1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh sử dụng văn bản điện tử

(Dân trí) - Văn phòng chính phủ vừa chuyển yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam để giao Bộ Thông tin & Truyền thông tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử, văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh sử dụng văn bản điện tử

Nhiều Bộ, ngành, địa phương đã tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong công tác quản lý, điều hành, tuy nhiên kết quả còn hạn chế.
Văn bản chuyển đi ngày 13/12 sau khi Bộ TT&TT gửi kiến nghị tại văn bản số 3128/BTTTT-ƯDCNTT  ngày 23/10 báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chỉ thị số 34/2008/CT-TTg ngày 3/12/2008 về việc tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước và 1 năm thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 22/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dựng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
Theo Bộ TT&TT, tình hình ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cả nước đã đạt được nhiều kết quả đáng chú ý. Nhiều Bộ, ngành, địa phương đã tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong công tác quản lý, điều hành, tuy nhiên kết quả còn hạn chế.

Theo Bộ TT&TT, hạ tầng kỹ thuật CNTT ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Số lượng máy tính được trang bị cho cán bộ, công chức nhằm phục vụ cho công việc ngày càng tăng, góp phần tạo môi trường làm việc điện tử rộng khắp, tăng năng suất, hiệu quả công việc.

Hệ thống mạng LAN được triển khai tại tất cả các Bộ, ngành, địa phương; mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã được triển khai xây dựng trên quy mô quốc gia. 100% Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 96,8% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai và sử dụng hệ thống thư điện tử.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì việc thực hiện các Chỉ thị trên còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế trong đó khó khăn lớn nhất là ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, hạ tầng kỹ thuật còn thiếu thốn do kinh phí để nâng cấp, duy trì các hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành còn hạn hẹp...

Để hoàn thành được những mục tiêu các Chỉ thị đã đề ra, Bộ thông tin và Truyền thông đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tận dụng triệt để cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện có, tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc, hướng tới cải cách hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời ưu tiên đảm bảo đủ kinh phí duy trì, nâng cấp hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành; gắn kết chặt chẽ ứng dụng CNTT với cải cách hành chính; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, từng bước ứng dụng chữ ký số; nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan nhà nước các cấp trong việc ứng dụng hiệu quả các hệ thống thông tin tăng cường trao đổi văn bản điện tử, quản lý, điều hành tại cơ quan mình.

Bên cạnh đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện các Chỉ thị tại các cơ quan, đơn vị; tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý tạo điều kiện trao đổi, xử lý văn bản điện tử, nghiên cứu và đề xuất các văn bản pháp lý cao hơn nhằm thúc đẩy ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước nói chung và trao đổi, xử lý văn bản điện tử nói riêng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý về các đánh giá của Bộ TT&TT về những kết quả đạt được và tồn tại hạn chế sau 5 năm thực hiện Chỉ thị đẩy mạnh sử dụng văn bản điện tử.  Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin & Truyền thông tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử, văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

Khôi Linh

Theo Chinhphu.vn