Phó Thủ tướng: "Công nghệ là lĩnh vực để Việt Nam phát triển bứt phá"
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo, định hướng, và đánh giá về những đóng góp của công nghệ, cũng như các doanh nghiệp công nghệ số trong thời gian qua tại Việt Nam.
Ngày 23/12, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Diễn đàn quốc gia về Phát triển Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020 với chủ đề "Doanh nghiệp công nghệ số-Động lực thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số Việt Nam."
Đây là sự kiện lớn nhất trong năm dành cho các doanh nghiệp công nghệ số, cộng đồng đào tạo, nghiên cứu phát triển công nghệ, các nhà quản lý và đầu tư nhằm chia sẻ, truyền cảm hứng, đề xuất các giải pháp sáng tạo, ý tưởng đột phá để huy động mọi nguồn lực nhằm phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
"Việt Nam cần phát triển nhanh hơn. Công nghệ được trao sứ mệnh tiên phong"
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Nói đến Make in Việt Nam, chúng ta không mong muốn, hàm ý Việt Nam sẽ tự làm tất cả. Việt Nam đặt mình là một phần của thế giới, về công nghệ thông tin, kinh tế, xã hội, với tinh thần cởi mở, hợp tác quốc tế. Tinh thần này luôn luôn phải tiếp tục".
Phó thủ tướng cho biết sự tự tin về lòng yêu nước cũng sẽ giúp Việt Nam phát triển mạnh hơn, khơi dậy sự sáng tạo và sức mạnh toàn dân để vượt qua những thách thức tưởng chừng như không thể vượt qua. "Dù không hài lòng, chúng ta vẫn thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới trong hơn 20 qua", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khích lệ.
Về việc Việt Nam chống dịch thành công Covid-19, Phó Thủ tướng khẳng định: "Việt Nam không đứng đầu thế giới về trình độ y tế, nhưng chúng ta chống được dịch, điều mà nhiều nước không làm được".
Về hệ thống giáo dục, Phó Thủ tướng cũng cho biết: "Dù chúng ta không hài lòng giáo dục nước nhà, nhưng trong con mắt thế giới, giáo dục Việt Nam vẫn rất tốt, giáo dục phổ thông tiệm cận chuẩn giáo dục của OECD, giáo dục đại học từng bước nâng hạng. Các chỉ số khác trên bảng xếp hạng quốc tế như thu nhập bình quân, GDP... chúng ta đều đứng thứ 70 - 80, nhưng chúng ta có chỉ số giáo dục khá cao, đặc biệt đổi mới sáng tạo luôn nằm trong top 50".
"Ngành công nghệ là một trong những lĩnh vực được đầu tư để Việt Nam tạo ra sự phát triển bứt phá, hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao nhân dịp 100 năm thành lập nước", Phó Thủ tướng cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng từ nay, Việt Nam có thể tự tin dùng các giải pháp của mình để phát triển - trong đó công nghệ đã được trao sứ mệnh tiên phong.
Đồng quan điểm nêu trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông cũng khẳng định: "Không Make in Vietnam thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển. Không Make in Vietnam thì chúng ta không thể đi ra thế giới. Không Make in Vietnam thì Việt Nam không thể tự cường. Không Make in Vietnam thì Việt Nam không thể hùng cường thịnh vượng."
Bộ trưởng Hùng cho biết sau một năm nhận Chỉ thị đầu tiên của năm 2020 (Chỉ thị 01) của Thủ tướng Chính phủ là về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, hiện đã có hơn 13.000 doanh nghiệp mới ra đời, tăng 28%, đưa số lượng doanh nghiệp cộng đồng công nghệ thông tin trên 58.000 doanh nghiệp. Như vậy, mục tiêu 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2030 có thể đạt được vào năm 2025.
"Make in Vietnam là một khẩu hiệu hành động, là thúc giục tinh thần thiết kế tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam. Make in Vietnam là kể câu chuyện Việt Nam. Mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp Việt Nam hãy Make in Vietnam và kể câu chuyện Việt Nam của mình. Bởi vì, người Việt kể câu chuyện Việt cho người Việt nghe sẽ gây cảm hứng, tự hào Việt Nam và khích lệ người Việt có thể làm được", Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.
Việt Nam đã có tên trên "bản đồ số" thế giới
Tại Diễn đàn, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT, khẳng định Việt Nam đang đi đúng hướng, và không thể trở thành quốc gia tiên tiến nếu không làm chủ và sáng tạo công nghệ.
Đối với FPT, ông Bình tự hào giới thiệu rằng giải pháp akaBot đã được sử dụng tại 50 công ty trên thế giới và nằm trong số 6 phần mềm tự động hóa hàng đầu trên thế giới theo xếp hạng của Gartner.
"Đó chỉ là một trong 63 sản phẩm chuyển đổi số mà chúng tôi làm. Sự thật là Việt Nam đã có tên ở trên bản đồ số thế giới", ông khẳng định.
Chia sẻ câu chuyện làm khởi nghiệp thực tế tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, ông Phạm Kim Hùng - Founder & CEO của Base cho biết, doanh nghiệp này từng gặp rất nhiều khó khăn khi bắt đầu phát triển một nền tảng quản trị doanh nghiệp từ năm 2016.
"Thời điểm đó, chuyển đổi số vẫn còn là một khái niệm mới với tất cả mọi người. Nhiều khách hàng hỏi tôi rằng tại sao họ lại phải dùng sản phẩm của một start-up chỉ có 5 người và không hề có kinh nghiệm", ông Hùng kể lại.
Tuy nhiên chỉ sau 4 năm, những vị khách hàng từng hỏi câu hỏi "tại sao" đều đã trở thành khách hàng của Base, ông chia sẻ. Trong đó, có tới một nửa trong số 100 doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu được bình chọn tại giải thưởng ASEAN là khách hàng của Base.
Với một câu chuyện khác, bà Nguyễn Hoàng Phương - CEO Be Group cho thấy sức sống mãnh liệt của một ứng dụng "thuần Việt" trong lĩnh vực gọi xe, nhưng vẫn có thể đối chọi với các gã khổng lồ công nghệ hàng đầu khu vực.
Để đạt được thành quả ấy, bà Phương cho rằng về sản xuất hàng hóa tiêu dùng, chúng ta có thể mua máy móc, thiết bị nhập từ nước ngoài để tiết kiệm thời gian nghiên cứu, chế tạo. Thế nhưng về công nghệ số, để làm chủ thực sự, chỉ có một cách duy nhất là tự xây dựng mọi thứ.
Theo chia sẻ của bà Phương, dù mới chỉ thành lập vào năm 2018, đến tháng 6/2019, Be đã nắm giữ vị trí thứ 2 về thị phần gọi xe công nghệ tại Việt Nam. Đến nay, ứng dụng gọi xe này đã có hơn 10 triệu lượt tải, hiện diện tại 10 tỉnh/thành phố và tạo ra việc làm cho hơn 100.000 tài xế người Việt.
Thông qua những câu chuyện trên, doanh nghiệp Việt đã được truyền cảm hứng rằng họ hoàn toàn có thể vươn lên nếu có sự tự tin và biết tập trung vào sản phẩm. Đây cũng chính là nguồn năng lượng tích cực cổ vũ cho sự phát triển của các sản phẩm, dịch vụ Make in Vietnam.