"Phải quản lý giá dịch vụ nội dung trên di động"
(Dân trí) - Câu chuyện về cấp phát đầu số nội dung di động cũng như bài toán ăn chia giữa các doanh nghiệp nội dung (CSP) với nhà mạng (Telco) luôn là vấn đề nóng trong thời gian qua. Sự tranh cãi quyết liệt, chưa có hồi kết giữa hai phe này buộc cơ quan quản lý trực tiếp là Bộ Thông tin & Truyền thông phải vào cuộc can thiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, hiện mô hình hợp tác giữa CSP và Telco rất phức tạp, có nhiều nước doanh nghiệp hạ tầng phải trả tiền cho DN nội dung, nhưng ngược lại cũng có hiện tượng các CSP phải thanh toán cho DN hạ tầng.
"Đây là một trận chiến chưa có hồi kết vì còn phụ thuộc rất nhiều vào vị thế của doanh nghiệp, phụ thuộc vào thị trường", Thứ trưởng phân tích. Việc mỗi nước tự tìm lấy cho mình mô hình khiến cho Việt Nam rất khó học tập, dù vậy, mối quan hệ căng thẳng hiện nay giữa các CSP và Telco bắt buộc phải có động thái can thiệp từ cơ quan quản lý, cũng tức là Bộ Thông tin & Truyền thông.
Vấn đề mấu chốt ở đây chính là cách tiếp cận mối quan hệ giữa Telco và CSP ra sao.
Dù mới chỉ ở dạng dự thảo, song một điểm có thể nhận thấy rõ là Thông tư "quy định về kết nối giữa các DN nội dung và DN di động" mà Cục Viễn thông đang xây dựng đã đẩy vai trò của CSP lên cao hơn. Trước đây, các Telco chỉ coi CSP đơn thuần là khách hàng nên luôn nắm đằng chuôi, chỉ cần thay đổi một điều khoản bất kỳ trong hợp đồng là CSP đều phải chấp nhận, không làm gì được. Tranh chấp, kiện tụng nếu có cũng chẳng dẫn tới đâu thì nay, việc Bộ trực tiếp cấp đầu số cho CSP sẽ giúp quan hệ giữa phe nội dung và phe hạ tầng trở nên hợp lý hơn.
Bình luận về vấn đề này, đại diện Trung tâm ứng cứu khẩn cấp VNCERT cho rằng, quyền cấp đầu số nằm trong tay Telco cũng giống như quyền sinh quyền sát. Do đó, Bộ thu hồi đầu số từ các Telco để trực tiếp quản lý, cấp phát cho các doanh nghiệp nội dung là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, hợp lý. Tuy nhiên, bên cạnh đầu số thì tỷ lệ ăn chia cũng đang là vấn đề rất nóng hiện nay. Do tính chất phức tạp của cơ chế ăn chia nên VNCERT đề xuất Thông tư nên có quy định cụ thể: Telco được thu những mức cước nào, tối thiểu bao nhiêu phần trăm và tối đa bao nhiêu phần trăm.
Ì xèo chuyện ăn chia
Trước vấn đề giá cước dịch vụ và bài toán ăn chia mà VNCERT nêu ra, Thứ trưởng Thắng khẳng định, quan điểm của Bộ là "nhất định phải quản giá cước", nhưng quản ở mức độ nào thì cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng.
Theo biểu giá ăn chia của Viettel hiện nay, với mỗi tin nhắn 500 đồng, CSP phải trích lại cho nhà mạng số tiền lên tới 350 đồng, tức là 70% doanh thu. Còn đối với các dịch vụ tin nhắn có giá cước 15.000 đồng, số tiền Viettel được hưởng là 8200 đồng, tức là hơn 50%. Tỷ lệ ăn chia giữa hai nhà mạng lớn còn lại là VinaPhone và MobiFone với CSP cũng tương tự như Viettel, dao động trong ngưỡng 50-70%. Không có gì lạ khi các CSP tỏ ra bức xúc về tỷ lệ này và chỉ trích rằng nó quá cao.
Thế nhưng khi hai bên xảy ra cự cãi thì CSP rất khó đấu lại với Telco. Ngoài việc bị phụ thuộc vào hạ tầng, đầu số do Telco cấp thì việc nhà mạng viện vào giá thành cung cấp dịch vụ cao để trích lại doanh thu cũng khiến cho CSP không biết cãi vào đâu, Thứ trưởng chỉ ra. Nhà mạng có thể nêu ra đủ khoản chi như hạ tầng, trả lương nhân công, phí ưu tiên kênh, phụ phí chất lượng.... để buộc CSP phải chia sẻ doanh thu. Về phần mình, do không nắm được giá thành cụ thể nên CSP cũng chỉ biết chấp nhận trong ấm ức mà không nêu cụ thể được tỷ lệ này bất cập, bất hợp lý hay bị đội giá ở điểm nào.
Chính vì thế, một hướng giải quyết đang được Bộ cân nhắc là sẽ tách bạch phần hạ tầng và nội dung trong giá cước dịch vụ.
Tách bạch giá thành
Theo như phương án này thì Bộ sẽ quy định cước kết nối giữa CSP và Telco dựa trên báo cáo giá thành của Telco. Cũng có nghĩa nhà mạng sẽ phải công khai chi phí hạ tầng, cung cấp dịch vụ "cứng" với cơ quan quản lý, để từ đó Bộ xây dựng nên một khung cước kết nối hạ tầng cố định. Tất cả các dịch vụ tin nhắn của CSP đều sẽ phải trả khoản cước cố định này.
Sau khi thanh toán xong khoản cước hạ tầng, các CSP sẽ có cơ sở để định giá gói cước nội dung thông tin cung cấp đến cho người dùng cuối, thoát khỏi tình trạng "mù mờ" như hiện nay. Phần giá trị gia tăng mà các Telco vẫn đang ăn chia với các CSP hiện nay, sau khi trừ đi giá thành, sẽ do hai bên tự thỏa thuận tiếp, nhưng Bộ sẽ quy định tối đa không được quá một tỷ lệ nhất định.
Nói cách khác, Bộ sẽ kiểm soát phần cứng còn phần "mềm" nội dung thì rõ ràng, CSP phải được hưởng nhiều hơn so với hiện nay. Các Telco sẽ không thể lập lờ, đánh lẫn trong khi đòi ăn chia được một khi nội dung và hạ tầng đã được tách bạch, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tất nhiên, đây mới chỉ dừng ở định hướng quản lý của Bộ. Trong thời gian tới, Cục Viễn thông sẽ tiến hành lấy ý kiến từ các doanh nghiệp về cơ chế tính cước này trước khi hoàn thiện Dự thảo Thông tư quản lý.
Tạo điều kiện tối đa cho DN
Quan điểm của Bộ TT&TT đối với các CSP là các thủ tục cấp phép, cấp đầu số... phải được quy định rõ ràng, đơn giản và dễ triển khai trong Thông tư. Theo đó, Cục Viễn thông sẽ công khai các dải số nằm trong quy hoạch lên mạng và văn bản để doanh nghiệp nắm được, từ đó có thể đăng ký theo nguyên tắc "ai đến trước được trước". Việc công khai dải số là cần thiết để tránh tình trạng đầu số đẹp bị "ém lại" cho các CSP thân thiết.
Bên cạnh đó, thủ tục cấp phép kinh doanh cho CSP cần được quy về một mối, cho phép doanh nghiệp chỉ phải hoàn thiện và nộp hồ sơ tại một nơi (hoặc Cục PTTH hoặc Cục Viễn thông), tránh tình trạng DN phải làm tới 2 bộ hồ sơ giống nhau để nộp cho hai cơ quan quản lý cùng lúc. "Cần phải đơn giản hóa thủ tục theo hướng cải cách hành chính, dễ cho xã hội, dễ cho doanh nghiệp", Thứ trưởng Thắng kết luận.
Theo Trọng Cầm
VietNamNet