1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

"OTT không là nguyên do tăng cước 3G"

Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng nói rằng có thể ví mạng 3G như 1 con đường mới xây, lúc đầu ít người qua lại thì đường rộng, có thể miễn phí hoặc lấy mức phí thấp, nay đông người qua lại thì phải thu phí cao hơn để đảm bảo có kinh phí tái đầu tư.

OTT là cơ hội cho nhà mạng chứ không phải nguyên nhân tăng cước

Sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ nhắn tin và thoại miễn phí trên nền 3G (dịch vụ OTT) đang được cho là nguyên nhân sụt giảm doanh thu của nhà mạng và sẽ khiến cho nhà mạng phải tăng cước 3G đề bù đắp lại phần sụt giảm này. Tuy nhiên, các mạng di động lại cho rằng việc đề xuất tăng cước 3G của họ không phải vì nguyên nhân từ việc nở rộ dịch vụ OTT mà do dịch vụ 3G đang bán dưới giá thành. 

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tổng giám đốc Viettel khẳng định, Viettel không đánh giá OTT là "nguy hiểm" mà đây là một cuộc cách mạng trong lịch sử 100 năm của ngành viễn thông. Nhờ có OTT các mạng di động sẽ chuyển từ cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang cung cấp dịch vụ phi thoại. Bức tranh  của các mạng di động trong dài hạn chỉ còn 1/3 - 1/4 doanh thu là từ dịch vụ thoại, 1/3 là doanh thu từ data và 1/3 còn lại là doanh thu từ phát triển các dịch vụ mới như mobile banking, mobile payment, điện toán đám mây..

"OTT là thách thức nhưng lại đang tạo ra cơ hội để các nhà mạng thay đổi, tôi coi đây là cơ hội 100 năm nay mới có một lần tái sinh", ông Hùng nói. Các nhà mạng nên coi OTT là cơ hội để thu tiền, với nhiều ứng dụng và dịch vụ hơn. Vẫn theo ông Hùng, thay vì cấm nên tạo một không gian để cho các dịch vụ OTT phát triển, nhưng nên đưa OTT vào khuôn khổ để quản lý.
OTT không là nguyên do tăng cước 3G
Các nhà mạng cho rằng cước dịch vụ 3G hiện nay quá thấp khiến việc đầu tư mạng lưới mới gặp khó khăn

VinaPhone cũng đồng tình với quan điểm của Viettel và cho rằng, nhà nước phải có định chế quản lý các dịch vụ OTT cũng như đưa ra các mô hình hợp tác giữa các mạng di động và doanh nghiệp OTT. Bởi nếu không có các giải pháp kỹ thuật kết nối giữa hai bên khi người dùng dịch vụ OTT tăng lên đến hàng chục triệu người, nếu có lỗi kỹ thuật sẽ có ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dùng.

Tương tự, ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Tổng giám đốc MobiFone cho rằng, cần có mô hình Win – Win - Win để phát triển dịch vụ OTT. Tuy nhiên, thoại trên OTT hay thoại trên GSM đều giống nhau cho nên OTT cũng phải có giấy phép cung cấp dịch vụ thoại, bị quản lý giá bán, quản lý chất lượng cũng như không được phép bù chéo dịch vụ giống như các telco.

Với câu trả lời của các mạng di động cho thấy họ đã sẵn sàng đón nhận dịch vụ OTT như là cơ hội kinh doanh chứ không phải “tội đồ” để cho nguyên nhân đề xuất tăng cước 3G của họ. Hiện các phương án hợp tác giữa các doanh nghiệp OTT và nhà mạng bắt đầu được triển khai, nhưng chưa tiến tới gói cước cụ thể.

Tăng cước 3G vì đang quá thấp

Mới đây, Viettel đã chính thức đề xuất lên Bộ TT&TT tăng cước 3G vì hiện tại dịch vụ này đang bán dưới giá thành. Không chỉ có Viettel, MobiFone và VinaPhone cũng đã bắt đầu lên tiếng về vấn đề này bởi đầu tư cho 3G đang lỗ.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, 4 năm trước, các nhà mạng bắt đầu đầu tư vào mạng 3G. Trong giai đoạn đầu phát triển, để kích cầu cho dịch vụ mới, nhiều nhà mạng đã giảm giá cước dưới mức giá thành. "Khi sinh ra mạng 3G, các nhà mạng ở Việt Nam tính giá thành theo giá trị cận biên vì nghĩ rằng 3G sẽ tạo ra nguồn doanh thu mới bên cạnh doanh thu từ mạng 2G và chỉ dùng khoản chi phí tăng thêm để tính giá thành. Đến nay 3G dần thay thế 2G và tất cả chi phí cho 2G dồn hết cho 3G phải "gánh", vì vậy nhà mạng phải tính chuyện tăng giá cước 3G", ông Hùng nói.

Đại diện MobiFone cũng nhấn mạnh, hiện nay bản chất 2G đang phải nuôi 3G vì thực sự 3G đang lỗ. Nếu 3G cứ tiếp tục bán dưới giá thành thì nhà mạng sẽ không còn sức để tái đầu tư.

Theo thống kê sơ bộ của các nhà mạng thì giá dịch vụ 3G được bán ra chỉ bằng 35 - 68% so với mức giá thành của dịch vụ. Các nhà mạng đều cho rằng nếu không tăng giá cước 3G, nhà mạng sẽ không còn nguồn lực để tái đầu tư phát triển mạng lưới, mở rộng vùng phủ sóng của 3G. Một khi chưa thể thu lợi được từ 3G thì các nhà mạng sẽ chưa thể nghĩ tới chuyện đầu tư 4G tại Việt Nam.

Phát biểu trước truyền thông mới đây, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng lưu ý, lý do chính khiến các nhà mạng phải tăng giá cước 3G không phải vì OTT mà vì dịch vụ này đang được bán dưới giá thành. Có thể ví mạng 3G như 1 con đường mới xây, lúc đầu ít người qua lại thì đường rộng, có thể miễn phí hoặc lấy mức phí thấp, nay đông người qua lại thì phải thu phí cao hơn để đảm bảo có kinh phí tái đầu tư.

Theo phân tích của Thứ trưởng Lê Nam Thắng, việc giá cước 3G dần dần đi lên dựa trên cơ sở giá thành là một xu hướng tất yếu. Trong thời gian đầu triển khai dịch vụ 3G, để thu hút người dùng và kích cầu cho thị trường, doanh nghiệp phải bấm bụng bán dưới giá thành, đưa ra mức cước rất rẻ. Đồng thời, Bộ cũng chưa quản lý giá cước để tạo điều kiện cho thị trường phát triển. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi số lượng thuê bao và tỷ lệ sử dụng 3G tăng mạnh thì doanh nghiệp cần phải điều chỉnh lại giá cước tiệm cận với giá thành.

"Trong lĩnh vực viễn thông, lâu nay mọi người thường có tâm lý quen với chuyện giá cước đi xuống hoặc đi ngang. Nay mọi chi phí dịch vụ khác như điện, nước... đều tăng thì cước viễn thông cũng phải tăng hoặc giảm theo cơ chế thị trường giống các lĩnh vực dịch vụ khác. Người tiêu dùng cần quen dần với khái niệm tăng hoặc giảm cước viễn thông, cước 3G là chuyện bình thường trong kinh doanh", Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói.

 Thủy Vinh