1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Ra mắt Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia

Thế Anh

(Dân trí) - Sự kiện do Bộ TT&TT và Bộ Y tế phối hợp tổ chức với sự tham gia của Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT và đại diện các cơ sở y tế tại tuyến huyện trên toàn quốc qua kết nối hệ thống TeleHealth.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 gắn với thông điệp: "5K + vắc xin + thuốc + công nghệ", dưới sự chỉ đạo thống nhất của Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ trong hơn 2 ngày, các doanh nghiệp công nghệ gồm Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã ra quân thần tốc hoàn thành triển khai lắp đặt hệ thống khám chữa bệnh từ xa cho 328 cơ sở y tế tuyến huyện tại 47 tỉnh, thành phố.

Đây là các cơ sở y tế cấp huyện còn chưa được kết nối theo danh sách do Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cung cấp.

Ngày 8/8, tại Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự lễ công bố kết nối toàn bộ các hệ thống này vào Nền tảng khám chữa bệnh từ xa (TeleHealth).

Ra mắt Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia - 1

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ.

Như vậy, 100% cơ sở y tế tuyến huyện đã được kết nối, góp phần xóa nhòa giới hạn giữa các tuyến, các ca bệnh khó, trong đó có điều trị bệnh nhân Covid-19 sẽ được hội chẩn bởi các chuyên gia hàng đầu mà không cần chuyển lên tuyến trên.

Sự kiện do Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế phối hợp tổ chức với sự tham gia của Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT và đại diện các cơ sở y tế tại tuyến huyện trên toàn quốc qua kết nối hệ thống TeleHealth.

Cũng tại sự kiện, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Chợ Rẫy đã thực hiện kết nối hệ thống TeleHealth với nhiều bệnh viện tuyến huyện trên cả nước để hội chẩn, tư vấn điều trị cho các trường hợp mắc Covid-19 đang chuyển biến nặng.

Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa Telehealth do Viettel phát triển được đưa vào vận hành từ tháng 4/2020, kết nối hơn 30 bệnh viện trung ương với hơn 1.400 cơ sở y tế tuyến dưới bao gồm cả vùng núi và hải đảo.

Đây là một trong những bước tiến đột phá trong quá trình Chuyển đổi số của ngành Y tế, hướng đến mục tiêu "vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn". Tính đến nay, có gần 1.600 hồ sơ bệnh án được gửi lên Telehealth, gần 500 buổi hội chẩn và hơn 200 buổi đào tạo được tổ chức thông qua hệ thống.

Cũng trong phiên hội chẩn, trao đổi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi lời thăm hỏi, động viên đến các y, bác sỹ đang nỗ lực vượt qua các khó khăn về thiếu thốn cơ sở vật chất để hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Qua điều hành trực tiếp, Thủ tướng đánh giá đây là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời, giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên và giảm bớt tiếp xúc giữa bệnh nhân với bác sĩ.

Cũng trong khuôn khổ buổi lễ, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế đồng tổ chức ra mắt Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (Trung tâm công nghệ).

Với tinh thần mang công nghệ hỗ trợ ngành y, Trung tâm công nghệ đã phát triển và cung cấp các nền tảng công nghệ dùng chung, áp dụng thống nhất trên toàn quốc, đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ y tế trong phòng, chống dịch, bao gồm: khai báo y tế, kiểm soát vào ra các địa điểm công cộng, truy vết, xét nghiệm, tiêm chủng, giám sát cách ly, đo lường mức độ giãn cách xã hội và các nghiệp vụ khác theo yêu cầu thực tiễn phát sinh.

Ra mắt Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia - 2

Trung tâm công nghệ đã phát triển và cung cấp các nền tảng công nghệ dùng chung, áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Đây là các nền tảng dùng chung nên có thể triển khai nhanh trên toàn quốc. Vì là nền tảng dùng chung, dữ liệu dùng chung nên phòng, chống dịch sẽ hiệu quả. Dịch bệnh là toàn quốc, và chỉ có sử dụng nền tảng dùng chung, dữ liệu dùng chung mới giúp lực lượng y tế phản ứng nhanh, chính xác với các diễn biến của dịch.    

Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia sau 2 tháng thành lập, từ đầu tháng 6/2021, đã thu hút sự chung tay của gần 20 doanh nghiệp công nghệ số từ miền Bắc đến miền Nam, của hàng nghìn cán bộ, chuyên gia công nghệ, lập trình viên trong và ngoài nước. Không chỉ các doanh nghiệp nhà nước, Trung tâm còn có sự tham gia chung tay của nhiều doanh nghiệp khác như BKAV, CMC, FPT hay gần đây là Sovico.  

Trung tâm công nghệ phòng, chống Covid-19 quốc gia sẽ cùng với các Tổ công nghệ Covid-19 tại địa phương - với nòng cốt là lực lượng Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Y tế, sẽ hình thành nên mạng lưới triển khai công nghệ phòng, chống dịch xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương.