Nokia và BlackBerry liệu có "đổi đời" khi hồi sinh huyền thoại cũ?
(Dân trí) - Cả 2 thương hiệu này đều đang sử dụng chung một chiến lược, đó là khơi dậy những "kỷ niệm đẹp" từ người tiêu dùng dành cho các dòng điện thoại cũ nhằm tìm kiếm thành công mới.
Những kỷ niệm đẹp thường qua đi rất nhanh trong kỷ nguyên phát triển với tốc độ "tên lửa" của kỹ thuật số và cũng dễ dàng bị vượt qua bởi các đối thủ cạnh tranh. Càng đáng chú ý hơn khi điều hiếm hoi ấy lại đến từ những công ty mà giờ đang phải "chật vật" để tìm chỗ đứng trong ngành công nghiệp chung - là BlackBerry và Nokia.
Mười năm trước đây, Nokia và BlackBerry còn đang đứng trên đỉnh và họ bay rất cao. Cả 2 đều là những thương hiệu đáng tin cậy và đắt giá bậc nhất trong lĩnh vực di động. Thế nhưng kể từ khi Steve Jobs cho ra mắt chiếc iPhone đầu tiên, cuộc chơi đã đổi chiều.
Hai thương hiệu số 1 ngày trước, thì giờ đây thậm chí không thể "đứng vững trên đôi chân của chính mình", mà phải đều đã phải bán lại mảng sản xuất cho các công ty khác. Nokia đang thuộc về HMD - một công ty của Phần Lan; còn BlackBerry thì may mắn hơn được "cưu mang" bởi TCL - tập đoàn triệu USD của Trung Quốc vốn nổi tiếng với các sản phẩm TV.
Cho dù là Nokia (HMD) hay BlackBerry (TCL), thì cả 2 công ty này đều đang sử dụng chung một chiến lược, đó là khơi dậy những "kỷ niệm đẹp" từ người tiêu dùng dành cho các dòng điện thoại cũ nhằm tìm kiếm "thành công mới".
Trên thực tế, cả Nokia và BlackBerry đều sở hữu nhiều dòng sản phẩm cũ vẫn còn sức hút và họ đang tận dụng triệu để ưu thế này, điển hình là việc hồi sinh chiếc Nokia 3310 đời cổ tại triển lãm công nghệ MWC năm nay. Đây cũng là lần đầu tiên một chiếc điện thoại phổ thông lại được chú ý đến như vậy.
Có vẻ như trong nhiều trường hợp, không phải cứ đi tìm điều mới là hay, mà chính những thứ tưởng như "cổ lỗ sĩ" lại có thể khiến chúng ta thành công một cách đầy bất ngờ. Tiếc rằng quan niệm này không được CEO một thời của Nokia là Stephen Elop áp dụng trong những năm đánh dấu nỗ lực tuyệt vọng của họ.
Trở lại vào năm 2011, Stephen từng gửi một tâm thư tới các nhân viên đang làm việc cho Nokia với tựa đề "Burning Platform" (tạm dịch là giàn khoan dầu bốc cháy) để miêu tả về tình huống "ngàn cân treo sợi tóc" mà ông, cũng như công ty đang trải qua.
"Đây là câu chuyện kể về một người đàn ông đang làm việc trên dàn khoan dầu giữ biển khơi," Elop viết. "Một hôm, anh ta tỉnh giấc vì nghe thấy tiếng động của một vụ nổ lớn. Khi mở mắt ra, người đàn ông thấy mọi thứ xung quanh mình đang bốc cháy."
Có lẽ chúng ta đều biết phần kết của câu chuyện, khi "gã khổng lồ Nokia" không kịp nhảy ra khỏi dàn khoan dầu đang bốc cháy. Thương hiệu vốn nắm giữ 50% thị phần di động thế giới trước khi iPhone ra mắt, đã nhanh chóng giảm xuống chỉ còn một con số vào thời điểm bức "tâm thư" được công bố, và nỗi đau ấy vẫn còn mãi tới ngày nay.
BlackBerry/TCL cũng thừa nhận họ đã đánh mất một lượng lớn các fan trung thành do không theo kịp các xu thế mới được thiết lập bởi iPhone. Tuy nhiên nhà sản xuất Canada ít nhất vẫn biết giữ lại, và tiếp tục duy trì yếu tố được ưa chuộng nhất trên các sản phẩm của hãng: đó là bàn phím QWERTY.
Và có vẻ như TCL cũng đang hướng tới một ước mơ đơn giản hơn khi ra mắt chiếc KeyOne - vốn là tên gọi mới của dòng sản phẩm BlackBerry Mercury được hé lộ bấy lâu bởi nhà sản xuất Canada với bàn phím QWERTY quen thuộc.
"Chúng tôi hỏi người dùng rằng, các bạn có cần bàn phím vật lý hay không?" - Bruce Walpole, một đại diện của TCL/BlackBerry cho biết. "25% số người được hỏi trả lời có".
"Chỉ cần nhóm 25% này đều mua một chiếc KeyOne, đó đã là thành công với chúng tôi", Bruce cho biết trong một phỏng vấn của tờ TechCrunch. Rõ ràng, việc thành công hay thất bại không quá quan trọng với tập đoàn triệu USD của Trung Quốc. Giả sử như KeyOne không được ưa chuộng, họ cũng sẽ dễ dàng bỏ qua nó để tiếp tục với một dự án khác.
Đây là một lợi thế lớn mà HMD (Nokia) không có được. Công ty này mặc khác rất kỳ vọng sự thành công đến từ việc hồi sinh một "huyền thoại" cũ sẽ tạo ra một làn sóng giúp thúc đẩy các kế hoạch và sản phẩm trong tương lai.
Trên thực tế, sự ảnh hưởng của Nokia 3310 đã nhanh chóng gây tác động đến thị trường Việt Nam, khi mẫu điện thoại đời cổ này đã bị đội giá lên tới vài triệu đồng ngay sau khi được tin sẽ "hồi sinh".
Tuy nhiên theo đánh giá của TechCrunch, xu thế chung của thị trường smartphone sẽ khó lòng bị ảnh hưởng bởi một vài "hoài niệm cũ" nhỏ nhoi đến từ Nokia và BlackBerry.
Cả 2 công ty sẽ khó lòng tạo ra sức ảnh hưởng lớn, mà cùng lắm chỉ duy trì được một doanh số nhỏ dựa vào các "tín đồ" trung thành. Đáng buồn thay, đây dường như lại là tia hy vọng duy nhất của cả 2 nhà sản xuất vốn từng là các "ông lớn" trong việc tìm kiếm hướng đi cho riêng mình.
Nguyễn Nguyễn
Theo TechCrunch