1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Phần mềm nguồn mở đã trưởng thành

Linus Torvalds, người khai sinh Linux, đã chứng kiến nhu cầu sử dụng công cụ và phần mềm nguồn mở (PMNM) ngày một lớn mạnh, nhưng quá trình chuyển đổi theo quy mô lớn vẫn còn là một thách thức không nhỏ.

Năm 1991, lập trình viên Phần Lan này đã bắt đầu dự án Linux tại trường đại học Helsinki. Nhờ sự hậu thuẫn của Dell, IBM và nhiều công ty lớn khác, PMNM đã trở nên phổ thông trong máy chủ doanh nghiệp, và vừa ghi nhận 14 quý tăng trưởng liên tiếp. Chậm nhưng chắc, Linux đang mở rộng đường vào môi trường desktop cá nhân.

Theo IBM, năm 2004 có khoảng 10 triệu hệ thống để bàn hoạt động trên nền mã mở, tăng 40% so với một năm trước đó. "Có vẻ như nhiều người quan niệm sự nở rộ của PMNM đồng nghĩa với việc tất cả đều quay sang sử dụng nó chỉ trong một đêm. Tuy nhiên, đó là sự chuyển đổi dần dần, năm sau cao hơn năm trước. PMNM sẽ cần 5 - 10 năm nữa để có thể tạo dựng vị trí chắc chắn trong lĩnh vực desktop", Torvalds giải thích.

Trong khi đó, vấn đề lớn từng cản trở Linux thâm nhập lãnh địa thiết bị điện tử gia dụng là do không đủ khả năng tương thích. Nhưng điều này đang dần được tháo bỏ. Nhiều nhà sản xuất điện tử tỏ ra hợp tác với cộng đồng nguồn mở, nhưng sẽ cần thêm thời gian để họ hoàn toàn thích nghi, giống như những gì đã diễn ra vài năm trước đối với các hãng thiết kế máy chủ.

Tương lai của PMNM nằm trong tay các công ty chuyên kinh doanh ứng dụng và dịch vụ mã mở dù đây không phải hình thức hoạt động mới mẻ. "Trước đây, PMNM chỉ liên quan đến những lĩnh vực kỹ thuật cốt lõi. Nhưng hiện nay, khi nó đã trưởng thành hơn, quá trình phát triển sẽ tập trung hơn vào xây dựng những ứng dụng và công cụ ở mức độ cao dựa trên nền cũ, nhờ đó "chân trời" cho mã mở tiếp tục được mở rộng hơn", Torvalds nhận định.

Gần đây, nhiều người gán cho ông tên gọi "kẻ đạo đức giả" khi ông yêu cầu các công ty sử dụng thương hiệu Linux phải trả tiền bản quyền. Tuy nhiên, Torvalds đã là chủ sở hữu Linux trong hơn 10 năm và ông cho rằng hành động của mình chỉ nhằm mục đích bảo vệ và duy trì tính hiệu lực của thương hiệu.

Theo T.N

VnExpress