Những vụ chỉnh sửa "ê mặt" nhất trên Wikipedia
Nhiều công ty, tổ chức và cá nhân nổi tiếng tưởng rằng không ai biết họ đã thay đổi thông tin trên trang từ điển bách khoa trực tuyến nên đã cố ý biên tập lại để hồ sơ của mình đẹp hơn trong mắt độc giả.
Wikipedia đã làm nên cuộc cách mạng về khả năng tập hợp kiến thức nhân loại khi cho phép ai cũng có thể sửa lỗi hàng triệu bài viết trên trang. Nhưng nó cũng vô tình tạo cơ hội "viết lại lịch sử, xóa đi những vết nhơ của quá khứ" cho không ít tổ chức trên toàn thế giới.
Trước tình trạng đó, hacker người Mỹ Virgil Griffith đã xây dựng chương trình Wikiscanner với khả năng xác định địa chỉ IP của hàng nghìn lượt chỉnh sửa trên Wikipedia. Phần mềm này đã phát hiện cơ quan tình báo Mỹ CIA can thiệp tới gần 300 bài viết liên quan đến tổng thống Iran, hải quân Argentine, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc...
Đại diện Wikipedia cho hay chương trình của Griffith đã khẳng định một số điều mà họ vốn đã nghi ngờ từ rất lâu. "Wikipedia chỉ giống như một bản thảo của lịch sử. Nó liên tục được thay đổi và phụ thuộc vào những đóng góp dữ liệu của các tình nguyện viên. Việc cố ý xóa hoặc đưa thêm lời thanh minh cho sự kiện nào đó là điều không thể chấp nhận", phát ngôn viên của Wikipedia nhấn mạnh.
Kể từ năm 2002, Wikiscanner đã phân tích cơ sở dữ liệu 34,4 triệu lượt chỉnh sửa do 2,6 triệu tổ chức và cá nhân thực hiện. Dưới đây là những sự kiện đã được chỉnh sửa sai sự thật:
Sự cố tràn dầu của ExxonMobil
Một máy tính với địa chỉ IP thuộc hãng dầu khí khổng lồ ExxonMobil đã được sử dụng để thay đổi bài viết về thảm họa tàu Exxon Valdez bị chìm tại bờ biển Alaska năm 1989. Lời cáo buộc công ty "chưa chịu bồi thường 5 tỷ USD cho 32.000 ngư dân Alaska" bị thay bằng danh sách những khoản ngân quỹ mà công ty này từng đóng góp.
Quan điểm của đảng Cộng hòa Mỹ về Iraq
Tổ chức chính trị này đã sửa bài viết liên quan đến Saddam Hussein nhằm khẳng định cuộc chiến do Mỹ cầm đầu không phải là "sự chiếm đóng" mà là "sự giải phóng".
CIA và con số thương vong trong chiến tranh
Cơ quan này đã thay đổi biểu đồ về số người tử nạn ở Iraq và chú thích rằng số liệu đó "chỉ là ước tính". Ngoài ra, thông tin về cựu lãnh đạo CIA William Colby cũng được biên tập lại nhằm "tô điểm" thêm hồ sơ cá nhân của ông.
Dow Chemical và thảm họa Bhopal
Một ai đó đã dùng máy tính thuộc công ty hóa chất Mỹ để xóa thông tin về thảm họa Bhopal (Ấn Độ) năm 1980, từng cướp đi sinh mạng của 20.000 người.
Sự đúng đắn của hệ thống bầu cử Diebold
Nhiều bằng chứng cho thấy Diebold đã gỡ bỏ những đoạn nói về sự thiếu chính xác trong phần mềm bầu cử của họ cũng như thông tin nói rằng giám đốc điều hành Diebold ủng hộ tổng thống Bush.
Những chú khuyển khát máu
Hiệp hội chăn nuôi chó của Mỹ đã xóa những thông tin về hai ca tử vọng do loài Perro de Presa Canario gây ra. Năm 2001, một phụ nữ bị tấn công đến chết trên đường trở về nhà ở San Fransisco. Năm ngoái, cũng chính một con chó thuần chủng Presa Canario giết một phụ nữ khác ở Florida.
Vị trí số một của Boeing
Tập đoàn Boeing đã khẳng định trên Wikipedia rằng họ không phải "một trong những hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới" mà chính xác là "hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới".
Kinh doanh kiểu... Nestle
Tập đoàn thực phẩm và nước uống khổng lồ của Thụy Sĩ đã xóa sạch những lời chỉ trích về các hành vi gây tranh cãi trong kinh doanh của họ.
News International và chiến dịch chống tình dục trẻ em giả tạo
Hãng xuất bản báo chí Anh này đã "phù phép" để làm biến mất thông tin trên Wikipedia rằng họ vẫn "đăng ảnh bán khỏa thân của 3 người mẫu 16 tuổi cùng những câu chuyện khêu gợi về các bé gái" dù họ đã cam kết tham gia chiến dịch phản đối quan hệ tình dục với trẻ em.
Theo T.N
VnE/Independent UK, AFP