Điểm tin công nghệ:

Phim hoạt hình trên Youtube bị biến tướng máu me ghê rợn, lập đường dây nóng khiếu nại chuyển mạng giữ nguyên số

(Dân trí) - Phủ sóng Wi-Fi miễn phí tại Phong Nha - Kẻ Bàng, đường dây nóng cho chuyển mạng giữ số, Peppa Pig, Elsa bị biến tướng thành hoạt hình máu me ghê rợn trên YouTube, ứng dụng trí tuệ nhân tạo giải mã gene là những tin tức có trong điểm tin công nghệ hôm nay.

 

Peppa Pig, Elsa bị biến tướng thành hoạt hình máu me ghê rợn trên YouTube

Phủ sóng Wi-Fi miễn phí tại Phong Nha - Kẻ Bàng

Phim hoạt hình trên Youtube bị biến tướng máu me ghê rợn, lập đường dây nóng khiếu nại chuyển mạng giữ nguyên số  - 1

Được sự đồng ý của UBND tỉnh Quảng Bình, Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis) đã tiến hành lắp hệ thống phát Wi-Fi miễn phí 100% tại khu vực Phong Nha với tên gọi “Phong Nha-Free Wi-Fi”.

Hệ thống này gồm 8 điểm phát Wi-Fi miễn phí ngoài trời, mỗi điểm có 3 thiết bị Ap (Access Point) với bán kính phát sóng là 100m, số lượng người truy cập đồng thời tối đa là 1.000 người, tốc độ truy cập tối thiểu 2Mbps, tốc độ truy cập tối đa là 20Mbps.

Tổng chi phí đầu tư của hệ thống là 687 triệu đồng, chi phí hoạt động hàng tháng là 40 triệu đồng/tháng. Tất cả các chi phí này đều do Công ty Oxalis chi trả. Đây là hoạt động xã hội hóa trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào quảng bá, xúc tiến du lịch do Công ty Oxalis phối hợp với Sở Du lịch thực hiện.

Thời gian tới, Công ty Oxalis tiếp tục phối hợp với Sở Du lịch để quảng bá về hệ thống wifi này và cung cấp dịch vụ wifi miễn phí trên các xe buýt hàng ngày vận chuyển khách du lịch trên tuyến Hà Nội - Phong Nha và Hội An.

Tổ chức đường dây nóng tiếp nhận khiếu nại về chuyển mạng giữ số

Phim hoạt hình trên Youtube bị biến tướng máu me ghê rợn, lập đường dây nóng khiếu nại chuyển mạng giữ nguyên số  - 2

Mới đây, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có thông báo, sẽ tổ chức đường dây nóng tiếp nhận khiếu nại về các vấn đề liên quan đến dịch vụ chuyển mạng giữ số qua đầu số 1900.

Trong trường hợp các doanh nghiệp có tỷ lệ chuyển mạng thành công thấp, Cục Viễn thông sẽ kiến nghị lãnh đạo Bộ tổ chức thanh tra việc triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số. Thông tin trên được Cục Viễn thông đưa ra nhằm hạn chế việc các nhà mạng gây khó cho khách hàng chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao khi sau 3 tháng triển khai, chỉ có 68.802 thuê bao (tỷ lệ 59,73%) trong tổng số 115.185 thuê bao đăng ký được chuyển mạng thành công.

Tuy nhiên, Cục Viễn thông yêu cầu các nhà mạng tuyên truyền cho người sử dụng, trước khi đăng ký dịch vụ chuyển mạng cần tra cứu tình trạng thuê bao đang sử dụng có đáp ứng điều kiện chuyển mạng bằng cách gửi tin nhắn đến 1414; tra cứu trên trang web; gọi điện đến tổng đài tư vấn... Đây là cách làm để tránh xảy ra những thắc mắc hoặc phải thực hiện đăng ký chuyển mạng nhiều lần mới thành công.

Peppa Pig, Elsa bị biến tướng thành hoạt hình máu me ghê rợn trên YouTube

Phim hoạt hình trên Youtube bị biến tướng máu me ghê rợn, lập đường dây nóng khiếu nại chuyển mạng giữ nguyên số  - 3

Những ngày gần đây, nhiều cư dân mạng đang hoang mang vì tình trạng các video hoạt hình máu me, bạo lực và chết chóc lại đang có dấu hiệu nở rộ trên YouTube. Thoạt tiên, những video này có vẻ trong sáng và đáng yêu với những hình tượng nổi tiếng như Peppa Pig, Elsa và Spider-Man, nhưng thực ra lại chứa đầy những khung cảnh quá mức chịu đựng và lệch lạc cho độ tuổi nhỏ.

Đây là cách làm của các kênh và đối tượng xấu, lợi dụng sự ngây thơ dễ dụ của trẻ em và quản lý lỏng lẻo của người lớn để tiện bề câu view với quy mô khổng lồ. Tất cả những nhân vật chính đều rất nổi tiếng với tuổi thơ trong các bộ truyện tranh và phim ảnh hoạt hình, nhưng nội dung lại bị thay đổi hoàn toàn, chứa đầy những khung cảnh đâm chém, đổ máu, thậm chí hướng dẫn làm các trò nguy hiểm tới tính mạng liên quan đến súng đạn, rạch dao, tự tử, giết người.

Hiện tại, các kết quả tìm kiếm video "máu me" đã có phần giảm xuống đáng kể và không hiển thị nhiều theo các từ khóa liên quan, nhưng có vẻ như đội ngũ YouTube vẫn chưa tìm ra cách diệt sạch và ngăn ngừa triệt để tận gốc rễ. Vì vậy, người dùng cần chủ động thắt chặt thời gian quản lý và theo dõi thói quen xem video của trẻ nhỏ hơn.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo giải mã gene bằng nước bọt do người Việt phát triển

Phim hoạt hình trên Youtube bị biến tướng máu me ghê rợn, lập đường dây nóng khiếu nại chuyển mạng giữ nguyên số  - 4

Bệnh viện Quốc tế Mỹ (Tp.HCM) là nơi đầu tiên cung cấp dịch vụ giải mã gene bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) thông qua việc lấy mẫu nước bọt. Công nghệ này được nghiên cứu và phát triển bởi một người Việt – Tiến sĩ Cao Anh Tuấn, ngành Khoa học máy tính Đại học Cornell (Mỹ).

Trước đây, việc phân tích, giải mã gene thông thường các chuyên gia sẽ lấy máu của người được xét nghiệm với chi phí khá cao. Tuy nhiên theo TS Cao Anh Tuấn, với công nghệ Genetica (Công nghệ giải mã gene bằng trí tuệ nhân tạo) chỉ cần lấy mẫu nước bọt là có thể mang lại kết quả chính xác đến 99% và mức chi phí hợp lý với người Việt Nam.

Mẫu nước bọt sau khi tiếp nhận sẽ được bảo quản và chuyển qua Mỹ để tiến hành phân tích và giải mã gene. Thời gian cho toàn bộ quá trình thực hiện từ khi tiếp nhận mẫu nước bọt đến trả kết quả là 6 – 8 tuần. Chi phí cho viêc giải mã gene áp dụng tại Việt Nam từ 5.795.000 – 18.590.000đ. Riêng phí giải mã, sàng lọc ung thư gần 12 triệu đồng (500 USD).

Nhiệm vụ của Genetica là giải mã những thông tin di truyền tiềm ẩn trong bộ gene của mỗi con người để hiểu sâu hơn về cơ chế hoạt động của cơ thể. Từ đó giúp mỗi người có thể tự hoạch định các kế hoạch cho bản thân, cá nhân hóa chế độ luyện tập và dinh dưỡng, phòng ngừa bệnh tật tiềm ẩn để có cuộc sống tốt hơn.

Nguyễn Quang- Như Quỳnh