người mua, kẻ bán được pháp luật bảo hộ bằng những quy định cụ thể về quyền sở hữu tài sản thì trong game omline, các tài sản ảo chưa hề được công nhận, trừ PTV mới đây đã công nhận quyền này. Theo đó, nếu gặp rủi ro người mua đành ngậm bồ hòn làm ngọt.

 

Dũng cho biết, trong một vụ giao dịch, do sơ suất nên nhân vật Cái Bang 106 mà cậu ta mua bị hack, sau đó vẫn thấy nhân vật này online chơi nhưng không thể nào lấy lại được. Nếu khiếu nại lên công ty VinaGame thì sẽ “mất cả chì lẫn chài” bởi mua bán bằng VNĐ bị  nghiêm cấm.

 

Cũng xin nói thêm rằng, sau thương vụ của cậu em tôi chưa đầy một ngày thì trưa hôm sau, cậu ta gọi điện cho tôi, giọng hớt hải “ em bị thằng ấy lừa rồi, nó cài keylog (dò bàn phím) trên máy rồi đổi lại password”.

 

Không biết sau cú sốc này cậu em tôi có từ bỏ chốn “giang hồ hiểm ác” để tập trung ôn thi đại học.

 

Nguyễn Thái Sơn

Dòng sự kiện: Game online

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm