Samsung cảnh báo smartTV có thể trở thành điệp viên “nghe lén”
(Dân trí) - Samsung cảnh báo smartTV cũng có thể “nghe lén” được những cuộc trò chuyện riêng tư của người dùng và gửi các nội dung này lên máy chủ bên ngoài.
Theo đó Samsung vừa lên tiếng cảnh báo người dùng rằng những mẫu smart TV có chức năng điều khiển bằng giọng nói của hãng có thể thu thập những cuộc nói chuyện riêng tư của người dùng khi họ kích hoạt chức năng giọng nói trên những mẫu sản phẩm này.
“Xin hãy cẩn trọng rằng thông qua chức năng nhận diện giọng nói, khi bạn nói chuyện cá nhân hoặc các thông tin nhạy cảm, những thông tin này sẽ nằm trong số các dữ liệu được smartTV ghi nhận và chuyển đến máy chủ bên ngoài”, Samsung cho biết.
Trên thực tế, trong điều khoản sử dụng của Samsung đã có nhắc đến việc smartTV của hãng sẽ thu thập các nội dung nói chuyện của người dùng, tuy nhiên khi người dùng thiết lập các chức năng trên TV thường không chú ý đến các điều khoản sử dụng này và đồng ý với chúng.
SmartTV có thể “vô tình” nghe phải những câu chuyện riêng tư và nhạy cảm của người dùng
Người dùng có thể tắt/mở chức năng điều khiển giọng nói này trên các mẫu smartTV của Samsung bất cứ khi nào mình muốn. Dĩ nhiên, smartTV không thể phân biệt được đâu là câu lệnh yêu cầu và đâu là các nội dung đàm thoại riêng tư của người dùng, do vậy khi chức năng này được kích hoạt, smartTV sẽ tự động thu thập các nội dung nói chuyện của người dùng, sau đó gửi các nội dung nói chuyện này đến máy chủ bên ngoài của Samsung để lọc ra các câu lệnh yêu cầu TV.
Samsung lần đầu tiên trình làng các mẫu smartTV được tích hợp chức năng điều khiển bằng giọng nói tại triển lãm công nghệ CES 2012, và đến tháng 12/2013, Samsung tích hợp thêm chức năng điều khiển bằng cử chỉ và thêm nhiều tính năng hơn cho chức năng điều khiển bằng giọng nói trên các mẫu smartTV thế hệ mới của mình.
Người dùng có thể sử dụng các cử chỉ như vẫy tay, hoặc sử dụng giọng nói của mình để chuyển kênh, mở các ứng dụng, tìm kiếm các nội dung... một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn thay vì sử dụng điều khiển tử xa như thông thường. Ngoài ra, chức năng này còn cho phép người dùng xem kết quả thi đấu thể thao, lịch chiếu phim...
Trước lo ngại của người dùng về việc những cuộc nói chuyện riêng tư và nhạy cảm của họ bị smartTV ghi nhận và gửi ra máy chủ bên ngoài, Samsung đảm bảo rằng những dữ liệu này sẽ không được lưu trữ lại cũng như không được bán cho bên thứ 3.
“Nếu người dùng đồng ý và sử dụng tính năng nhận dạng giọng nói, dữ liệu giọng nói do người dùng cung cấp sẽ được gửi xử lý tại các máy chủ của samsung để lọc ra các câu lệnh và thực hiện theo”, đại diện của Samsung cho biết. “Trong tất cả các mẫu smartTV của chúng tôi, chúng tôi sử dụng các biện pháp bảo vệ an ninh theo tiêu chuẩn công nghiệp, bao gồm cả việc mã hóa dữ liệu, bảo mật thông tin cá nhân của người dùng và ngăn chặn việc thu thập các dữ liệu này một cách trái phép”.
Dù vậy, việc smartTV của Samsung có khả năng thu thập lại những cuộc nói chuyện riêng tư và cá nhân của người dùng khiến không ít người cảm thấy lo lắng.
“Hãy để người dùng xem TV, thay vì bị TV giám sát chúng ta”, Julia Horwitz, luật sư bảo vệ người tiêu dùng tại trung tâm nghiên cứu EPIC (Electronic Privacy Information Center) nhận xét. “Người tiêu dùng sẽ không biết được điều gì sẽ xảy ra với những dữ liệu được thu thập”.
Trên thực tế với sự phát triển của công nghệ nhận dạng giọng nói và điều khiển bằng giọng nói, hiện có không ít thiết bị thông minh luôn ở chế độ “lắng nghe” để nghe các câu lệnh từ người dùng, như smartphone, smartTV, máy chơi game... khiến các câu nói riêng tư và nhạy cảm của người dùng cũng vô tình lọt vào các thiết bị này.
T.Thủy