Phát hiện gen biến muỗi thành “ma cà rồng”

(Dân trí) - Trong số hàng trăm triệu loài côn trùng hiện nay, chỉ có khoảng 100 loài là có hút máu động vật và một trong số đó là muỗi. Nguyên nhân chính khiến muỗi trở thành “ma cà rồng” chính là một gen giúp loài này đặc biệt nhạy cảm với mùi của cơ thể người.

Phát hiện gen biến muỗi thành “ma cà rồng”

Với mục đích ngăn cản khả năng gây chết người của loài muỗi, mới đây, các nhà khoa học tại Đại học Princeton đã tiến hành nghiên cứu về loài côn trùng này.

“Chúng ta tìm hiểu về cách thức cảm nhận mùi cơ thể con người của muỗi để có thể chế tạo ra những chất xua đuổi chúng”, Carolyn McBride - các nhà thần kinh học tại Đại học Princeton – người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết.

Đối tượng được nhóm nghiên cứu đưa vào “tầm ngắm” chính là muỗi Aedes aegypti cực kì phổ biến và gây ra hàng loạt các căn bệnh trên thế giới hiện nay như sốt xuất huyết, sốt vàng da, sốt rét… Ở Việt Nam, Aedes aegypti được biết tới với tên gọi là muỗi vằn.

Các nhà khoa học đã tiến hành phân loại nghiên cứu Aedes aegypti ở hai môi trường sống khác nhau: một ở trong rừng, không có sự hiện diện của con người (nhằm mục đích làm cho chúng không tấn công con người) và đẻ trứng ở các lỗ cây hay vũng nước; một sống ở môi trường nhà ở, thường xuyên tiếp xúc với con người và đẻ trứng trong các thùng nước. Hai môi trường này cũng được cách li tối đa nhằm hạn chế sự giao phối giữa chúng.

Đến một thời gian nhất định, nhóm nghiên cứu đã bắt hàng loạt cá thể ở hai khu vực nói trên và đưa về phòng thí nghiệm. Nhóm phát hiện ra rằng muỗi rừng “hứng thú” với các loại động vật khác như lợn guinea trong khi “người anh em” sống ở môi trường nhà ở lại “thích” hút máu ở người hơn.

Tiếp đó, nhóm nghiên cứu đi vào phân tích và phát hiện ra một gen chi phối khả năng hút máu ở người của muỗi mang tên Or4. Họ cho rằng Or4 chính là gen “mã hóa” khả năng nhận biết mùi để hút máu ở muỗi. Đặc biệt, Or4 phản ứng mạnh với một chất có tên gọi là sulcatone – chất gây bốc mùi trên cơ thể người. (Con người tiết ra chất này gấp 4 lần ngựa, bò, cừu. Ở lợn Guinea, các nhà khoa học không phát hiện được sulcatone).

Nhóm tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về gen Or4 và phát hiện ra rằng trình tự của nó thay đổi trong hai loại muỗi ở 2 môi trường thí nghiệm. Họ cũng phát hiện được gen này có tới 7 “phiên bản” khác nhau và 3 trong số đó nhạy cảm với cơ thể con người và được phát triển khi ở gần con người. Do đó, chúng thích hút máu người hơn so với muỗi rừng.

“Đây là nghiên cứu khá thuyết phục và lần đầu tiên có thể xác định hành vi loài thông qua một gen duy nhất”, James Logan, một nhà côn trùng học tại Trường Vệ sinh & Nhiệt đới London nói (ông không tham gia nghiên cứu).

Cũng theo Logan, nghiên cứu này sẽ giúp con người có thể “kiểm soát” tốt hơn về loài muỗi trong tương lai nhằm hạn chế khả năng gây bệnh của chúng.

Báo cáo đã được đăng trên tạp chí Nature.

Lâm Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm